Nhu cầu và giá dầu tăng - động lực của cổ phiếu dầu khí
Trong khi các mã ngân hàng - tài chính như BID, CTG, VCB điều chỉnh, thì thị trường được nâng đỡ bởi những mã dầu khí như GAS, PVC, PVD, PVS...
Số liệu được Viện Dầu khí Mỹ công bố gần đây cho thấy, nhu cầu dầu khí đang tăng cao trong mùa Hè năm nay. Trong khi đó, số lượng giàn khoan dầu tại Mỹ tiếp tục giảm có thể giúp giảm bớt nguồn cung dư thừa trên thị trường.
Nhờ đó, giá dầu WTI nhảy vọt qua ngưỡng 60 USD/thùng và trở thành một trong những động lực cho đà tăng giá của cổ phiếu dầu khí trong những phiên vừa qua. Bên cạnh đóng góp của cổ phiếu dầu khí, còn có sự góp mặt của các nhóm ngành chưa tăng đáng kể trong thời gian trước như thép với HPG hay HSG, bất động sản - xây dựng với KBC, FLC, IJC, DIG, ITA, HQC…
Tuy vậy, khối ngoại vẫn bán ròng trên sàn HOSE, giá trị bán không quá mạnh, nhưng cũng là một điểm đáng lưu ý trong bối cảnh dòng vốn ngoại có khả năng sẽ bị rút khỏi các thị trường tài chính mới nổi để trở về thị trường Mỹ, vốn đang phục hồi tích cực và đồng USD đang mạnh lên.
Theo Cục Thống kê Lao động - Bộ Lao động Mỹ, lượng việc làm trong tháng 5/2015 đã tăng 280.000, mức cao nhất trong 5 tháng qua và cao hơn nhiều so với dự đoán 225.000 việc làm của giới phân tích trước đó.
Ngoài ra, số liệu việc làm tháng 3/2015 đã được điều chỉnh lên 119.000 từ mức 85.000 trong báo cáo trước. Số liệu thị trường lao động lạc quan dự kiến sẽ hỗ trợ Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất điều hành trong năm nay. Đây có thể sẽ là một rủi ro ảnh hưởng đến dòng tiền trên TTCK trong thời gian tới.
Các cổ phiếu lớn thay phiên nhau dẫn dắt thị trường trên nền tảng thanh khoản tốt đã đưa VN-Index vượt qua ngưỡng kháng cự mạnh 580 điểm của đường trung bình động 200 ngày (MA200). Mặc dù vậy, áp lực cung tại ngưỡng này vẫn còn khá lớn, khiến VN-Index vượt qua 580 điểm một cách không dứt khoát.
Tâm lý của nhà đầu tư đang trở nên lạc quan hơn với triển vọng của thị trường, thể hiện ở sự dịch chuyển của dòng tiền vào các cổ phiếu đầu cơ. Tuy vậy, nhóm cổ phiếu ngân hàng bất ngờ thể hiện sự suy yếu trong phiên “vượt ngưỡng” hôm qua (11/2) là một ẩn số cần lời giải.
Chúng tôi cho rằng, thị trường nhiều khả năng sẽ giao dịch giằng co trong khoảng 580 - 585 điểm trong một vài phiên tới để nhà đầu tư kiểm định sự bền vững của đường MA200 vừa chinh phục được.
VN-Index có thể kiểm định lại vùng 580 điểm
Sau hai lần chinh phục thất bại mốc 580 điểm tạo bởi đường MA200, cuối cùng, VN-Index cũng đã đóng cửa trên ngưỡng kháng cự này ngày hôm qua, khi mà dòng tiền đổ vào thị trường khá mạnh mẽ. Các chỉ số chứng khoán quan trọng khác như VN30, VNMidcap hay HNX-Index đều đóng cửa tăng điểm với khối lượng giao dịch ở mức cao. Mặc dù vậy, gần như tất cả các chỉ số này đều không đóng cửa ở mức điểm cao nhất trong phiên, cho thấy áp lực bán tại vùng giá cao vẫn khá mạnh, theo đó, cách chinh phục kháng cự của VN-Index cũng chưa thực sự thuyết phục nhà đầu tư.
Ngoại trừ nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình (midcap) tăng giá khá mạnh, những cổ phiếu dẫn dắt thị trường có vẻ chưa đạt được sự đồng thuận. Trong khi GAS và PVD tăng giá thì VCB, BID, CTG chỉ dao động nhẹ do lực cầu giá cao suy yếu. Sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu dẫn dắt có thể khiến VN-Index có diễn biến giằng co trong những phiên tới. Theo đó, chúng tôi kỳ vọng, VN-Index sẽ dao động trong khoảng 580 - 585 điểm để kiểm định lại đường MA200 vừa vượt qua.
Đáng lưu ý, cuối giờ chiều qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố 2 dự thảo văn bản về việc giảm thời gian thanh toán xuống T+2 và cho phép nhà đầu tư được giao dịch trong ngày. Thông tin này có thể giúp thị trường có diễn biến khả quan hơn.