Trình bày tờ trình dự thảo Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, sau 13 năm triển khai thực hiện và tổng kết thi hành Luật Thanh niên cho thấy việc ban hành Luật Thanh niên đã tạo cơ sở pháp lý cho việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và phát huy thanh niên; tác động tích cực đối với phong trào thanh niên; đồng thời phát huy vai trò của tổ chức thanh niên, trong đó trung tâm là Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên,...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật Thanh niên đã bộc lộ một số tồn tại và bất cập, như:
Một số quy định của Luật khó áp dụng, thiếu đồng bộ với các chính sách khác, như chưa có sự rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của thanh niên; quy định về trách nhiệm của Nhà nước còn chung chung, chưa cụ thể; thiếu nguồn lực thực hiện Luật; chưa có công cụ đo lường, thống kê nên chưa bóc tách và làm rõ được thông tin về thanh niên, nguồn lực đầu tư cho thanh niên với nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực khác của các bộ, ngành và địa phương.
Thiếu cơ chế điều phối trong việc thực hiện các chính sách quy định trong Luật, thiếu sự gắn kết giữa cơ quan xây dựng chính sách và cơ quan thực thi chính sách; tính pháp chế trong thi hành Luật còn hạn chế, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên; công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên chưa được coi trọng dẫn đến tình trạng cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai thực hiện tốt cũng không được đánh giá, ghi nhận và ngược lại không làm cũng không bị xử lý.
Tại phiên họp, đa số ý kiến thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Thanh niên với những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nếu Dự thảo vẫn chỉ quy định về quyền, nghĩa vụ, chính sách đối với thanh niên với tư cách là công dân nói chung và không có đặc thù so với các công dân khác thì chưa nên ban hành Luật mới.
Bàn về vấn đề này Phó chủ tịch Quốc hội, Phùng Quốc Hiển nói: “Tôi thấy cần thiết phải có dự án Luật Thanh niên sửa đổi. Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc Hội đã thẩm tra kỹ lưỡng. Nhưng khi đọc dự án Luật này tôi muốn có một kỳ vọng rất lớn, nhưng khi đọc tôi cảm thấy nó chưa thoả mãn. Một cái điều cứ vang vọng mãi trong đầu tôi , “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta mà hay hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay”, thì Luật này tôi cảm thấy Luật này đòi hỏi Tổ quốc nhiều quá! Nghĩa vụ chưa thấy rõ. Đó là điều tôi thấy băn khoăn”.
"Luật này tôi thấy dẫn chiếu dẫn nhiều, trong khi nếu thay từ “thanh niên” bằng từ “công dân” thì cũng vẫn vậy, tức là không có nét gì của riêng biệt thanh niên. Tính cụ thể của dự án này chưa có, nghĩa vụ quy định trong luật thì mờ nhạt, mang tính khẩu hiệu nhiều. Chỉ có 1 vài cái như là tháng 3 là tháng thanh niên... Tôi hy vọng một số điều mới, ví dụ như: Liệu chúng ta quản lý thanh niên này ở Bộ Nội vụ không hay là một bộ khác như Bộ Thanh niên, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch... Thậm chí đồng Bí thư trung ương đoàn có thể kiêm nhiệm một Bộ trưởng của Bộ này.... Nếu như hiện tại tôi đề nghị vẫn sử dụng Luật 2005 không cần phải thay đổi", Phó chủ tịch Quốc hội, Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp.
Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, dự thảo Luật còn chung chung, chồng lấn với nhiều chính sách khác mà đã được thể hiện ở các luật chuyên ngành, các lĩnh vực về lao động, việc làm, giáo dục đào tạo, văn hóa, thể thao…có sự trùng.
"Cần làm rõ hơn điều kiện gì để thanh niên thực hiện, tiếp cận. Do đó, để cụ thể hóa các chính sách, đề nghị Ban soạn thảo bám sát tinh thần hiến pháp ở khoản 2, điều 37, hiến pháp 2013 "Thanh niên được nhà nước, gia đình và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng, đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân, đi đầu trong công cuộc lao động, sáng tạo và bảo vệ tổ quốc”. Bám sát tinh thần này, để cụ thể hóa Luật để thanh niên thực hiện được", Chủ tịch Quốc hội nói.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội: Các quyền và nghĩa vụ của thanh niên cơ bản là được quy định khá rõ trong các Luật chuyên ngành, vì vậy, khi tiếp cận quyền của thanh niên cần có cách tiếp cận mới hơn, tránh trùng lặp, không quy định lại những vấn đề Luật chuyên ngành đã nêu rõ. Đặc biệt, làm rõ quy định Hiến pháp 2013 về các điều kiện bảo đảm cho thanh niên trong việc học tập, lao động, giải trí…, cần làm rõ điều kiện naò để bảo đảm cho thanh niên được tiếp cận những quyền mà Hiến pháp quy định.
"Đây là nội dung quan trọng cần được tiếp tục nghiên cứu để quy định cụ thể trong Luật Thanh niên (sửa đổi). Vấn đề không chỉ ở chỗ thanh niên có quyền gì, trách nhiệm gì mà cơ bản là thanh niên cần những điều kiện bảo đảm gì để thanh niên thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình với xã hội. Chú ý, giáo dục bồi dưỡng, đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân của thanh niên trong điều kiện hiện nay. Quy định mới trong đối thoại thanh niên là cần thiết, tuy nhiên cần cân nhắc tính thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức, tránh sự trùng lặp nhiều cuộc đối thoại", Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo.
Kết lại nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Ban soạn thảo cần viết lại nội dung dự án luật theo tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và phát biểu góp ý của các đại biểu tại phiên họp, có giải trình rõ ràng, thực hiện đúng Hiến pháp, không chồng chéo với các luật khác.
“Nếu hồ sơ được thực hiện đúng quy định, cập nhật và sửa đổi cho phù hợp thì Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng sẽ thẩm tra chính thức, nếu được thì đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội cho sắp xếp thảo luận cuối kỳ họp. Nếu trong thời gian khoảng 2 tháng luật đáp ứng yêu cầu thì sẽ trình ra Kỳ họp thứ 8 để xin ý kiến Quốc hội”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.