Trong mấy năm gần đây, hầu như năm nào cũng sửa đổi, bổ sung các luật thuế. Thưa ông, việc chính sách thuế không ổn định đã và đang gây khó khăn cho doanh nghiệp?
Những năm gần đây, Việt Nam tham gia ký kết và thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do, nên chính sách thuế phải được sửa đổi cho phù hợp với bối cảnh mới để bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước.
Hơn nữa, các nước trên thế giới cũng đang sửa đổi chính sách thuế theo xu hướng giảm dần thuế trực thu, tăng thuế gián thu, Việt Nam không thể không theo xu hướng này.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh thế giới bước vào kỷ nguyên công nghiệp 4.0 ngày càng mạnh mẽ cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, rất nhiều dịch vụ mới, sản phẩm mới ra đời mà trước đó không tổ chức, cá nhân nào có thể tiên lượng được, nên chính sách thuế phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Tại Việt Nam, thuế suất thuế GTGT phổ thông hiện tại là 10%, nhưng thuế suất trung bình, tức là tính cả nhóm hàng hóa, dịch vụ hưởng thuế suất ưu đãi 5% và đối tượng không chịu thuế, chỉ khoảng 7-8%
Đúng là chính sách thuế sửa đổi, bổ sung liên tục gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện. Chính vì vậy, thay vì sửa đổi, bổ sung từng luật thuế, năm 2014, Quốc hội thông qua luật sửa đổi, bổ sung 8 luật thuế (Luật 71/2014/QH13) và năm 2016, Quốc hội thông qua luật sửa đổi, bổ sung 3 luật thuế (Luật 106/2016/QH13).
Lần này, bên cạnh xây dựng Luật Thuế bảo vệ môi trường sửa đổi, Bộ Tài chính dự kiến xây dựng luật sửa đổi, bổ sung 6 luật thuế, thay vì 5 luật như dự kiến.
Nhưng dư luận đã và đang phản ứng khá tiêu cực trước việc Bộ Tài chính đề nghị tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) phổ thông từ 10% lên 11% từ năm 2019 và lên 12% vào năm 2020, tăng thuế suất ưu đãi từ 5% lên 6% vào năm 2020, thưa ông?
Để tăng sức cạnh tranh, thu hút đầu tư trong nền kinh tế toàn cầu hóa và cắt giảm thuế xuất nhập khẩu theo các hiệp định thương mại tự do, các nước trên thế giới đang đi theo xu hướng giảm thuế trực thu, tăng thuế gián thu.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu như năm 2000, thuế suất thuế GTGT trung bình của EU là 19%, thì đến năm 2014 đã tăng lên 21,5%. Các nước OECD cũng tăng thuế GTGT bình quân từ 18% năm 2000 lên trên 19% vào năm 2016.
Ở các nước châu Á, Indonesia, Lào và Campuchia đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10%; Trung Quốc, Philippines, Pakistan 17%; Sri Lanka và Bangladesh 15%...
Còn tại Việt Nam, thuế suất thuế GTGT phổ thông hiện tại là 10%, nhưng thuế suất trung bình, tức là tính cả nhóm hàng hóa, dịch vụ hưởng thuế suất ưu đãi 5% và đối tượng không chịu thuế, chỉ khoảng 7-8%.
Chuyên gia kinh tế trưởng của WB, ông Sebastian Eckardt cho rằng, thuế suất thuế GTGT của Việt Nam không những quá thấp, mà còn có quá nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ (14 nhóm) được áp thuế ưu đãi 5% và có quá nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ (25 nhóm) không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.
Các chuyên gia WB khuyến cáo, Việt Nam nên thu hẹp đối tượng hưởng thuế suất ưu đãi, đối tượng không chịu thuế GTGT, đồng thời tăng thuế GTGT, cả thuế suất phổ thông lẫn thuế suất ưu đãi.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào tiêu dùng nội địa, tăng thuế đồng nghĩa với việc người dân phải cắt giảm chi tiêu, tác động ngay tới hoạt động sản xuất, kinh doanh?
Về lý thuyết, tăng thuế dẫn đến giảm chi tiêu, tác động không tốt tới sản xuất, kinh doanh, qua đó tác động không tốt tới tăng trưởng kinh tế, nhưng thực tế không hẳn như vậy.
Năm nào Chính phủ cũng tăng lương tối thiểu vùng và tăng lương cơ sở và nhờ tăng trưởng kinh tế, nên thu nhập của người dân ngày càng tăng và tiêu dùng vẫn tiếp tục tăng.
Hơn nữa, cùng với đề xuất tăng thuế GTGT, chúng tôi cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng giảm mức đóng góp của người dân (phương án một) hoặc ít nhất có hơn 70% số người nộp thuế (nộp thuế ở bậc một và bậc hai) không bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó có việc giảm thuế suất thuế thu nhập doanh xuống 15% đối với doanh nghiệp siêu nhỏ và 17% đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đây là động lực thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nói chung, áp dụng thuế GTGT rất phức tạp vì phải khấu trừ thuế, hoàn thuế. Thưa ông, lần sửa đổi này sao không bỏ luôn quy định khấu trừ thuế, hoàn thuế cho đỡ phiền phức, giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính thuế cho doanh nghiệp?
Trước năm 1999, Việt Nam áp dụng thuế doanh thu với cách tính thuế rất đơn giản. Theo đó, tổ chức, cá nhân phải nộp một tỷ lệ nhất định doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ, không khấu trừ thuế, hoàn thuế.
Tuy nhiên, thuế doanh thu bộc lộ rất nhiều hạn chế và đã trở nên lạc hậu, dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế, vì cứ qua mỗi khâu trung gian, hàng hóa lại bị đánh thuế.
Vì vậy, cũng như 170 quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đã bỏ thuế doanh thu, thay vào đó là thuế GTGT. Nếu bỏ quy định khấu trừ thuế, hoàn thuế thì thuế GTGT quay trở về bản chất của thuế doanh thu đã lỗi thời.
Tính ưu việt của thuế GTGT là ngân sách nhà nước chỉ thu thuế trên phần giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.
Doanh nghiệp nộp thuế GTGT ở đầu ra được khấu trừ đi số thuế GTGT đã nộp ở đầu vào, số thuế GTGT đầu vào chưa khấu trừ hết thì được tiếp tục khấu trừ trong kỳ tính thuế tiếp theo hoặc được hoàn lại tiền thuế đã nộp chưa khấu trừ hết lũy kế 12 tháng liên tục.