Chuẩn bị công phu
“Đây là luật khó, nhưng Chính phủ đã chuẩn bị khá công phu”, ông Nguyễn Lâm Thành, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đã đánh giá như vậy khi mở đầu phần góp ý cho Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến Luật Quy hoạch.
Cùng chung quan điểm, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu: “Việc Dự án đề xuất phương án sửa đổi 13 luật là có căn cứ pháp lý, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh, phù hợp với Luật Quy hoạch, tiến tới xóa bỏ cơ chế xin cho, lợi ích nhóm, tiêu cực, gây bức xúc trong xã hội”.
Tuy nhiên, để Luật có tính khả thi cao, khắc phục được tình trạng quy hoạch “treo”, quy hoạch chồng quy hoạch…, tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, cũng như hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất ban soạn thảo cần rà soát kỹ dự thảo để bổ sung, hoàn thiện các quy định theo hướng chặt chẽ, rõ ràng.
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại 13 luật gồm: Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm, Luật Dược, Luật Công chứng, Luật Trẻ em, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Khoa học công nghệ, Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị để có hiệu lực đồng thời với Luật Quy hoạch từ ngày 1/1/2019 là cần thiết.
Bởi điều này giúp tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột, cũng như vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch ngành, góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh.
Theo Chính phủ, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại 13 luật dựa trên quan điểm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng, năng suất lao động. Cùng với đó là bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ đang cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
Báo cáo thẩm tra Dự án Luật của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thể hiện, cơ quan này cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Quy hoạch.
Liên quan đến phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận thấy về cơ bản, các nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy hoạch của các luật nêu trên đã bám sát nội dung của Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành rà soát kỹ lưỡng các điều, khoản của các luật có liên quan để bảo đảm đúng mục tiêu của việc sửa đổi đồng bộ với Luật Quy hoạch.
Bỏ nhiều quy hoạch sản phẩm
Một nội dung đáng chú ý tại Dự án Luật là đề xuất phương án bãi bỏ nhiều quy hoạch sản phẩm. Chẳng hạn, sửa đổi Luật Dược và Luật Công chứng để bãi bỏ quy định về quy hoạch phát triển công nghiệp dược, phát triển tổ chức hành nghề công chứng. Hướng đề xuất này của Chính phủ nhận được sự đồng tình của cơ quan thẩm tra, cũng như các đại biểu Quốc hội.
Liên quan đến việc sửa đổi dự thảo Luật Công chứng tại Dự án Luật, qua thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành việc bỏ quy định về lập quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng để phù hợp với Luật Quy hoạch, bảo đảm tính xã hội hóa, do thị trường quyết định dựa trên cơ sở cung cầu.
“Tôi tán thành như đề xuất của Chính phủ là bãi bỏ quy định về quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng. Điều này giúp hoạt động đầu tư kinh doanh thông thoáng, tạo thuận lợi cho thành lập văn phòng công chứng, đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Không nên lo ngại việc bãi bỏ quy hoạch này sẽ dẫn đến thành lập tràn lan văn phòng công chứng, vì đây là ngành kinh doanh có điều kiện, nên phải tuân theo nhiều quy định chặt chẽ. Cũng không nên lo ngại bỏ quy hoạch sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, vì đối tượng vi phạm sẽ bị điều chỉnh bởi Luật Cạnh tranh”, đại biểu Quốc hội Đặng Thế Vinh (Hậu Giang) bày tỏ quan điểm.
Ở góc độ của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động hành nghề công chứng, tuy cũng ủng hộ bỏ quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng, nhưng Đại biểu Quốc hội Võ Thị Như Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp TP. Đà Nẵng, phân tích, công chứng là ngành nghề đặc thù cần kiểm soát chặt chẽ, không phải là các ngành nghề kinh doanh thông thường như quy định của Luật Doanh nghiệp.
Theo quy định của Luật Công chứng, văn bản công chứng là chứng cứ trong nhiều giao dịch của người dân và doanh nghiệp. Với đặc thù như vậy rất cần quản lý chặt chẽ, trong khi quy định hiện hành chưa đáp ứng, nên chưa đủ chắc chắn cho bỏ quy hoạch. Với điều kiện thành lập tương đối dễ dàng như hiện tại, số lượng các phòng công chứng tăng nhanh, cạnh tranh khốc liệt để tranh giành khách hàng, tăng doanh thu. Nhiều đơn vị công chứng bỏ qua các khâu kiểm soát rủi ro để ký kết các văn bản công chứng, dẫn đến những rủi ro pháp lý lớn cho cả văn phòng công chứng, lẫn người dân.
