Sửa cơ chế thuế, doanh nghiệp “kêu” chưa ổn

Sửa cơ chế thuế, doanh nghiệp “kêu” chưa ổn

(ĐTCK) Một số quy định về cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp tại dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp của Bộ Tài chính, dưới góc nhìn của doanh nghiệp, chuyên gia là chưa phù hợp.

Thời điểm xác định thu nhập chuyển nhượng vốn chưa ổn

Theo Thông tư 78/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 218/2013/NÐ-CP quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, thời điểm xác định thu nhập từ chuyển nhượng vốn làm căn cứ tính thuế là thời điểm chuyển quyền sở hữu vốn.

Quy định này sau một thời gian áp dụng bị phản ánh là chưa cụ thể, khó xác định...

Ðể khắc phục tình trạng trên, trong quá trình hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp, với tư cách là cơ quan soạn thảo, Tổng cục Thuế đề xuất sửa đổi theo hướng: thu nhập từ chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp là thu nhập có được từ chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn của doanh nghiệp đã đầu tư cho một hoặc nhiều tổ chức, cá nhân khác (bao gồm cả trường hợp bán doanh nghiệp tư nhân).

Thời điểm xác định thu nhập từ chuyển nhượng vốn là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng vốn góp có hiệu lực (thay vì là thời điểm chuyển quyền sở hữu vốn như quy định hiện hành).

Trao đổi với phóng viên Báo Ðầu tư Chứng khoán, kế toán trưởng một công ty chứng khoán đang niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM cho rằng, quy định như vậy không phù hợp với thực tế cũng như chuẩn mực kế toán.

Bởi trên thực tế, ngay cả khi hợp đồng chuyển nhượng vốn góp có hiệu lực, chưa chắc hoạt động chuyển nhượng vốn đã diễn ra, do sự thay đổi của bên mua hoặc bên bán, hoặc cả hai, hoặc do phán quyết của bên thứ ba (tòa án, cơ quan quản lý nhà nước).

Thậm chí, ngay cả khi hoạt động chuyển nhượng vốn diễn ra, nhưng chưa phát sinh giao dịch chuyển tiền - hàng, thì cũng chưa có căn cứ thực tế cho việc đánh thuế…

“Bởi vậy, để phù hợp với thực tế và chuẩn mực kế toán, cũng như đảm bảo tính khả thi, dự thảo thông tư nên điều chỉnh theo hướng thời điểm xác định thu nhập từ chuyển nhượng vốn để tính thuế là thời điểm bên mua chuyển tiền cho bên bán, hoặc hoạt động chuyển giao tiền - hàng giữa bên mua và bên bán diễn ra”, đại diện công ty chứng khoán trên đề xuất.

Trên cơ sở tập hợp ý kiến từ các doanh nghiệp, trong công văn góp ý cho dự thảo vừa gửi Tổng cục Thuế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, cơ quan soạn thảo đề xuất thời điểm xác định thu nhập từ chuyển nhượng vốn (là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng vốn có hiệu lực) chưa thực sự phù hợp.

Lý do là bởi, việc chuyển nhượng vốn trong một số trường hợp còn phụ thuộc vào sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước, trên thực tế việc chuyển nhượng có diễn ra hay không. Bởi vậy, VCCI đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại thời điểm này cho phù hợp với thực tế.

Bất hợp lý quy định Không cho chuyển lỗ

Một quy định khác tại dự thảo Thông tư cũng nhận được ý kiến trái chiều từ phía doanh nghiệp. Ðó là quy định, doanh nghiệp có chi nhánh hạch toán độc lập chuyển đổi thành chi nhánh hạch toán phụ thuộc thì số lỗ phát sinh trong thời gian hoạt động của chi nhánh hạch toán độc lập không được chuyển lỗ vào thu nhập của doanh nghiệp.

Theo ý kiến từ phía doanh nghiệp, quy định như trên là chưa ổn, bởi theo quy định tại Thông tư 78/2014/TT-BTC thì doanh nghiệp được phép chuyển lỗ khi chuyển đổi loại hình, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách.

Việc chuyển đổi hình thức của chi nhánh (từ hạch toán độc lập thành phụ thuộc) cũng có tính chất tương tự. Hơn nữa, không cho phép chuyển lỗ trong trường hợp này là chưa phù hợp với nguyên tắc chuyển lỗ toàn bộ và liên tục, theo thứ tự ưu tiên của doanh nghiệp và gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Xét về bản chất, nếu chi nhánh hạch toán độc lập không chuyển đổi thành chi nhánh hạch toán phụ thuộc thì với số lỗ phát sinh trong thời gian hoạt động của mình, chi nhánh hạch toán độc lập vẫn được cấn trừ khi tính thuế.

Nay chi nhánh hoạt động độc lập đổi thành chi nhánh hạch toán phụ thuộc không được chuyển lỗ vào thu nhập của doanh nghiệp là không hợp lý, thiếu logic, không phản ánh đúng bản chất của giao dịch.

Do đó, kiến nghị từ phía doanh nghiệp, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc bỏ quy định này. Trong trường hợp có giải trình thuyết phục về việc giữ lại quy định, đề nghị quy định rõ về cách xử lý lỗ đối với chi nhánh hạch toán độc lập sau khi chuyển thành chi nhánh phụ thuộc.                              

Liên quan cơ chế đánh thuế với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán, dự thảo thông tư quy định: khoản chênh lệch tăng, giảm do đánh giá lại chứng quyền có bảo đảm và tài sản cơ sở cuối năm tài chính, doanh nghiệp không tính vào thu nhập, chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Hướng quy định này nhận được sự đồng tình của doanh nghiệp, chuyên gia, vì bản chất ở đây chỉ là khoản chênh lệch tăng, giảm do đánh giá lại chứng quyền có bảo đảm và tài sản cơ sở cuối năm tài chính, không phát sinh doanh thu, nên đương nhiên không quy định nghĩa vụ thuế đối với doanh nghiệp.

Tin bài liên quan