Tiến sĩ Võ Quang Huệ (thứ ba từ phải sang) quyết định đầu quân cho Vingroup để hiện thực hóa giấc mơ xe hơi "made in Vietnam".

Tiến sĩ Võ Quang Huệ (thứ ba từ phải sang) quyết định đầu quân cho Vingroup để hiện thực hóa giấc mơ xe hơi "made in Vietnam".

Sự trở về của đàn cá hồi

(ĐTCK) Khi doanh nghiệp Việt Nam dám ước mơ và dành nguồn lực mạnh mẽ cho những ước mơ ấy, họ sẽ thu hút được nhiều nhân tài người Việt trên khắp thế giới trở về. Đam mê và đầy lòng yêu nước, họ - như những chú cá hồi Đại Tây Dương sẵn sàng quay lại nơi sinh ra và sống một cuộc đời đầy kiêu hãnh.

Ðánh thức nguồn lực

Nghiêm Ðức Long, một trong những giáo sư trẻ nhất Australia (được phong Giáo sư khi mới 31 tuổi) đã sử dụng hình ảnh đàn cá hồi sinh ra trong nước sạch, vượt sông ra biển lớn để nói về những nhân tài Việt Nam đang làm việc và nghiên cứu, đầu tư kinh doanh ở nước ngoài.

“Chúng tôi có cơ hội vượt sông, vượt biển, dấn thân cho khoa học, khởi nghiệp và thất bại nhiều, nhưng chúng tôi không bỏ cuộc. Cũng như con cá hồi ra biển lớn, chấp nhận hành trình không dễ dàng, để rồi sẵn sàng bơi ngược dòng trở lại nơi sinh ra”, vị giáo sư trẻ trải lòng.

Từng hướng dẫn thành công 21 tiến sỹ bảo vệ luận văn xuất sắc ở nước ngoài, anh Long chia sẻ: “Tôi cam kết đồng hành, đóng góp cho Chính phủ trong xây dựng hệ sinh thái 4.0 của Việt Nam, mà không cần Chính phủ trả thù lao”.

Anh cũng dẫn lại câu chuyện Tiến sỹ Võ Quang Huệ, người đã có hơn 20 năm làm việc cho Tập đoàn Bosch (Ðức) quyết định đầu quân cho Vingroup để cùng thực hiện giấc mơ xe hơi “made in Vietnam”. “Tại sao anh Huệ lại vào Vinfast? Ðó là đam mê, cũng là lòng yêu nước, như con cá hồi đến một lúc nào đó sẽ quay lại nơi sinh ra. Ðây là bản năng của loài cá đặc biệt, không phải vì chúng mà vì thế hệ mai sau”.

Trong một thế giới phẳng và nền kinh tế hội nhập mở rộng cửa, kết nối Việt Nam và nước ngoài đang trở thành chìa khóa cho sự thịnh vượng. Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp không chỉ gói gọn trong nước mà buộc phải có tư duy toàn cầu. Áp lực rất rõ ràng, doanh nghiệp nào có quy trình quản lý, công nghệ mạnh hơn, doanh nghiệp ấy sẽ thắng. Bởi thế, thu hút chất xám, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đang trở thành nhu cầu lớn của các doanh nghiệp trong nước và “để chất xám phụng sự Tổ quốc” chính là lời mời gọi hấp dẫn nhất để đội ngũ tinh hoa này trở về.

"Để chất xám phụng sự Tổ quốc” là lời mời gọi hấp dẫn nhất để đội ngũ tinh hoa này trở về

Kể câu chuyện của người trong cuộc, ông Võ Quang Huệ cho biết, ông quyết định về Vinfast, bắt đầu từ con số 0, sau một cuộc trò chuyện với Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng. Hành trang lớn nhất của ông là 24 năm nghiên cứu về lĩnh vực xe hơi ở Ðức và châu Âu, khát vọng lớn nhất là thực hiện giấc mơ xe hơi “made in Việt Nam”, đóng góp cho cuộc sống của người dân tốt đẹp hơn, xây dựng đất nước thịnh vượng hơn.

“Khi từ biệt và cám ơn các bạn ở Bosch, nhiều bạn người Việt đã khóc. Chắc hẳn trong sâu thẳm trái tim mọi người đều có lòng yêu nước và đều mong có cơ hội để trở về”, ông Huệ kể.

Ðây cũng là tâm trạng và niềm mong mỏi của nhiều người Việt tài năng trên thế giới. “Trong năm đầu tiên tổ hợp Vinfast đi vào hoạt động, chúng tôi thu hút được nguồn nhân lực rất tốt. Có bạn trẻ đi đi về về, có bạn ban đầu dự định chỉ ghé chơi nhà máy, nhưng sau đó quyết định từ bỏ công việc mơ ước ở nước ngoài để đầu quân cho Vingroup.

Cả đội ngũ hừng hực sống trong khát vọng đưa ô tô “made in Vietnam” lăn bánh khắp nẻo đường đất nước và xuất khẩu ra thế giới. Tôi trẻ ra, hào hứng hơn, làm việc rất vui. Mang lại cho cuộc sống, cho đất nước một giá trị là niềm hạnh phúc”, ông Huệ chia sẻ.

Ở chiều hướng khác, theo số liệu vừa được Navigos công bố, hiện có hơn 80.000 người nước ngoài đang làm tổng giám đốc, giám đốc ở Việt Nam. Ðiều này cho thấy, nhu cầu người tài, có năng lực của doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn và đây chính là cơ hội lớn cho các trí thức Việt Nam ở nước ngoài trở về thi thố tài năng.