“Tình trạng công chứng viên bắt tay với người sử dụng dịch vụ công chứng dẫn đến nhiều hệ lụy. Chẳng hạn, công chứng viên chứng kiến một sản phẩm bất động sản nhiều lần, nhưng chỉ ký văn bản công chứng một lần là một ví dụ. Trong khi chế tài xử phạt hành vi này hiện chưa có, đang gây nên nhiều quan ngại. Ở các nước, nghề công chứng là đặc thù được kiểm soát chặt, để không mất lòng tin của người dân, mất uy tín của nhà nước, nên họ đặt ra những quy định rất cao”, bà Hoa cảnh báo.
Ghi nhận ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm: “Khi ban hành Luật Quy hoạch đã xác định đây là luật rất khó, phải qua 3 kỳ họp mới thông qua được, nên để sửa đổi đồng bộ, tại phụ lục 3 của luật này quy định 25 luật phải sửa đổi. Lần này chúng ta sửa đổi 13 luật có liên quan, kỳ họp 6 sửa nốt 14 luật”, Bộ trưởng cho biết.
Đưa ra kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, nhìn chung các vị đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao việc Chính phủ chuẩn bị dự án luật này và tán thành với tờ trình Dự thảo Luật, cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Các vị đại biểu Quốc hội cho rằng, cần thiết phải ban hành luật này và đồng ý với đề nghị thông qua theo quy trình tại một kỳ họp để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Luật Quy hoạch, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn hoặc tạo ra khoảng trống pháp lý khi triển khai thi hành Luật Quy hoạch có hiệu lực từ 1/1/2019. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu hoàn chỉnh Dự án Luật để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này theo đúng chương trình.
Theo kế hoạch, tại ngày họp bế mạc dự kiến diễn ra vào 15/6 tới, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch.
Nhiều thành công có được nhờ quy hoạch đúng
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, TP.HCM
Mấy chục năm qua, rất nhiều thành công của chúng ta là nhờ quy hoạch đúng, như hàng không hay công nghệ thông tin đi đúng hướng, đóng góp rất lớn cho sự phát triển chung của nền kinh tế. Nhưng quy hoạch cũng là nguồn cơn của nhiều tiêu cực và gây ra không ít thiệt hại.
Từng bước điều chỉnh quy hoạch, nhưng cần điều chỉnh để hợp lý hơn, tối ưu hóa lợi ích, thay vì theo những giải pháp tình thế hoặc những áp lực nhất định. Tôi xin lưu ý vấn đề này.
Cần thiết và cấp bách thông qua Luật tại kỳ họp này
Đại biểu Phạm Quang Dũng, Nam Định
Tôi đánh giá rất cao Dự án Luật để giảm thiểu sự xung đột với Luật Quy hoạch hiện hành. Trong thời gian rất ngắn với quy trình rút gọn, nhưng chất lượng Dự án Luật khá tốt.
Tôi rất mong muốn Dự án Luật được ban hành càng sớm, càng tốt. Vì hiện nay các cơ hội đầu tư trên cả nước muốn triển khai được, thì trước hết quy hoạch phải thông thoáng. Trong khi quy hoạch của chúng ta đang chồng chéo, xung đột bởi các luật, dẫn tới việc triển khai các dự án đầu tư chậm. Tôi thấy sự cần thiết và cấp bách phải thông qua dự án luật trong kỳ họp này để giúp nền kinh tế phát triển.
Theo Chính phủ, tại Dự thảo Luật có nhiều điểm mới. Cụ thể, Dự thảo bỏ Điều 9 Luật Dược quy định về quy hoạch phát triển công nghiệp dược. Các quy định về phát triển công nghiệp dược và công nghiệp hóa dược được sửa đổi tại Dự thảo Luật theo hướng bỏ cụm từ “quy hoạch phát triển công nghiệp dược” và “quy hoạch công nghiệp hóa dược” để đảm bảo đồng bộ với Luật Quy hoạch nhưng không tạo ra khoảng trống pháp lý trong quá trình quản lý Nhà nước.
Nhằm phù hợp với quy định về hệ thống quy hoạch quốc gia tại Điều 5 Luật Quy hoạch và minh bạch hóa các thủ tục hành chính liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh, khoản 2 Điều 9 Dự thảo Luật đã sửa đổi quy định về nội dung báo cáo thẩm định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh và của Quốc hội tại Luật Đầu tư theo hướng thay cụm từ “quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch sử dụng đất” bằng “quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (nếu có)”.
Dự thảo Luật đã làm rõ các loại quy hoạch xây dựng, bỏ yêu cầu, căn cứ “quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội” khi lập quy hoạch xây dựng và thay bằng “quy hoạch cấp quốc gia”, “quy hoạch vùng” hay “quy hoạch tỉnh” tương ứng; sửa đổi, bổ sung các quy định về căn cứ điều chỉnh quy hoạch xây dựng, cung cấp thông tin, lấy ý kiến về quy hoạch xây dựng; công bố công khai quy hoạch xây dựng.