Sự thay đổi lớn đang diễn ra

Sự thay đổi lớn đang diễn ra

(ĐTCK) Song song với quá trình tự tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, Ersnt & Young Việt Nam nhận thấy rõ những thay đổi lớn từ bản thân từng tổ chức tín dụng.

Sức ép cạnh tranh và hệ quả của sự phát triển “nóng” trong một thời gian dài trên nền tảng không chắc chắn đã bộc lộ nhiều vấn đề, đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn tại và khả năng phát triển của một số TCTD, nhất là các TCTD có quy mô nhỏ và không có lợi thế cạnh tranh rõ ràng. Trong khoảng 3 năm vừa qua, một số TCTD hàng đầu đã không tiếc tiền cho việc đầu tư, xây dựng lại chiến lược kinh doanh nhằm tìm kiếm một mô hình kinh doanh phù hợp, tạo ra sự khác biệt trong hoạt động kinh doanh và đưa TCTD phát triển ở một tầm cao mới. Những động thái đó, cùng với tình hình khó khăn chung của thị trường đã thúc đẩy và tạo ra xu hướng tự tái cơ cấu ở hầu hết TCTD.

Dưới đây là một số xu hướng chính trong quá trình tự tái cơ cấu của các TCTD hiện nay:

Đổi mới mô hình tổ chức và phương thức tổ chức kinh doanh

Hầu hết TCTD đã và đang tiếp tục đổi mới và hoàn thiện mô hình tổ chức nhằm nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro và hiệu quả kinh doanh. Cách tổ chức quản lý kinh doanh và quản lý rủi ro tập trung tại Hội sở chính và tổ chức triển khai theo chiều dọc đến các điểm kinh doanh là xu hướng chủ đạo do những ưu điểm của nó. Tổ chức quản lý và kinh doanh tập trung tại Hội sở chính giúp các TCTD loại bỏ các bước quản lý trung gian tại chi nhánh và tập trung nguồn lực tại chi nhánh vào việc kinh doanh. Đồng thời, công tác quản trị rủi ro cũng sẽ hiệu quả hơn nhiều do TCTD bớt phụ thuộc vào ban lãnh đạo ở từng chi nhánh, từng bước loại bỏ hoàn toàn cách kinh doanh cũ là mỗi chi nhánh được ví như một ngân hàng con nằm trong một ngân hàng mẹ.

Tăng cường năng lực hệ thống công nghệ thông tin

Rất nhiều TCTD đang có kế hoạch thay hệ thống core banking mới, trang bị hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu cho phù hợp với khối lượng thông tin khổng lồ mà các TCTD đang lưu trữ, đồng thời có kế hoạch sử dựng các cơ sở dữ liệu đó phục vụ cho việc phân tích hành vi của khách hàng, thông tin lịch sử của khách hàng và các yếu tố rủi ro. Mục đích là nhằm phát triển các sản phẩm phù hợp cho không những từng nhóm đối tượng khách hàng, mà còn đến từng khách hàng cụ thể, đặc biệt là các khách hàng tiềm năng, xây dựng các mô hình quản trị rủi ro căn cứ trên hành vi của khách hàng dựa trên cơ sở xác suất thống kê.

Sự thay đổi lớn đang diễn ra ảnh 1

Tái cấu trúc chưa bao giờ là con đường thẳng

Việc đầu tư mua sắm hệ thống công nghệ thông tin cũng nhằm tận dụng và khai thác tốt nhất nguồn tài nguyên Internet là một thành phần không thể bỏ qua khi phát triển các sản phẩm cho khách hàng ở Việt Nam - một quốc gia có tỷ lệ sử dụng Internet cao so với tỷ lệ bình quân trên thế giới và có lực lượng dân số có độ tuổi bình quân khá trẻ.

Một số TCTD coi đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin là chìa khóa quyết định sự thành công của kế hoạch kinh doanh của họ trong thời gian 3 - 5 năm tới.

Xây dựng chiến lược kinh doanh và chiến lược bán hàng khác biệt

Sự tương đồng trong cách thức tổ chức kinh doanh giữa các TCTD trong nhiều năm vừa qua đã tạo ra hệ lụy là các TCTD cạnh tranh nhau dựa trên giá cả nhiều hơn là trên chất lượng dịch vụ và giá trị gia tăng mà các khách hàng có thể được hưởng. Điều này một phần là do năng lực và mặt bằng chung về hệ thống công nghệ thông tin của các TCTD khá gần nhau, không có một TCTD thực sự nổi trội, nên việc tạo ra sự khác biệt trong cung cấp dịch vụ giữa các TCTD là rất ít.

Với quyết tâm đầu tư nhiều vào hệ thống công nghệ thông tin mới, sự khác biệt trong chất lượng cung cấp dịch vụ và tính đa dạng của sản phẩm sẽ rõ ràng hơn. Điều này sẽ tạo ra khoảng cách giữa các TCTD có tiềm lực và các TCTD nhỏ hơn. Đây là cuộc đua đòi hỏi phải có khả năng tài chính và chiến lược kinh doanh lâu dài.

