Đầu tiên phải kể đến cổ phiếu GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam – một trong những đơn vị top đầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), với tỷ suất sinh lời/vốn chủ sở hữu ấn tượng và tỷ lệ chia cổ tức luôn từ 30%/năm trở lên.
Trong 9 tháng đầu năm 2017, nhờ sự hồi phục của giá dầu, GAS ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt 47.489 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ 2016; lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ GAS đạt 5.908 tỷ đồng, tăng 47,4%. Với kế hoạch doanh thu năm 2017 là 51.479 tỷ đồng và lãi ròng 5.257 tỷ đồng, GAS đã thực hiện được 92% kế hoạch doanh thu và vượt 12% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tại ngày 22/12, cổ phiếu GAS đóng cửa ở mức 93.100 đồng/CP, tăng 62,5% so với thời điểm đầu năm.
Tiếp theo là cổ phiếu PVS của Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC). Đây là doanh nghiệp đã có cố gắng trong việc hạn chế ảnh hưởng của biến động giá dầu nhờ công tác quản trị hiệu quả hoạt động kinh doanh, duy trì tình hình tài chính lành mạnh.
9 tháng đầu năm 2017, PVS đạt 10.872 tỷ đồng doanh thu thuần, biên lợi nhuận gộp tăng từ 5,43% lên 7,23%; lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ đạt 676,06 tỷ đồng, vượt 27,3% kế hoạch cả năm. Với những dự án lớn được triển khai như Cá Rồng Đỏ, Lô B Ô Môn, Sao Vàng Đại Nguyệt…, nhiều khả năng PVS sẽ nhận được các gói thầu dịch vụ có giá trị lớn trong tương lai.
Một doanh nghiệp dầu khí đầu ngành khác cần nói tới là Tổng CTCP Vận tải dầu khí (PVT). Năm 2018, khối lượng công việc vận tải của PVT được dự báo sẽ tăng lên rất mạnh.
Theo đó, ngoài việc vận chuyển, cung cấp dầu thô cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất với khoảng 6,8 triệu tấn, tăng hơn 15% so với năm 2017, PVT còn tham gia vận chuyển 20% dầu thô, tương ứng khoảng 2-2,5 triệu tấn cho Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và khoảng 3-4 triệu tấn sản phẩm cho đầu mối tiêu thụ là PVOil.
Về triển vọng giá dầu năm 2018, vừa qua, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng với Nga và các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ khác đã nhất trí kéo dài thêm thời gian cắt giảm sản lượng khai thác dầu đến hết 2018 để giải quyết tình trạng dư cung.
Mặc dù vẫn còn những lo ngại về sản lượng của dầu đá phiến Mỹ, nhưng các ngân hàng lớn trên thế giới đã bắt đầu nâng triển vọng giá dầu thô trong năm 2018. Đơn cử, Goldman Sachs nâng dự báo giá dầu Brent lên mức 62 USD/thùng, còn JP Morgan Chase nâng dự báo lên 60 USD/thùng.