Coi chừng “hô biến” lỗ thành lãi
Theo cập nhật của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 11/2017, ngoài Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB - HOSE) đã phát hành thành công 3.000 tỷ đồng trái phiếu VPBank, với kỳ hạn 2 năm, lãi suất cố định ở mức 6,7%/năm trong toàn bộ kỳ hạn, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG - HOSE) cũng đã phát hành thành công 1.135 tỷ đồng trái phiếu MWG, với lãi suất cố định 6,55%/năm và kỳ hạn 5 năm.
Một thương vụ phát hành trái phiếu lớn đang thu hút sự quan tâm của thị trường là sau khi phân phối thành công 200.000 trái phiếu đợt 1/2017, thu ròng gần 2.000 tỷ đồng vào trung tuần tháng 11/2017, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đang triển khai phát hành 2.200 tỷ đồng trái phiếu đợt 2/2017.
Những thương vụ phát hành trái phiếu gần đây cho thấy, đa phần là những DN lớn, làm ăn có lãi, trong khi cửa gọi vốn qua kênh trái phiếu đối với các DN vừa và nhỏ, có khó khăn về vốn vẫn… đóng chặt. Đây là một trong những lý do trong kiến nghị vừa gửi Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính, đơn vị chủ trì soạn thảo dự thảo nghị định thay thế Nghị định 90/2011, trên cơ sở tập hợp ý kiến các DN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, dự thảo yêu cầu DN phát hành trái phiếu phải có kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm trước liền kề của năm phát hành có lãi… là chưa thực sự hợp lý.
Có thể cơ quan soạn thảo đưa ra quy định này để bảo đảm tín nhiệm tài chính, khả năng trả nợ của DN phát hành. Tuy nhiên, trong nền kinh tế hiện nay, yếu tố có lãi trong một năm không có ý nghĩa đáng kể trong bảo đảm tín nhiệm tài chính. Trong khi đó, quy định này có thể loại cả một số lớn DN có nhu cầu phát hành trái phiếu, đặc biệt là trong những trường hợp DN đang trong giai đoạn đầu kinh doanh, cần đầu tư mạnh để mở rộng quy mô.
Mặt khác, dự thảo nghị định đã xác định nguyên tắc tự chịu trách nhiệm của cả DN phát hành và nhà đầu tư, miễn là phải công bố thông tin đầy đủ, trung thực, kịp thời. Do đó, việc đặt điều kiện DN phát hành phải có lãi không thực sự phản ánh nguyên tắc này. Về mặt kế toán, DN có thể biến lỗ thành lãi và ngược lại. Bởi vậy, quy định như dự thảo sẽ tạo áp lực khiến các DN có nhu cầu phát hành trái phiếu tìm cách “làm đẹp” số liệu kế toán để đáp ứng điều kiện. Việc này trái với nguyên tắc công bố thông tin đầy đủ, trung thực, kịp thời, tự chịu trách nhiệm.
Với lý lẽ trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ điều kiện DN phát hành phải có lãi, chỉ cần có báo cáo tài chính được kiểm toán độc lập là đủ. Nhà đầu tư sẽ nghiên cứu báo cáo tài chính để tự quyết định mua hay không mua trái phiếu của DN.
Liên quan đến vấn đề này, trong khuôn khổ Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) năm 2017 mới đây, đại diện cho cơ quan soạn thảo, bà Lê Ngọc Chi ở Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính cho biết, ngoài đề xuất nâng cao tiêu chuẩn về điều kiện công khai thông tin đối với tổ chức phát hành, tại dự thảo, Bộ Tài chính còn bổ sung điều kiện DN phát hành phải ký hợp đồng tư vấn với công ty chứng khoán và có hồ sơ phát hành. Trong trường hợp phát hiện ra những sai lệch trong hồ sơ phát hành của tổ chức phát hành, thì tổ chức tư vẫn cũng phải chịu trách nhiệm trước Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Để tăng cường giám sát từ thị trường và nhà đầu tư, bà Chi cho biết, trước và sau khi phát hành, DN đều phải công khai thông tin qua sở giao dịch chứng khoán. Các DN vi phạm về điều kiện phát hành và công bố thông tin, sẽ bị xử lý theo các chế tài quy định tại Nghị định 145/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.
Mệnh giá trái phiếu 1 tỷ đồng hay 1 triệu USD?
Một nội dung đang có nhiều ý kiến trái chiều là dự thảo quy định mệnh giá trái phiếu là 1 tỷ đồng hoặc bội số của 1 tỷ đồng, theo nhiều ý kiến là quá cao so với các công cụ chứng khoán khác. Điều này gây khó cho bên bán và bên mua, vì cung cầu khó gặp nhau, từ đó khiến DN khó gọi vốn cho kênh trái phiếu… Trái ngược với ý kiến này, Nhóm công tác thị trường vốn đề xuất mệnh giá trái phiếu lên là 1 triệu USD, tức là hơn 20 tỷ đồng.
Tuy nhiên, lý lẽ từ cơ quan soạn thảo lại khác khi cho rằng, trái phiếu DN là kênh rủi ro, nên định hướng chính sách là không khuyến khích nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia. Do đó, theo bà Chi, để hạn chế nhà đầu tư cá nhân đầu tư vào trái phiếu DN, Bộ đề xuất nâng mệnh giá trái phiếu từ 100.000 đồng lên 1 tỷ đồng trên cơ sở kiến nghị của chuyên gia Ngân hàng Thế giới. Còn mệnh giá hơn 20 tỷ đồng là hơi cao, khó cho các DN nhỏ và vừa phát hành.