Bước đi bất ngờ của GTN
Ngày 12/3/2019, Hội đồng quản trị Vinamilk ra Nghị quyết về việc chào mua công khai gần 47% vốn điều lệ GTN, nâng sở hữu tại Công ty này lên mức 49% vốn điều lệ. Chỉ 10 ngày sau đó, GTN có thông báo về ngày chốt danh sách cổ đông lấy ý kiến bằng văn bản. Theo đó, cổ đông có tên trong danh sách tại ngày 8/4/2019 sẽ được quyền lấy ý kiến cổ đông. Nội dung cuộc họp không được công bố.
Mấy ngày sau đó, GTN xuất hiện thêm 2 cái tên cổ đông lớn (bên cạnh cổ đông lớn là CTCP Chứng khoán TP. HCM - HSC) là Công ty cổ phần Ðầu tư BZZ (nắm 7% vốn điều lệ) và ông Nghiêm Văn Tùng (nắm 5% vốn điều lệ). Nhưng, điểm bất ngờ nằm ở nội dung họp xin ý kiến Ðại hội đồng cổ đông bằng văn bản của GTN được công bố vào giữa tháng 4/2019, với nội dung: miễn nhiệm (theo đơn từ nhiệm) 2 thành viên Hội đồng quản trị, 1 thành viên Ban Kiểm soát và sửa điều lệ Công ty.
Trong tờ trình sửa Ðiều lệ của GTN, có 35 điểm lớn và một số điểm nhỏ mang tính chất ngôn ngữ, nhưng tựu trung lại, có thể đưa thành 3 nhóm vấn đề lớn. Thứ nhất là sửa Quy chế về tỷ lệ biểu quyết thông qua các vấn đề của Ðại hội đồng cổ đông; thứ hai là thay đổi số lượng thành viên Hội đồng quản trị và thứ ba là thay đổi quyền, một số nghĩa vụ của Hội đồng quản trị.
Theo đó, Ðiều lệ sửa đổi sẽ cho phép quy định mọi vấn đề thuộc thẩm quyền của Ðại hội đồng cổ đông đều có thể được lấy ý kiến bằng văn bản, với tỷ lệ thông qua là 51% số cổ phần có quyền biểu quyết của Công ty. Theo quy định, một số vấn đề lớn khi xin ý kiến tại cuộc họp Ðại hội đồng cổ đông họp trực tiếp chỉ được thông qua nếu có ít nhất 65% hoặc 75% số cổ đông có quyền biểu quyết tham dự chấp thuận. Vấn đề thứ hai là giảm số lượng thành viên Hội đồng quản trị về 5 người, thay vì 7 người như hiện nay. Cùng với nội dung này, GTN có tờ trình miễn nhiệm 2 thành viên Hội đồng quản trị theo đơn từ nhiệm.
Nội dung thứ 3 là thay đổi một số vấn đề liên quan đến thẩm quyền của Hội đồng quản trị, theo hướng: kéo dài thời gian tổ chức họp Ðại hội đồng cổ đông bất thường theo yêu cầu của các bên (trường hợp người triệu tập cuộc họp Ðại hội đồng cổ đông không phải là Hội đồng quản trị) lên 60 ngày thay vì 30 ngày. Ðồng thời, thẩm quyền quyết định các vấn đề giao dịch sẽ được đưa lên mức tối đa dưới 35% tài sản theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, thay vì mức 20% như cũ.
Vì sao GTN sửa Ðiều lệ vào lúc này và thông qua lấy ý kiến bằng văn bản?
Ðiểm thú vị nằm ở thời điểm GTN lấy ý kiến bằng văn bản là từ giữa tháng 4/2019 đến 17 giờ ngày 2/5/2019 - thời điểm mà GTN lẽ ra có thể chờ họp Ðại hội đồng cổ đông thường niên. Vậy vì sao không chờ họp Ðại hội đồng cổ đông thường niên để sửa, mà lại phải xin lấy ý kiến bằng văn bản? Ðây là sự bất ngờ của thương vụ.
Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014, thay đổi Ðiều lệ chỉ được thông qua khi có ít nhất 65% số cổ đông có quyền biểu quyết tham dự họp bỏ phiếu đồng ý.
Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp cũng quy định rằng, các vấn đề này, tùy theo quy định tại Ðiều lệ hoạt động của doanh nghiệp, có thể xin ý kiến bằng văn bản. Và khi đó, trừ trường hợp Ðiều lệ doanh nghiệp có quy định chi tiết khác, còn lại, các nội dung xin ý kiến bằng văn bản được thông qua khi có từ 51% số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành của Công ty chấp thuận.
Áp dụng vào trường hợp này, giả định GTN có 100% số cổ đông tham dự họp trực tiếp tại cuộc họp Ðại hội đồng cổ đông thường niên. Khi đó, để sửa Ðiều lệ, GTN cần ít nhất 65% số cổ phần đại diện cho Công ty đồng ý. Nếu họp qua văn bản, Ðiều lệ mới chỉ cần 51% số cổ đông thông qua.
