Sau 9 năm thi hành, Bộ luật dân sự 2005 được đánh giá là có một số điểm bất cập như có nhiều quy định về chủ thể, giao dịch, đại diện, nghĩa vụ và hợp đồng, thừa kế còn bất hợp lý, thiếu tính khả thi. Bộ luật cũng thiếu quy định về các quyền khác như quyền sử dụng (không phải quyền sở hữu) đối với tài sản.
Bộ luật còn hạn chế chưa ghi nhận đầy đủ các cơ chế pháp lý bảo vệ quyền sở hữu, ví dụ như chưa ghi nhận được nguyên tắc quyền của tất cả các chủ sở hữu, không phân biệt hình thức sở hữu, thành phần kinh tế đều được pháp luật công nhận và bảo vệ như nhau.
Với mục tiêu xây dựng Bộ luật này trở thành bộ luật nền, có vị trí, vai trò là luật chung của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm, Chính phủ đã trình Quốc hội Dự thảo Bộ luật sửa đổi với tổng số 710 điều, chia thành thành 6 phần, 29 chương. So với Bộ luật hiện hành, dự thảo Bộ luật giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 174 điều, bãi bỏ 147 điều.
Thẩm tra dự thảo Bộ luật, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội yêu cầu Ban soạn thảo làm rõ đâu là vấn đề nguyên tắc, cơ bản thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự, đâu là những nội dung cụ thể có tính đặc thù của từng lĩnh vực thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật chuyên ngành.
Ngoài ra, để đảm bảo tính đồng bộ ổn định của Bộ luật này, Ủy ban Pháp luật đề nghị rà soát có những luật nào sẽ phải sửa đổi, bổ sung.
Đồng thời, cần đánh giá sự tác động của từng chế định về đăng ký tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm, bảo lãnh, cầm cố, thế chấp, thừa kế… nhằm bảo đảm quyền tài sản phù hợp với những nguyên tắc được quy định trong Bộ luật này, hạn chế sự can thiệp bằng thủ tục hành chính của Nhà nước…
Ủy ban Pháp luật cũng chỉ ra một số vấn đề cụ thể xin ý kiến các đại biểu Quốc hội. Chẳng hạn Dự thảo Bộ luật nêu nguyên tắc: Việc điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể do luật khác quy định, không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự (nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận). Trường hợp không có quy định của luật khác thì quy định của Bộ luật này được áp dụng.
Vấn đề là, hiểu thế nào là không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự? Nếu luật chuyên ngành có quy định khác nhau có được hiểu là trái với nguyên tắc này? Với quy định, trường hợp không có quy định của luật khác thì mới áp quy định của Bộ luật này, như vậy có bảo đảm là Bộ luật luật nền, luật chung của hệ thống pháp luật. Báo cáo của Ủy ban pháp luật đề nghị làm rõ nội dung này và có phương án xử lý thống nhất trong quá trình xây dựng Bộ luật.
Về quyền sở hữu, Dự thảo Bộ luật đưa ra 2 phương án quy định về hình thức sở hữu để xin ý kiến các đại biểu. Thứ nhất là quy định có 3 loại hình sở hữu gồm sở hữu toàn dân, sở hữu chung, sở hữu riêng. Thứ hai là xác định 2 loại hình sở hữu gồm sở hữu riêng và sở hữu chung.
Dự thảo Bộ luật đưa vào sử dụng thuật ngữ “hành vi pháp lý dân sự” thay cho thuật ngữ “giao dịch dân sự” của luật hiện hành. Đây cũng là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau khi đưa ra thảo luận tại phiên họp của Ủy ban thường vụ quốc hội.
Ngày 13/11 tới đây, các đại biểu Quốc hội sẽ có phiên thảo luận tại tổ về Dự thảo Bộ luật này.