Với nền tảng công nghệ thông tin tốt, các TCTD có khả năng thay đổi toàn diện phương thức phục vụ khách hàng, mang lại nhiều giá trị thú vị cho khách hàng, góp phần làm gia tăng tỷ lệ thu nhập ngoài lãi trên tổng thu nhập của TCTD, giảm dần sự phụ thuộc kết quả kinh doanh của TCTD vào thu nhập lãi.

Thống kê trong năm 2012 cho thấy, thu nhập bình quân ngoài lãi của TCTD thuộc nhóm G12 chỉ chiếm khoảng 15 - 20% tổng thu nhập, trong khi đó, tỷ lệ này của các ngân hàng ở Thái Lan lên đến 35 - 40%.

Hoàn thiện khung quản trị rủi ro

Các TCTD hiện nay cũng đang tập trung vào việc củng cố và hoàn hiện hệ thống quản trị rủi ro, nhằm hạn chế tổn thất. Có thể nói, trong một khoảng thời gian dài, chức năng quản trị rủi ro tại các TCTD không theo kịp với tốc độ mở rộng và phát triển kinh doanh của TCTD, sự phân chia trách nhiệm và quyền hạn trong chức năng quản trị rủi ro tại các TCTD rất yếu và hệ thống ngân hàng Việt Nam thiếu một đội ngũ chuyên gia về quản trị rủi ro.

Một số TCTD hiện nay sẵn sàng chấp nhận chi phí cao nhằm thuê các chuyên gia nước ngoài chịu trách nhiệm về việc tổ chức và vận hành hệ thống quản trị rủi ro. Song song đó, các TCTD cũng bỏ ra khoản kinh phí lớn nhằm thuê tư vấn xây dựng và thiết lập hệ thống quản trị rủi ro, bao gồm: xây dựng khung quản trị, cơ cấu tổ chức, quy trình, công cụ đo lường và đào tạo.

Ngoài ra, một số TCTD đặt mục tiêu xây dựng và hoàn thành hệ thống quản trị rủi ro theo Basel II trước năm 2016. Đây là những mục tiêu rất cao, vì thông thường, các ngân hàng phải mất hơn 5 năm mới có thể hoàn thiện hệ thống quản trị rủi ro theo Basel II.

Việc hoàn thiện hệ thống quản trị rủi ro theo Basel II là một yêu cầu khách quan và bắt buộc cho các TCTD Việt Nam nếu có nhu cầu mở rộng hoạt động ra tầm khu vực. Với hệ thống quản trị rủi ro phù hợp Basel II, các TCTD có thể đạt được mức xếp hạng tốt hơn từ các tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế, nhờ đó, các TCTD có thể huy động nguồn vốn nước ngoài với chi phí thấp hơn nhiều.

Hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính và đo lường hiệu quả kinh doanh

Các TCTD cũng rất chú trọng đến đo lường hiệu quả hoạt động kinh doanh của mình theo nhiều chiều khác nhau như: theo khối kinh doanh, theo chi nhánh, khu vực địa lý, theo sản phẩm, theo khách hàng… Đây là những công cụ cần thiết nhằm giúp ban lãnh đạo ngân hàng có thông tin để điều chỉnh công tác điều hành hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn, tập trung nguồn lực vào những lĩnh vực mang lại nhiều lợi ích cho TCTD. Thực tế, việc sắp xếp, tái cấu trúc hoạt động nội bộ giúp bộ máy hoạt động của TCTD linh hoạt và hiệu quả hơn rất nhiều, điều này đặc biệt có ý nghĩa do TCTD là một trong những tổ chức sử dụng nhiều lao động. Thống kê cho thấy, số lượng nhân viên trung bình tại một TCTD thuộc nhóm G12 vào khoảng trên 10.000 người. Do đó, việc quản lý, đo lường hiệu quả và đóng góp của nhân viên nhằm có cơ chế khen thưởng cạnh tranh là một vấn đề rất phức tạp.

Quản lý chặt rủi ro tín dụng và xử lý nợ xấu

Cho đến nay, rủi ro tín dụng vẫn là rủi ro lớn nhất của các TCTD Việt Nam do phần lớn cơ cấu tài sản của TCTD là tập trung vào cho vay. Ưu tiên hàng đầu của các TCTD hiện nay là quản lý chặt chẽ hơn rủi ro tín dụng nhằm giảm chi phí dự phòng rủi ro. Ngoài ra, việc biến các tài sản xấu, các khoản nợ xấu trước đây đã được xử lý bằng nguồn dự phòng là một cơ hội để các TCTD phần nào thu hồi lại nguồn lực của mình. Số lượng khổng lồ các khoản nợ đã được xử lý trong năm 2012 của các TCTD cũng là một nguồn thu tiềm ẩn rất tốt nếu như các TCTD có kế hoạch khai thác một cách khôn ngoan và có chiến lược.

Trên đây là một số tóm tắt về tình hình tự tái cơ cấu của các TCTD, quá trình tự tái cơ cấu này phát sinh từ như cầu nội tại của từng TCTD và rất cần được sự hỗ trợ, động viên kịp thời từ các cơ quan quản lý nhà nước bằng những biện pháp khuyến khích cụ thể. Việc các TCTD tự tái cơ cấu thành công sẽ giúp tự tái cơ cấu thành công toàn bộ hệ thống ngân hàng Việt Nam .