Việt Nam đang nổi lên là điểm đến được quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn. Ảnh: Dũng Minh
Sự trở lại của “ông lớn” Nokia
Nokia - hãng công nghệ nổi tiếng toàn cầu, cách đây ít ngày, đã chính thức công bố việc sẽ hợp tác với Foxconn để sản xuất danh mục sản phẩm 5G hàng đầu tại Việt Nam, bao gồm các danh mục sản phẩm AirScale, trong đó có thế hệ mới nhất của các thiết bị vô tuyến massive MIMO AirScale. Các sản phẩm này sẽ được sử dụng ở cả thị trường nội địa và thị trường quốc tế.
Trong thông báo phát đi, Nokia cho biết, họ chọn Việt Nam làm “căn cứ sản xuất” để hỗ trợ cơ sở khách hàng toàn cầu của công ty, qua đó một lần nữa khẳng định cam kết xây dựng chuỗi cung ứng khu vực và thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước. Theo kế hoạch, việc sản xuất sẽ bắt đầu vào tháng 7 tới tại các nhà máy của Foxconn ở Bắc Giang, sau đó tăng sản lượng từ tháng 9/2024 trở đi.
“Dự án hợp tác với Foxconn để sản xuất danh mục sản phẩm AirScale của Nokia tại Việt Nam sẽ giúp chúng tôi đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đồng thời nâng cao hiệu quả chi phí. Nó cũng nhấn mạnh cam kết của chúng tôi trong việc liên tục tối ưu hóa hoạt động sản xuất, phân phối và mạng lưới các nhà cung cấp trong khu vực”, ông Ruben Flores, Tổng giám đốc Nokia Việt Nam nói.
Ông Ruben Flores cho biết, Nokia luôn “là một phần” trong quá trình tăng trưởng của Việt Nam suốt ba thập kỷ qua và sáng kiến này sẽ tiếp tục củng cố sự gắn kết của Nokia với Việt Nam.
Nokia đúng là đã có một thời gian dài đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. “Ông lớn” này từng xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động quy mô 300 triệu USD tại Bắc Ninh, nhưng sau đó đã chuyển giao cho Microsoft. Mặc dù vẫn duy trì hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cho đến tận bây giờ, trong đó có việc tham gia các dự án triển khai 5G của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Việt Nam, nhưng bằng việc hợp tác với Foxconn để sản xuất thiết bị 5G tại Việt Nam, Nokia đã chính thức quay trở lại. Và đó là một động thái đáng mừng, khẳng định mối quan tâm của các “đại gia” công nghệ đối với điểm đến đầu tư Việt Nam.
Chính đại diện của Foxconn cũng nói rằng, việc mở rộng mối quan hệ hợp tác với Nokia để sản xuất các sản phẩm 5G mới nhất của Công ty tại Việt Nam đã nêu bật vai trò của Việt Nam như là “một đích đến ưa thích cho hoạt động sản xuất”. “Chúng tôi đã hiện diện hoạt động ở Việt Nam được hơn 17 năm và với dự án hợp tác này cùng Nokia, chúng tôi hy vọng sẽ tăng cường đóng góp cho nền kinh tế của đất nước”, vị này nói.
Và “cú hích” cho Việt Nam
Không chỉ Nokia, hay Foxconn, mà gần đây, nhiều nhà sản xuất toàn cầu, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao đã chọn Việt Nam là điểm đến.
Chia sẻ với SCMP, ông Jerry Kao, Giám đốc điều hành Acer cho biết, chuỗi cung ứng đang dịch chuyển khỏi Đài Loan và các doanh nghiệp sẽ đến Việt Nam, Thái Lan. Chi phí lao động thấp hơn, cơ sở hạ tầng đang được cải thiện và thị trường nội địa đang phát triển là một trong những lý do khiến Việt Nam được lựa chọn.
Báo cáo Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, sau khi nhắc đến con số hơn 11 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong 5 tháng qua, đã nhấn mạnh việc có nhiều dự án lớn về sản xuất pin, tế bào quang điện, linh kiện, sản phẩm điện tử… đã đăng ký đầu tư mới và tăng vốn vào Việt Nam.
Tờ SCMP (South China Morning Post) mới đây đưa tin rằng, nhiều công ty công nghệ lớn của Đài Loan (Trung Quốc) đang có kế hoạch mở rộng chuỗi cung ứng sản xuất sang Nam Á, Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Thái Lan.
Thực tế, không chỉ là “sẽ”, mà nhiều công ty công nghệ Đài Loan đã tìm đến Việt Nam. Foxconn là ví dụ điển hình. Bên cạnh đó, còn có Pegatron, Winston, Goertek… Quanta Computer - một nhà sản xuất lớn của Đài Loan hồi năm ngoái, cũng đã quyết định xây một nhà máy 120 triệu USD tại tỉnh Nam Định.
Trong cuộc gặp gỡ với báo giới cách đây ít ngày, ông Phạm Gia Túc, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định hồ hởi chia sẻ về dự án này. Theo ông, đây là nhà máy đầu tiên sản xuất tại nước ngoài của Quanta và họ đã chọn Nam Định. “Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn, có công nghệ cao đã và đang tiếp tục quan tâm đầu tư vào Nam Định”, ông Phạm Gia Túc nói.
Không chỉ là trong lĩnh vực điện tử, gần đây, Việt Nam đang nổi lên là điểm đến được quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn. Theo Báo cáo APIQ của Savills Việt Nam, ngành chip bán dẫn của Việt Nam sẽ thu hút được một lượng đầu tư đáng kể trong năm 2024. Dự báo, đến cuối năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của nhiều doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Nhắc đến một loạt dự án của Intel, Samsung, Qualcomm, Infineon, Amkor…, ông Thomas Rooney, Quản lý cấp cao Bộ phận Cho thuê Công nghiệp Savills cho biết, có nhiều lý do giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư bán dẫn. Chẳng hạn, có vị trí chiến lược, dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn trong khu vực, có điều kiện tự nhiên thuận lợi với trữ lượng đất hiếm lớn - nguyên liệu quan trọng trong sản xuất chip bán dẫn.
Bên cạnh đó, Việt Nam có hệ thống chính trị ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn với những chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư hấp dẫn…
Đây là những lợi thế để Việt Nam đúng là “một đích đến ưa thích cho hoạt động sản xuất”. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam cũng nỗ lực để đón bắt dòng vốn này. Nhiều cơ chế, chính sách quan trọng đã và đang được xây dựng, như Dự thảo Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư, Chiến lược Phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam, hay Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao, rồi Đề án Phát triển nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030.
Cơ hội vẫn đang rộng mở cho Việt Nam.