Không có gì ngạc nhiên khi thị trường đang lùng sục những bình luận từ hàng chục năm trước của ông Kazuo Ueda, người được đề cử giữ chức Thống đốc BOJ. Là một học giả tương đối xa lạ đối với những người bên ngoài Nhật Bản và từng phục vụ trong Hội đồng quản trị của BOJ từ năm 1998 đến năm 2005, việc đề cử ông Ueda đã thúc đẩy nhiều người gấp rút tìm hiểu tính cách và quan điểm về chính sách tiền tệ của ông.
Câu hỏi mà giới phân tích đặt ra là tại sao chính quyền Thủ tướng Fumio Kishida lại đề cử một người gần như "ngoại đạo" lãnh đạo BOJ, phá vỡ truyền thống lâu đời về việc luân phiên bổ nhiệm giữa các vị trí từ Bộ Tài chính và từ trong hàng ngũ của chính ngân hàng trung ương?
Có lẽ lý do là những người khác không muốn đảm nhận, hoặc có lẽ ông Ueda đã đưa ra một cơ hội phá vỡ chính sách tiền tệ tương đối rõ ràng. Nếu di sản của chính sách Abenomics (chính sách nhằm ba mục tiêu là nới lỏng định lượng, kích thích tài khóa, cải cách cơ cấu) vẫn còn tồn tại ở Nhật Bản, thì việc dỡ bỏ một loạt chính sách chắp vá ngày càng phức tạp sẽ cần đến một người, ít nhất không phải là kiến trúc sư của chính sách tiền tệ đó.
Chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo của BOJ hiện đang đi trên một con đường đã được xác định trước và hướng tới một lối thoát. Đối mặt với tốc độ tăng trưởng tiền lương quốc gia cao trong một thập kỷ, áp lực giá ngày càng lớn và thị trường trái phiếu rối loạn chức năng bị đẩy nhanh, chính sách kiểm soát đường cong lợi suất đang ở giai đoạn cuối cùng.
Ngoài thông báo bất ngờ về việc ông Ueda sẽ trở thành Thống đốc kế tiếp, sự thay đổi mạnh mẽ trong danh mục đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản cũng sẽ tác động lớn tới dòng tiền trên toàn cầu.
Nhà đầu tư Nhật Bản đang có xu hướng bán ròng trái phiếu nước ngoài kỳ hạn dài |
Nhật Bản đã bán trái phiếu ở nước ngoài với tốc độ kỷ lục vào năm ngoái, trong đó các ngân hàng lớn của Tokyo và các tập đoàn bảo hiểm đã bán gần 25.000 tỷ yên (186 tỷ USD). Nhật Bản cũng là quốc gia bán ròng trên thị trường trái phiếu toàn cầu trong 10 tháng vào năm 2022.
Tốc độ bán trái phiếu nhanh chóng với quy mô lớn của các nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục diễn ra cho đến cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Dữ liệu được công bố trong tháng 2/2022 cho thấy các nhà đầu tư Nhật Bản đã bán ròng khoảng 70% thị trường trái phiếu lớn trên toàn cầu trong tháng 12/2022, với dòng vốn chảy ra lớn nhất đến từ Mỹ, châu Âu và Úc.
Điều gì giải thích cho động thái bán trái phiếu nước ngoài của Nhật Bản?
Nguyên nhân nhà đầu tư Nhật Bản bán ròng mạnh trái phiếu nước ngoài là do kỳ vọng về lợi suất nước ngoài vẫn cao hơn (giá trái phiếu thấp hơn) và việc bán tháo mạnh đồng yên vào năm 2022 đã đóng góp một phần nào đó.
Các nhà đầu tư Nhật Bản thường bán trái phiếu nước ngoài khi đồng yên giảm giá, khi chi phí phòng ngừa rủi ro ngoại tệ tăng lên, hoặc khi lợi suất toàn cầu có xu hướng tăng. Do đó, điều đã thay đổi là tốc độ bán trái phiếu của người Nhật.
Đó là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư trong nước đang chú ý rút lui khỏi việc kiểm soát đường cong lợi suất. Bằng cách thanh lý các trái phiếu nước ngoài đang nắm giữ, họ đang giữ tiền của mình để chuẩn bị cho lợi suất trong nước hấp dẫn hơn. Vì vậy, nếu ông Ueda trong vai trò Thống đốc mới giảm dần và có thể dẫn tới chấm dứt chính sách tiền tệ lỏng lẻo, thì việc định hướng lại mạnh mẽ phân bổ đầu tư của Nhật Bản vào năm ngoái có thể tiếp tục.
Sự thay đổi dòng vốn như vậy sẽ có ý nghĩa quan trọng trong dài hạn đối với tính thanh khoản của thị trường toàn cầu. Điều quan trọng nhất trong số này là sự luân chuyển bền vững trong phân bổ của các nhà đầu tư Nhật Bản từ trái phiếu nước ngoài trở lại trái phiếu trong nước, vì trái phiếu của Nhật Bản mang lại lợi tức cao hơn và do đó hấp dẫn hơn.
Lãi suất trái phiếu chính phủ của Nhật Bản cần tăng bao nhiêu để đảm bảo tốc độ bán tháo dữ dội của nước này trên thị trường trái phiếu toàn cầu?
Các ước tính của Financial Times cho thấy, khối lượng bán trái phiếu hiện tại sẽ phù hợp với lợi suất trong nước trên 1%, tức hơn gấp đôi lãi suất được BOJ cho phép hiện tại.
Nếu dưới sự lãnh đạo của ông Ueda, BOJ tăng mức lợi suất chuẩn lên 1% thay vì mức 0,5% hiện tại, thì việc rút tiền của nhà đầu tư Nhật Bản khỏi các thị trường nước ngoài có thể tăng tốc. Sự tái định hướng bền vững trong phân bổ danh mục đầu tư của Nhật Bản sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với những thị trường mà Nhật Bản tiếp xúc hoặc phân bổ nhiều nhất. Đặc biệt là thị trường trái phiếu Kho bạc Mỹ, vì Nhật Bản là chủ sở hữu nước ngoài lớn nhất.
Financial Times không bác bỏ quan điểm cho rằng tác động lan tỏa từ bất kỳ lối thoát hỗn độn nào khỏi chính sách kiểm soát đường cong lợi suất có thể được phản ánh rõ ràng nhất trong lợi tức cao hơn của Mỹ. Tuy nhiên, sự rút lui dài hạn hơn của dòng vốn Nhật Bản có thể gây áp lực lên các thị trường trái phiếu nhỏ hơn khác.
Các nhà đầu tư Nhật Bản nắm giữ thị phần trái phiếu ở mức cao từ một đến hai chữ số ở Úc, New Zealand và một số khu vực Tây Âu. Một sự thay đổi trong chính sách dưới thời ông Ueda sẽ không chỉ quan trọng đối với Nhật Bản, mà còn đối với các thị trường trái phiếu toàn cầu.