Hạt giống tốt cần môi trường thuận lợi để nảy mầm
Mặc dù có vai trò và đóng góp quan trọng, nhưng quy mô và năng lực cạnh tranh của đại bộ phận doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn rất nhỏ và yếu.
Chiếm khoảng 98% trong số hơn 700.000 ngàn doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động ở Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, chưa kể hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể.
Các điều tra khảo sát của Tổng cục Thống kê (GSO) cho thấy, các tỷ suất sinh lợi (ROA, ROE, ROS) của khu vực kinh tế tư nhân khá thấp so với các khu vực khác. Tỷ suất sinh lợi thấp ảnh hưởng đến khả năng tự tích lũy vốn và mở rộng quy mô.
Trong khi đó, hệ số nợ trung bình thấp hơn nhiều so với khu vực kinh tế nhà nước cũng cho thấy khả năng tiếp cận vốn của khu vực này gặp không ít bất lợi. Do năng lực vốn mỏng nên tiềm lực để đầu tư công nghệ hiện đại là rất hạn chế. Điều này vô hình trung khiến một bộ phận rất lớn các doanh nghiệp tư nhân không có “vé” để lên “chuyến tàu” cách mạng công nghiệp 4.0.
Trước áp lực cạnh tranh ngày càng lớn do cam kết mở cửa và hội nhập, các biện pháp bảo hộ dần gỡ bỏ, nhưng chính sách hỗ trợ của Chính phủ lại không được lấp đầy tương ứng, nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cảm thấy bị bỏ rơi hoặc lẻ loi trong cuộc cạnh tranh không chỉ với doanh nghiệp trong nước, mà còn với doanh nghiệp nước ngoài.
Song, tín hiệu tích cực là đang nổi lên không ít doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn và ngày càng có tầm ảnh hưởng quan trọng đến phát triển kinh tế và định hình các cải cách và chính sách ở Việt Nam.
Mặc dù kinh tế tư nhân đã có nhiều đại diện hơn trên bản đồ kinh tế Việt Nam so với những thập niên trước đây, song nếu so với hai thành phần kinh tế còn lại thì vẫn còn khiêm tốn.
Vietnam Report cuối năm 2018 đã công bố Bảng Xếp hạng Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VNR500), trong đó có nhiều cái tên quen thuộc, như Vingroup, Thế giới Di động, Vinamilk, Doji, Trường Hải, Hòa Phát, FPT, Vietjet, VP Bank, Masan, Novaland, Pomina, Việt Tiến…
Tuy nhiên, nếu mở rộng bảng xếp hạng theo hướng không phân biệt sở hữu, hầu như chỉ nhìn thấy doanh nghiệp nhà nước hoặc/và doanh nghiệp nước ngoài.
Chẳng hạn, theo VNR500, có đến 7 doanh nghiệp nhà nước hoặc nhà nước có cổ phần chi phối trong Top 10 VNR500, 2 doanh nghiệp FDI gồm Samsung (xếp thứ 1) và Honda, trong khi chỉ có duy nhất một doanh nghiệp tư nhân đứng ở vị trí thứ 5 là Vingroup. Nếu mở rộng lên Top 50 hay Top 100, có thêm một số doanh nghiệp tư nhân trong nước, nhưng chủ yếu vẫn là doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp nước ngoài.
Như vậy, mặc dù kinh tế tư nhân đã có nhiều đại diện hơn trên bản đồ kinh tế Việt Nam so với những thập niên trước đây, song nếu so với hai thành phần kinh tế còn lại thì vẫn còn khiêm tốn.
Tài năng, thức thời hay thân hữu?
Sự nổi lên của một số doanh nghiệp tư nhân lớn ở Việt Nam, nhìn trên phương diện nào đó, cho thấy môi trường kinh tế Việt Nam hoàn toàn có thể ươm mầm, nuôi dưỡng hoặc lai tạo nên doanh nghiệp lớn.
Nhưng, sự tăng trưởng này cho thấy nhiều vấn đề, xét cả ở góc nhìn lạc quan lẫn bi quan.
Để có thể đạt quy mô tài sản hoặc vốn lớn, doanh nghiệp này phải đạt tốc độ tăng trưởng rất cao và có sự tích lũy tư bản rất nhanh chóng. Theo VNR500, tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam trong giai đoạn 2014 – 2017 lên đến 21,8% mỗi năm, thậm chí có những doanh nghiệp đạt trên 50% hoặc cao hơn. Những ngành có đóng góp lớn nhất về doanh thu trong năm 2018 trong khối doanh nghiệp tư nhân là tài chính (chiếm 15,1%); thực phẩm, đồ uống, thuốc lá (14,3%); xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản(13,9%); thép (11,7%); viễn thông, tin học, công nghệ thông tin (9,2%). Các ngành này chiếm đến 64,2% tổng doanh thu và 75,5% lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp tư nhân trong Top 500. Các hình thức mua bán và sáp nhập cũng như vay nợ nhiều đã giúp doanh nghiệp nhanh chóng gia tăng quy mô tài sản và chiếm lĩnh nhiều thị phần quan trọng.
Câu hỏi đặt ra là, sự tăng trưởng và mở rộng của nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn là do tài năng, thức thời hay thân hữu?
Chúng ta dễ dàng nhận thấy có khá nhiều doanh nghiệp trở nên lớn mạnh hơn nhờ vào tài năng của những nhà sáng lập và nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Họ là những người xuất sắc, có kiến thức và hiểu biết tốt không chỉ về chuyên môn, về cách thức làm ăn kinh doanh, mà còn có nền tảng về kinh tế, văn hóa và xã hội.
