Hồi tháng 5 vừa qua, Robinhood, một startup Fintech ở Mỹ tuyên bố đã thu hút được thêm 363 triệu USD vốn đầu tư từ các nhà đầu tư hàng đầu tại Silicon Valley. Như vậy, công ty này đã được định giá tới 5,6 tỷ USD. Mức định giá này của Robinhood tương đương với 1/3 giá trị thị trường của E-Trade Financial, một nền tảng môi giới đầu tư trực tuyến đình đám ở Mỹ.
Trong khi lợi nhuận ròng của E-Trade đạt 708 triệu USD trong quý I năm nay, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, thì con số lợi nhuận của Robinhood không được tiết lộ do công ty này hiện vẫn đang hoạt động dưới mô hình của một công ty tư nhân.
Mức tăng trưởng về số lượng khách hàng của Robinhood là rất đáng kinh ngạc, hiện đã lên tới 4 triệu người, gấp đôi con số đạt được vào mùa Thu năm ngoái, vượt số lượng tài khoản của E-Trade là 3,7 triệu.
Chung cuộc thì liệu Robinhood có thành công hay không vẫn là một dấu hỏi, nhưng có một xu thế đang diễn ra là các nhà đầu tư lớn đang ngày càng quan tâm tới các startup Fintech.
Hồi tháng 5 vừa qua quỹ đầu tư BlackRock tuyên bố dẫn đầu một nhóm nhà đầu tư rót 50 triệu USD vào Acorns - một ứng dụng cho phép người dùng đầu tư tiền nhàn rỗi vào các quỹ ETF. Acorns hiện có hơn 3,3 triệu người dùng.
Stash, một ứng dụng cho phép khách hàng triển khai những khoản đầu tư thậm chí nhỏ tới mức 5 USD hồi tháng 4 cũng đã có tới 2 triệu khách hàng. Hồi tháng 2 năm nay công ty này đã nhận được khoản đầu tư trị giá 37,5 triệu USD từ một nhóm nhà đầu tư.
Với việc số lượng người tiếp cận với công nghệ thông tin và tham gia các giao dịch online ngày càng gia tăng, trong đó có một số lượng đáng kể các millennial (người dùng sinh ra trong khoảng thời gian từ những năm 1980 tới năm 2000), giá trị của các startup loại này ngày càng tăng.
Robinhood cho ra đời ứng dụng giao dịch cổ phiếu miễn phí giao dịch 3 năm trước đây và tham vọng của công ty không dừng lại ở đó. Năm ngoái Robinhood đã bổ sung thêm tính năng giao dịch quyền chọn (option) và năm nay bổ sung thêm tính năng giao dịch đồng tiền kỹ thuật số ở mức độ giới hạn.
Baiju Bhatt, đồng sáng lập viên kiêm CEO của Robinhood
Trong một buổi phỏng vấn với kênh truyền hình CNBC của Mỹ, Baiju Bhatt, đồng sáng lập viên kiêm CEO của Robinhood cho biết, trong vài năm tới Robinhood sẽ trở thành một công ty tài chính tiêu dùng cung cấp đầy đủ các dịch vụ.
Sản phẩm phải trả tiền của công ty là Robinhood Gold được đưa ra thị trường hồi tháng 9/2016. Đây là dịch vụ cho vay đầu tư chứng khoán (margin) và giao dịch ngoài giờ. Robinhood Gold cho người dùng có số dư ký quỹ từ 2.000 USD vay margin với tỷ lệ gấp đôi số tiền ký quỹ với một mức phí cố định phụ thuộc vào số tiền vay.
Trong khi các nền tảng môi giới trực tuyến truyền thống tính lãi dựa trên từng món vay cụ thể thì Robinhood tính phí cố định hàng tháng căn cứ vào ‘sức mua’ của từng khách hàng.
Tại Interactive Brokers lãi suất cho vay margin là 3,2%/năm đối với khoản vay 10.000 USD, còn tại E-Trade là 9,75%/năm. Robinhood Gold lại có biểu phí khác. Ví dụ, với ‘sức mua’ là 8.000 USD thì mức lãi suất sẽ là 40 USD/tháng, tương đương 6%/năm. Với ‘sức mua’ là 12.000 USD thì lãi suất là 50 USD/tháng, tức 5%/năm. Mức phí này không phụ thuộc vào việc nhà đầu tư có sử dụng hết hạn mức margin hay không.
Hồi tháng 10 năm ngoái, 75% giá trị giao dịch tại Robinhood thuộc về sản phẩm Robinhood Gold và công ty cho biết tỷ lệ này có mức tăng trưởng 17%/tháng.
“Đây là một cách tiếp cận rất độc đáo”, Bill Capuzzi, CEO của Apex Clearing - một công ty quản lý hạ tầng và hệ thống vận hành của Robinhood và các công ty dịch vụ tài chính khác - nói.
Robinhood cho biết con số 4 triệu tài khoản là số lượng tài khoản được phép giao dịch, tuy nhiên không phải tài khoản nào cũng được cấp margin.
Có một điều hết sức thú vị là startup này từng bị 75 nhà đầu tư từ chối rót vốn trước khi nhận được 3 triệu USD vốn đầu tư ban đầu trong vòng gọi vốn “hạt giống” từ nhóm nhà đầu tư dẫn đầu là Index, Google Ventures và Andreessen.