Ðó là sự khác biệt trong quy định pháp luật, mà có lẽ trong trường hợp này, hội đồng quản trị GTN đã linh hoạt áp dụng, nhằm đạt được mục tiêu sửa Ðiều lệ.
Sửa Ðiều lệ liên quan gì đến ý định M&A của Vinamilk?
Những nội dung sửa điều lệ trên trở nên quan trọng trong bối cảnh Vinamilk muốn mua chi phối GTN. Theo Ðiều lệ hoạt động đang áp dụng, cơ cấu Hội đồng quản trị của GTN có 7 thành viên. Ðầu năm 2018, GTN có 7 thành viên hội đồng quản trị. Với việc miễn nhiệm 2 thành viên Hội đồng quản trị theo Ðơn từ nhiệm, số thành viên Hội đồng quản trị của GTN sẽ giảm về 5 người.
Nhiệm kỳ thành viên Hội đồng quản trị của GTN là từ năm 2016-2020, tức là, GTN sẽ không phải bầu thêm thành viên Hội đồng quản trị trong vòng 2 năm tới (cho đến kỳ họp Ðại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021).
Ngay cả trường hợp ông Michael Louis Rosen, nguyên Tổng giám đốc GTN xin rút lui tư cách thành viên Hội đồng quản trị, GTN sẽ chỉ phải bầu lại 1 người. Khi chỉ có 1 cơ hội thay nhân sự mới, chưa hẳn Vinamilk đã chắc chắn nắm được vị trí này. Tình huống thành công, Vinamilk sẽ có 1 trên 5 đại diện tại Hội đồng quản trị Công ty - một con số nhỏ để có thể tạo được vị thế cho tiếng nói của mình tại GTN trong ngắn hạn.
Khoản 2, Ðiều 21 - Ðiều lệ hoạt động của GTN cho phép sửa Ðiều lệ tại cuộc họp trực tiếp, thay vì bằng văn bản như trên. Luật Doanh nghiệp cho phép Ðiều lệ được quy định chi tiết. Rõ ràng, nhìn dưới góc độ này, Hội đồng quản trị GTNfoods dường như đã vận dụng linh hoạt các quy định pháp luật hiện hành để đạt được mục tiêu hạn chế sự tham gia của nhà đầu tư mới.
Trao đổi với Ðầu tư Chứng khoán, đại diện Hội đồng quản trị của GTN cho biết, nguyên tắc hoạt động của doanh nghiệp trong ra quyết định là đối vốn và đúng luật, nên đây là đề xuất của Hội đồng quản trị, còn việc ra quyết định như thế nào, thì lại là vấn đề của các cổ đông.
Trả lời Ðầu tư Chứng khoán về việc, GTN tính như thế nào về cơ hội hợp tác cùng Vinamilk, vị này cho biết, bảo vệ quyền lợi của các bên là cần thiết, nhưng GTN luôn muốn tìm ra cơ hội hợp tác cùng Vinamilk để thúc đẩy sự phát triển của Công ty, bảo vệ lợi ích chung của tất cả các cổ đông.
“Vinamilk hiện là doanh nghiệp số 1 trong ngành sữa tại Việt Nam. Chúng tôi tin rằng, nếu có sự hợp tác phù hợp, cơ hội để Mộc Châu Milk nói riêng, GTN nói chung bứt phá là lớn. Vì vậy, Hội đồng quản trị vẫn hy vọng sẽ tìm ra cơ chế hợp tác phù hợp nhất cho các bên”, vị này nói.
Vận dụng luật linh hoạt để duy trì vị thế kiểm soát
Tại Vinamilk cũng có quy định khắt khe về tỷ lệ biểu quyết thông qua các vấn đề tại Hội đồng quản trị, Ðại hội đồng cổ đông. Theo đó, điều kiện tổ chức họp Ðại hội đồng cổ đông lần 1 là 65% vốn điều lệ, lần 2 là 51%; lần 3 không giới hạn. Ðiều kiện thông qua các vấn đề thông thường tại Ðại hội đồng cổ đông tại Công ty là 65% số cổ phần có quyền biểu quyết; các vấn đề liên quan đến tên phải cần ít nhất 85% và các vấn đề khác là 75% số cổ phần có quyền biểu quyết. Với quy định này, SCIC dù đã thoái vốn lớn tại Vinamilk, vẫn giữ được vị thế kiểm soát quyền phủ quyết các vấn đề.
Nay GTN bằng việc vận dụng linh hoạt Luật Doanh nghiệp, mà có thể tạo được lợi thế cho nhóm cổ đông cũ trong thương vụ mua thâu tóm GTN của Vinamilk.
Thương vụ GTN - Vinamilk vẫn đang tiếp diễn, nhưng diễn biến pháp lý trên là bài học cho cả Ban lãnh đạo doanh nghiệp và người đi mua cổ phần tại doanh nghiệp, về việc nghiên cứu Ðiều lệ, và vận dụng Luật, nhằm đạt được những mục đích riêng trong mỗi thương vụ, hoặc đôi khi là bảo vệ lợi ích chính đáng của mình tại doanh nghiệp.