Sửa Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội: Bài học cho những người làm luật

Hơn 80% đại biểu tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII vừa nhấn nút thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục cho phép người lao động nghỉ việc trong điều kiện chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Sửa Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội: Bài học cho những người làm luật

Điều này có nghĩa quy định tại Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về việc thu hẹp đối tượng hưởng bảo hiểm xã hội một lần khi chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội sẽ tạm thời chưa có hiệu lực, dù luật này đã được các đại biểu Quốc hội khóa XIII bấm nút thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 11/2014) và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.

Trước khi bấm nút thông qua Điều 60, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, các đại biểu Quốc hội đều thừa nhận quan điểm nhân văn của điều luật này khi nó hướng đến việc bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người lao động. Tuy nhiên, ngay sau khi được thông qua, dù chưa có hiệu lực, điều luật đã gây ra tâm tư lớn trong bộ phận không nhỏ người lao động.

Đó là, trong điều kiện việc làm của một bộ phận người lao động chưa ổn định, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, quá trình công nghiệp hóa cũng làm xuất hiện những ngành nghề, công việc mà ở đó, đa số người lao động trẻ tuổi chỉ làm được trong khoảng thời gian nhất định đến độ tuổi nhất định (chưa đủ tuổi nghỉ hưu, chưa đủ năm đóng bảo hiểm xã hội), sức khỏe không còn đủ đảm đương công việc... thì nhu cầu được hưởng bảo hiểm xã hội một lần là hoàn toàn chính đáng.

Đã xuất hiện cuộc tranh luận gay gắt giữa hai luồng ý kiến về việc đảm bảo an sinh xã hội và tương lai lâu dài với việc giải quyết những khó khăn trước mắt của người lao động. Sự thật được chỉ ra sau đó là, việc người lao động yêu cầu nhận hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần cũng là “vạn bất đắc dĩ” và nhiều thua thiệt. Nhu cầu đó cũng cần được luật pháp tôn trọng, giống như việc đảm bảo tương lai lâu dài và an sinh xã hội.

Sau khi lắng nghe ý kiến cử tri, người lao động, xem xét báo cáo của Chính phủ về vấn đề này, Quốc hội đã tiếp tục cho phép người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần. Điều này không ảnh hưởng đến những người có nhu cầu tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội để nhận lương hưu khi đủ điều kiện, bởi Nghị quyết vẫn cho phép người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động.

Bài học rút ra sau Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua là khả năng lắng nghe tiếng nói của cử tri, sự phản hồi của đối tượng bị tác động của cơ quan lập pháp. Đây thực sự là một “điểm cộng” của Quốc hội Khóa XIII khi hầu hết đại biểu đã tiếp thu và sẵn sàng điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tế công việc và cuộc sống của một bộ phận người lao động.

Câu chuyện cũng đặt ra yêu cầu cho cơ quan quyền lực tối cao của đất nước. Đó là việc phải  nâng cao chất lượng đội ngũ những người làm luật, làm sao để họ có đủ khả năng thiết kế hệ thống luật pháp đầy đủ, đi vào cuộc sống. Thực tế đã chỉ ra rằng, chính sách dù có tiến bộ, nhân văn đến mấy, nhưng quan trọng là phải phù hợp với thực tế cuộc sống. Pháp luật đảm bảo sự phát triển bền vững của đại bộ phận người lao động, song cũng phải chú ý bảo vệ quyền lợi chính đáng của những nhóm người khác khi họ buộc phải lựa chọn giải pháp ít bền vững hơn, không mâu thuẫn hay xung đột với lợi ích chung của xã hội./.

Tin bài liên quan