Cho giấc mơ lớn

Ðất nước đang cần chuyển mình mạnh mẽ để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và vươn lên thành con hổ mới của châu Á, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh và khẳng định, muốn vậy, việc có thêm nhân tài ở nhiều lĩnh vực khác nhau là yêu cầu tiên quyết. Chỉ khi có cơ chế và giải pháp đúng đắn, trọng thị, mới kỳ vọng trong tương lai, sẽ có nhiều “đàn cá hồi” trở về Việt Nam làm việc, để xây dựng đất nước tươi đẹp hơn.

“Sốc văn hóa ngược” với những người mới trở về là cụm từ Tiến sỹ Võ Quang Huệ nhắc đến. Bởi vậy, ông cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục đổi mới thể chế, môi trường kinh doanh, làm thế nào để nền quản trị quốc gia mạnh mẽ, xây dựng được hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin viễn thông tốt để tạo ra môi trường tốt cho người tài.

Phó giáo sư Như Hoa đang làm việc tại Ðại học Quốc gia Hàn Quốc, người nổi tiếng với công trình phát hiện sớm bệnh Alzeimer cho biết, khi mới tốt nghiệp, chị cũng muốn về nước làm việc, nhưng rồi thấy ở trong nước chưa có nhiều công ty phát triển, trang thiết bị phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học thiếu thốn nên đã quyết định ở lại Hàn Quốc.

“Chắc chắn chúng tôi sẽ quay về Việt Nam. Nhưng khi trở về, chúng tôi muốn cầm theo cái gì đó, không phải tấm bằng tiến sỹ, mà là công nghệ mới nhất để ứng dụng”, chị Hoa chia sẻ và mong muốn trong 1 - 2 năm tới sẽ chuyển giao được công nghệ ở Ðại học Quốc gia TP.HCM, đặc biệt là các ứng dụng y sinh học điện tử. 

Thế giới tự nhiên có những loài rất kỳ lạ, không thích một cuộc sống dễ dàng. Tiến sỹ Nguyễn Viết Quốc, người Việt nổi tiếng ở Google đề cập đến khía cạnh ấy khi nói về những người tài. Theo ông Quốc, những người tài đều muốn giải các bài toán khó và có tác động đến nhiều người.

“Tài năng Việt Nam rất khá, nhưng đa phần nghiên cứu chính xuất hiện ở nước ngoài như Mỹ, Canada, Anh. Tạo ra chương trình để bác sỹ tìm hiểu và chẩn đoán, chữa bệnh ung thư sớm được không? Một bài toán như thế, nếu có doanh nghiệp Việt Nam dám đặt ra, để giải quyết bài toán này sẽ hấp dẫn được nhiều tài năng.

Trong khi những chính sách vĩ mô còn đang chờ Chính phủ và các bộ ngành giải quyết,  hạt nhân của công cuộc cải cách này được trông chờ ở những doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Vingroup, Viettel, FPT, VNPT…

Vingroup đã ra mắt 4 đơn vị gồm Công ty Phát triển công nghệ VinTech, Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn, Viện Nghiên cứu công nghệ cao và Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu khoa học - công nghệ ứng dụng với ngân sách ban đầu 1.000 tỷ đồng. VinTech sẽ tập trung nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất các phần mềm và nghiên cứu phát triển các nguyên vật liệu thế hệ mới. Ðã có nhiều tài năng là các giáo sư, tiến sỹ đang làm việc tại nước ngoài về đầu quân cho Vingroup.

Trước đó, Phenikaa, Tập đoàn mẹ của Vicostone đã ra mắt Viện Nghiên cứu và công nghệ Phenikaa (PRATI) và Viện Nghiên cứu tiên tiến Thành Tây (TIAS) với ngân sách 500 tỷ đồng trong 5 năm hoạt động đầu tiên. PRATI & TIAS sẽ tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu nền tảng, cấp thiết và có tính ứng dụng thực tiễn cao như khoa học cơ bản, ứng dụng, công nghệ vật liệu (polymer, nano, gốm), tự động hóa, cơ điện tử, điện tử, điện tử hữu cơ, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, khoa học y, sinh, dược, nông nghiệp…

Ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Phenikaa, xuất thân từ một tiến sỹ khoa học chia sẻ: “Tôi xác định phải có chế độ đãi ngộ tốt thì người ta mới về với mình. Chế độ đó không hẳn là trả lương thật cao. Tôi cho rằng, lý do đầu tiên các nhà khoa học, các tài năng khác về với chúng tôi là vì môi trường làm việc. Họ có điều kiện để tự do theo đuổi hướng nghiên cứu của mình không, có được đáp ứng các yêu cầu về trang thiết bị hay không và chiến lược phát triển, tầm nhìn của người lãnh đạo như thế nào”.

Còn ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT cũng nhấn mạnh rằng, với các tài năng, phải đưa ra được những bài toán khó để thu hút họ cùng giải.

“Khi chúng tôi làm việc với những tập đoàn lớn trên thế giới, họ có những bài toán vô cùng khó. Nếu các bạn có sẵn một nền tảng nhất định, các bạn hãy cùng hợp tác với chúng tôi giải những bài toán lớn của kinh tế giới. Nếu các bạn đã có những lời giải hay thì chúng tôi có sức bán cho các tập đoàn hàng đầu thế giới. Chúng tôi sẵn sàng bán sản phẩm cho các bạn với niềm tự hào Việt”.

Tạo lập cơ sở dữ liệu lớn, đào tạo đội ngũ kỹ sư tinh thông về trí tuệ nhân tạo, nông nghiệp thông minh, y tế thông minh, vật liệu mới... - đây chính là những tài nguyên mà Việt Nam phải tập trung khai thác trong hành trình hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày Quốc khánh (2045) của mình.

Tin bài liên quan