Tính từ mức đỉnh 1.200 điểm đạt được trong năm 2018, VN-Index hiện giảm gần 30%, trong đó, những phiên gần đây liên tục lao dốc. Theo ông, đâu là nguyên nhân của đợt giảm giá này?
Tôi cho rằng, nguyên nhân chính khiến TTCK gần đây sụt giảm đến từ tâm lý nhà đầu tư, do biến động mạnh của TTCK quốc tế. Ðộ biến động lớn trong các phiên giao dịch của thị trường thế giới khiến nhà đầu tư cảm thấy không yên tâm, không an toàn, nên họ có tâm lý thận trọng.
Trước kia, nhà đầu tư chủ yếu nhìn vào TTCK Mỹ, nhưng nay thì thêm thị trường Trung Quốc. Khi Mỹ giảm, Việt Nam giảm. Khi Trung Quốc giảm, Việt Nam cũng giảm theo.
Vậy thị trường giảm là do các yếu tố bên ngoài tác động?
Tôi cho rằng, các yếu tố nội tại của nền kinh tế Việt Nam vẫn khá tốt: lạm phát được kiểm soát, thậm chí tốt hơn kỳ vọng; tỷ giá ổn định trong mức được dự báo; vĩ mô ổn và quan trọng nhất, tăng trưởng lợi nhuận chung của các doanh nghiệp trên TTCK vẫn ổn.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc phụ trách đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital.
Các yếu tố từ bên ngoài tác động trực tiếp lên các phiên giảm điểm, nhưng trong nước cũng có những yếu tố khác tác động lên tâm lý nhà đầu tư, khiến nhà đầu tư càng trở nên thận trọng, e dè hơn. Thị trường hiện nay đang được định giá như là sẵn sàng cho một cuộc khủng hoảng giống năm 2008, khi nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng 40 - 60%, nhưng giá cổ phiếu vẫn giảm.
Trước hết là tác động tâm lý từ việc sụt giảm lợi nhuận dự báo của một số doanh nghiệp đầu ngành, Hòa Phát chẳng hạn. Tác động tâm lý từ triển vọng sụt giảm lợi nhuận của một số doanh nghiệp trong nhóm dẫn dắt khiến thị trường cảm thấy mất điểm tựa, không đạt được kỳ vọng.
Trong khi đó, tính chung cả TTCK, kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp trên sàn vẫn tăng trưởng đáng kể. Kể cả nhóm doanh nghiệp dầu khí bị ảnh hưởng bởi yếu tố giá dầu giảm thì dự báo năm 2018 và 2019, lợi nhuận nói chung các doanh nghiệp trên TTCK vẫn tăng trên 10%.
Yếu tố thứ hai tác động đến nhà đầu tư là niềm tin kinh tế không cao, dù nền kinh tế Việt Nam đang rất tốt, bản chất kinh tế được cải thiện cả về chiều rộng, chiều sâu và sức chống chọi với các biến động bên ngoài, tính bền vững cao với sự dẫn dắt ngày một tích cực của nhóm kinh tế tư nhân, hoạt động nhóm ngân hàng tốt…
Không chỉ cá nhân tôi, mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi làm việc với các tổ chức tại Việt Nam từng đặt ra câu hỏi: Tại sao kinh tế Việt Nam đang thay đổi rất tích cực, mà niềm tin kinh tế (không phải niềm tin người tiêu dùng) trong nước lại thấp như vậy?
Dường như chúng ta chưa tin vào những thành tựu kinh tế đất nước đang có hoặc triển vọng sắp tới. Tôi cho rằng, truyền thông có ảnh hưởng không nhỏ, khi trên nhiều mặt báo là các dự án có vấn đề, chậm tiến độ, lãng phí, thay vì những thành tựu kinh tế đạt được, hiệu quả từ các dự án lớn. Ðể cải thiện chỉ số niềm tin kinh tế, chúng ta phải công bằng hơn với những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được.
Thời gian gần đây, TTCK Việt Nam giảm điểm, nhưng nhà đầu tư ngoại lại mua ròng cổ phiếu. Ðó là một minh chứng về việc khối ngoại vẫn đánh giá cao triển vọng Việt Nam.
Yếu tố thứ ba tác động lên tâm lý nhà đầu tư trong nước là các vấn đề thuộc về chính sách đối với lĩnh vực chứng khoán. Trong thời gian vừa qua, cơ quan quản lý đã điều hành rất tốt khối công ty chứng khoán, hoạt động thị trường thông suốt…, nhưng nhà đầu tư chưa nhìn thấy cơ hội đột biến của TTCK đến từ hành lang pháp lý. Ðiều này khiến một bộ phận nhà đầu tư tỏ ra thất vọng.
Ông dự báo đà sụt giảm này sẽ đến mức nào?
Hiện tại, diễn biến TTCK không thuộc về vấn đề cơ bản, mà là vấn đề tâm lý, nên chúng ta đừng đoán đáy của thị trường. Nhiều doanh nghiệp vẫn tăng trưởng mà cổ phiếu được giao dịch ở mức định giá P/E 5 - 6 lần, đó là sự vô lý.
Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, mức giảm sẽ không còn nhiều, vì chỉ số VN-Index ở mức 800 điểm hiện nay rất khác so với 800 điểm năm 2017. Có 3 lý do, ngoài vấn đề cải thiện kinh tế vĩ mô. Một là, nhiều doanh nghiệp tăng trưởng mạnh và tích lũy lợi nhuận lớn, đặc biệt trong nhóm ngân hàng.
Hai là, trong thời gian qua, không ít cổ phiếu có vốn hóa lớn như SAB, VHM, VJC… được đưa lên niêm yết, dẫn đến định giá thị trường chung cao hơn nhiều so với định giá của đa số các mã chứng khoán. Ba là, vốn vay trên TTCK đang ở mức thấp nhất 2 năm, nên áp lực bán giải chấp thấp hơn nhiều.
Nhà đầu tư nên làm như thế nào trong hoàn cảnh này?
Rất khó để chờ bắt đáy, nhưng tôi cho rằng, đây là cơ hội cho những nhà đầu tư có sẵn tiền tham gia. Việc hướng vào nhóm cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, định giá thấp; nhóm cổ phiếu có lợi suất cổ tức cao là một lựa chọn. Ðến thời điểm này, chúng ta không khó tìm ra những mã có mức lợi tức lên tới 12%, thậm chí cao hơn, vượt trội so với lãi suất ngân hàng.