Theo quy định tại Nghị định 90/2011, doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn thành nhiều đợt phát hành phải đăng ký phát hành trái phiếu theo năm tài chính. Theo đó, doanh nghiệp thực hiện thông báo kế hoạch phát hành một lần và có thể chia thành nhiều đợt phát hành trong năm tài chính. Hồ sơ phát hành chỉ xem xét trong năm tài chính nên nếu thời điểm của các đợt phát hành vào năm khác nhau, doanh nghiệp sẽ phải xây dựng lại hồ sơ, phương án phát hành.
Thực tế triển khai quy định trên, theo nhìn nhận của Bộ Tài chính, cho thấy đối với các dự án đầu tư lớn, thời gian đầu tư kéo dài hơn 1 năm, doanh nghiệp phát hành sẽ phải xây dựng lại hồ sơ và phương án phát hành, nên gia tăng chi phí và thời gian chờ đợi, ảnh hưởng đến thời điểm, hiệu quả huy động vốn của doanh nghiệp. Vì vậy, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 90/2011 quy định theo hướng không yêu cầu doanh nghiệp đăng ký phát hành theo năm tài chính, nhưng phải nêu rõ tại phương án phát hành số lượng đợt phát hành và thời gian dự kiến phát hành trái phiếu doanh nghiệp...
Hướng điều chỉnh trên, theo Giám đốc đầu tư một công ty quản lý quỹ lớn, sẽ tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong phát hành trái phiếu. Việc dự thảo yêu cầu doanh nghiệp phải nêu rõ tại phương án phát hành số lượng đợt phát hành, dự kiến khối lượng và thời điểm phát hành... là cần thiết, nhưng cần tránh quy định một cách cứng nhắc. Tùy diễn biến của thị trường, cũng như những biến động trong quá trình triển khai dự án, cần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp điều chỉnh số lượng đợt phát hành cũng như khối lượng và thời gian phát hành. Không nên căn cứ vào phương án được công bố, để buộc họ phải tuân thủ. Đương nhiên khi doanh nghiệp điều chỉnh số lượng các đợt phát hành, cũng như khối lượng phát hành, phải giải trình rõ ràng và công bố thông tin rộng rãi ra thị trường.
Liên quan đến điều kiện phát hành trái phiếu không chuyển đổi hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền tại thị trường trong nước, một trong các điều kiện mà doanh nghiệp phải đáp ứng theo dự thảo Nghị định là đã thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu của các đợt phát hành trước...
Quy định này theo nhìn nhận của Phó tổng giám đốc một ngân hàng lớn, là chưa hợp lý, vì sẽ khiến các công ty không thể phát hành trái phiếu khi có nhu cầu tái cơ cấu vốn do hoạt động kinh doanh thua lỗ, dẫn đến chưa thể thu xếp được nguồn thanh toán gốc và lãi trái phiếu.
Trên thực tế, việc doanh nghiệp thua lỗ không hẳn chỉ xuất phát từ chất lượng hoạt động kinh doanh yếu kém, mà còn do yếu tố mùa vụ, hoặc do tính chu kỳ trong triển khai các dự án đầu tư mới.
“Mặt khác, chẳng lẽ các đợt phát hành trái phiếu trước chưa đáo hạn khiến doanh nghiệp chưa thể thanh toán gốc và lãi trái phiếu thì không được phát hành mới hay sao? Đề nghị Ban soạn thảo xem xét chỉnh sửa nội dung này theo hướng tạo linh hoạt hơn cho doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc thị trường là thuận mua, vừa bán”, vị giám đốc đầu tư công ty quản lý quỹ nêu kiến nghị.
Đối với phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, một điểm đáng chú ý tại dự thảo Nghị định là bỏ quy định về điều kiện, phương án phát hành và thẩm quyền phê duyệt phương án phát hành trong quy định hiện hành. Dự thảo cho phép doanh nghiệp được phép phát hành nếu đáp ứng được điều kiện quy định của thị trường phát hành, phương án phát hành trái phiếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt chấp thuận và có văn bản xác nhận của Ngân hàng Nhà nước về khối lượng trái phiếu phát hành nằm trong hạn mức vay thương mại nước ngoài hàng năm của quốc gia...
Quy định trên, theo Giám đốc ngân hàng đầu tư một công ty chứng khoán có nhiều kinh nghiệm trong tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp, có thông thoáng hơn hiện hành, nhưng vẫn có những điểm chưa rõ ràng. Bởi chưa rõ cấp có thẩm quyền phê duyệt chấp thuận ở đây là ai, phê duyệt theo trình tự, thủ tục nào và trong thời gian bao lâu?
Với điều kiện doanh nghiệp phải có văn bản xác nhận của Ngân hàng Nhà nước về khối lượng trái phiếu phát hành nằm trong hạn mức vay thương mại nước ngoài hàng năm của quốc gia, vị chuyên gia trên cho rằng, chưa rõ Ngân hàng Nhà nước xác nhận theo trình tự và thủ tục nào, kéo dài trong bao lâu, nếu không phê duyệt thì cách thức trả lời cho doanh nghiệp bằng văn bản hay theo phương thức nào khác...? Nếu những “khoảng mờ” này không được làm rõ, thì khi đưa vào áp dụng sẽ khó đảm bảo tính khả thi và không khéo sẽ “làm khó” doanh nghiệp...