Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Sửa đổi Luật Giao dịch điện tử: Quan trọng và cấp thiết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) bao hàm nhiều nội dung nhưng chỉ nên nghiên cứu phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực ngân hàng.

Đạo luật có ý nghĩa to lớn đối với lộ trình chuyển đổi số

Phát biểu tại Tọa đàm góp ý Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) do Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) phối hợp với Nhóm công tác ngân hàng thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức, bà Michele Wee, Chủ tịch Nhóm công tác Ngân hàng nước ngoài (BWG) cho biết, Luật Giao dịch điện tử 2005 được ban hành được coi là một trong những sắc luật vô cùng quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với lộ trình chuyển đổi số của nền kinh tế nói chung và của ngành ngân hàng nói riêng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA đánh giá, từ khi Luật Giao dịch điện tử 2005 được ban hành đến nay có rất nhiều sự đổi mới, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đang diễn ra hết sức mạnh mẽ. Sửa đổi Luật Giao dịch điện tử là việc quan trọng và cần thiết để thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam nhanh hơn.

Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi (dự thảo Luật sửa đổi), Hiệp hội đã góp ý 3 lần và nhiều nội dung đã được tiếp thu sửa đổi, nhưng qua rà soát vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Do đó, Hiệp hội phối hợp với Nhóm công tác ngân hàng tổ chức Tọa đàm để ghi nhận ý kiến đóng góp từ các hội viên trên cơ sở thực tiễn nhằm hướng tới mục tiêu Luật ban hành có thể đi vào cuộc sống.

“Các ý kiến đóng góp từ các ngân hàng trong nước và nước ngoài, các nhà nghiên cứu chính sách sẽ là nguồn thông tin quan trọng trong quá trình sửa đổi Luật”, bà Michele Wee nhấn mạnh.

Những nút thắt

Tham gia góp ý tại Tọa đàm, đại diện các tổ chức tín dụng (TCTD) đã nhấn mạnh các nội dung về chữ ký điện tử, các biện pháp xác thực khác đã được triển khai trong thực tế như SMS, OTP, Token OTP, sinh trắc học… và đề nghị bổ sung quy định về tính pháp lý của các biện pháp này.

Cụ thể, đại diện MB cho rằng, Luật Giao dịch điện tử đang chủ yếu đề cập và quy định đối với chữ ký điện tử, chứng thư điện tử, trong khi thực tế các giao dịch của các ngân hàng đang được chấp nhận các biện pháp xác thực khác tùy theo loại giao dịch.

Luật Giao dịch điện tử được ban hành năm 2005. Trong 17 năm triển khai thực hiện, hiện có 141 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực liên quan đến Luật, bao gồm: 26 luật, 29 nghị định, 57 thông tư, 29 quyết định các cấp và 9đdiều ước quốc tế (6 hiệp định, 3 công ước). Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, Bộ Thông tin và truyền thông đã lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân từ ngày 29/4/2022 và đã nhận được 95 văn bản ý kiến góp ý với hơn 900 ý kiến góp ý cụ thể.

“Vậy, các giao dịch không được ký với chữ ký điện tử mà sử dụng các biện pháp xác thực theo Quy định 630/QĐ-NHNN thì tính pháp lý của các chứng từ giao dịch trong trường hợp này sẽ xác định như thế nào?. Cơ quan soạn thảo bổ sung quy định phù hợp với thực tiễn triển khai và quy định rõ ràng hơn về giá trị pháp lý của các loại hình chữ ký điện tử ngoài chữ ký số”, đại diện MB đề xuất.

Bên cạnh đó, các TCTD cũng lo ngại một số quy định trong Dự thảo Luật sửa đổi có thể ràng buộc thêm trách nhiệm pháp lý và chi phí cho các TCTD trong việc triển khai, đặc biệt là các nội dụng chứng thực chữ ký điện tử nội bộ, chứng thực chữ ký, xác thực chữ ký, trách nhiệm báo cáo với cơ quan chủ quản. Việc sử dụng dịch vụ của bên thứ 3 cung cấp dịch vụ liên quan chữ ký điện tử, chứng thực điện tử hoặc các dịch vụ công khác sẽ tạo ra gánh nặng chi phí lớn.

Đồng thời, các TCTD cũng đề nghị rà soát quy định để ghi nhận chứng thư điện tử, chữ ký số từ đối tác nước ngoài. Dự thảo Luật sửa đổi không còn quy định phạm vi giới hạn trên lãnh thổ Việt Nam nhưng cần có quy định về xác thực khách hàng, xác thực tính phù hợp, hợp pháp của các giao dịch đó và cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp.

Trao đổi tại Tọa đàm, ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán NHNN cho rằng, việc chia chữ ký điện tử thành 3 mức độ sẽ đảm bảo độ tin cậy, phù hợp với các mức độ tin cậy và giá trị khác nhau trên môi trường giao dịch điện tử.

"Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm bổ sung quy định về cấp độ chữ ký điện tử, giá trị pháp lý theo cấp độ đó, để bảo đảm phù hợp với thực tiễn khi sử dụng chữ ký điện tử, cũng như xác thực các giao dịch trên môi trường điện tử và tạo căn cứ để các ngành, lĩnh vực khác có các hướng dẫn cụ thể hơn", ông Dũng nói.

Về hợp đồng điện tử, theo ông Dũng, tại Điều 39 Dự thảo Luật sửa đổi có quy định: “Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu”. Tuy nhiên, quy định như vậy không thể hiện rõ được giá trị pháp lý và giá trị làm chứng cứ của hợp đồng điện tử.

Ông Dũng cho biết, hiện nay dự thảo Luật đã quy định về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu và chữ ký điện tử, do đó, đề nghị ban soạn thảo xem xét sửa đổi và quy định cụ thể hơn về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử tại khoản 1, Điều 39 theo hướng: “Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử được xác định trên cơ sở giá trị pháp lý của Thông điệp dữ liệu tại Điều 11 và giá trị pháp lý của Chữ ký điện tử tại Điều 33”.

Cũng theo ông Lê Anh Dũng, dự thảo luật bao hàm nhiều nội dung, do đó chỉ nên nghiên cứu phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực ngân hàng. Đề nghị xem xét quy định giao Chính phủ có quy định hướng dẫn triển khai giao dịch điện tử trong từng ngành, lĩnh vực, tương tự như cách tiếp cận trước đây.

“Hiện tại Chính phủ cũng đang trong quá trình xây dựng nhiều văn bản liên quan đến giao dịch điện tử (Nghị định về định danh và xác thực điện tử; Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân…). Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, nghiên cứu, rà soát để đảm bảo thống nhất, phù hợp giữa các nội dung quy định tại Luật với cả các dự thảo văn bản như trên để đảm bảo tính đồng bộ, khả thi trong quá trình triển khai thực hiện”, ông Lê Anh Dũng kiến nghị.

Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết: “Sau Tọa đàm, VNBA sẽ tập hợp ý kiến các hội viên và có văn bản góp ý nêu rõ nội dung kiến nghị, nguyên nhân và đề xuất hướng sửa đổi để làm sao Luật thực thi tốt”.

Tin bài liên quan