Nhiều người trong số họ là người thức thời, biết nắm bắt thời cơ mang lại do tiến trình cải cách kinh tế và mở cửa hội nhập của Việt Nam, hoặc nắm bắt được các quy luật của cuộc sống và nhu cầu xã hội, hoặc biết tận dụng được các xu hướng và thành tựu về công nghệ và kỹ thuật của thế giới vào thực tiễn ở Việt Nam.
Những doanh nghiệp trong khối này hoạt động rất chuyên nghiệp và chuẩn mực; tuân thủ tốt pháp luật, các tiêu chuẩn môi trường, văn hóa – xã hội; quan tâm đến quyền lợi của người lao động, biết làm hài lòng khách hàng, bảo vệ lợi ích của người dân và xã hội. Sản phẩm của họ luôn dành được sự tin tưởng và ủng hộ của khách hàng. Nhờ đó, doanh nghiệp luôn duy trì và mở rộng được thị phần, ngày càng khẳng định uy tín và vị thế của doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Ngược lại, cũng có những doanh nghiệp bỗng nhiên lớn nhanh như… Phù Đổng, mà không thấy có tài năng hay sản phẩm gì nổi bật.
Người xưa có câu: “Kẻ thức thời là trang tuấn kiệt”, tức kẻ biết thời thế là người tài giỏi. Tuy nhiên, không hẳn người nào giỏi cũng là kẻ thức thời. Ngược lại, cũng có những người không hề tài giỏi, nhưng lại rất thức thời, hoặc có thể những người này tài giỏi theo một cách định nghĩa khác.
Một số doanh nghiệp đã tận dụng quan hệ với chính quyền để có được cơ hội kinh doanh hoặc đặc quyền kinh tế, ví dụ như đất đai, tài nguyên, nguồn vốn và nhiều cơ chế ưu đãi khác mà những doanh nghiệp bình thường không thể có được hoặc rất khó tiếp cận, nhờ đó họ ngày càng trở nên lớn mạnh. Người ta gọi đây là các doanh nghiệp thân hữu, một kiểu biểu hiện của chủ nghĩa tư bản thân hữu. Điều nguy hiểm là doanh nghiệp này đã tận dụng “lợi thế so sánh” của mình để giành chiến thắng, mà không cần cạnh tranh, hoặc cạnh tranh không công bằng, thôn tính doanh nghiệp khác, làm vẩn đục môi trường kinh doanh, suy yếu sức cạnh tranh của nền kinh tế và thậm chí tha hóa cả hệ thống chính trị.
Con đường để biến các doanh nghiệp trở nên thân hữu rất đa dạng.
Các lý thuyết kinh tế chính trị học có nhiều cách giải thích cho sự hình thành của chủ nghĩa tư bản thân hữu. Một trong số đó là khi tài sản của doanh nghiệp tăng lên đến một mức độ nhất định, các nhà tư sản cần một thể chế để bảo vệ cho số tài sản của họ. Họ có thể tự trang bị lực lượng để bảo vệ cho tài sản của mình, song con đường phổ quát là tìm đến chính quyền, kết thân với giới chính trị để giúp họ bảo vệ số tài sản đó.
Không dừng ở việc bảo vệ tài sản, nhờ mối quan hệ “win-win”, các nhà chính trị sẽ ưu ái cho doanh nghiệp thân hữu cơ hội kinh doanh và đặc quyền để đổi lấy lá phiếu hoặc lợi ích vật chất.
Ở phía ngược lại, doanh nghiệp tìm cách tận dụng tối đa mối quan hệ này để bòn rút nguồn lực quốc gia, như đất đai, tài nguyên và các nguồn lực khác. Đồng thời chi phối quy hoạch và chính sách của Chính phủ, làm biến dạng môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo ra tình trạng cạnh tranh không bình đẳng, kém lành mạnh ngay chính trong khu vực kinh tế tư nhân, chứ không chỉ với kinh tế nhà nước.
Ở Việt Nam, ngoài doanh nghiệp tư nhân thuần túy thân hữu, còn các doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa, nhưng vẫn tiếp tục duy trì các mối liên hệ cộng sinh với khu vực nhà nước như trước khi cổ phần hóa.
Ngoài ra, không giống như sự tăng trưởng của các doanh nghiệp thân hữu, có những doanh nghiệp hoạt động không chuẩn mực, kinh doanh kiểu chộp giật, sản xuất hoặc bán hàng kém chất lượng, hàng gian, hàng giả, trốn thuế, cạnh tranh không lành mạnh, dùng các tiểu xảo và thủ đoạn để được lợi, vi phạm pháp luật, phá vỡ các tiêu chuẩn về môi trường, bất chấp các giá trị xã hội và văn hóa… Những doanh nghiệp này tạm thời có thể khấm khá hơn, nhưng thông thường, chúng sẽ bị suy yếu và lụi tàn nếu không được tái cấu trúc theo chuẩn mực kinh doanh chuẩn tắc. Đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tạo ra vết xe đổ này.
Chúng ta tự hào vì ngày nay có lớp doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh và trưởng thành hơn, nhưng chúng ta cũng cảm thấy thất vọng và xấu hổ khi chứng kiến không ít doanh nghiệp tư nhân Việt Nam kinh doanh không hề có chuẩn mực.
Chúng ta có niềm tin, đây chỉ là thiểu số, bởi xung quanh có nhiều doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân đáng tự hào. Đó là những doanh nhân có bản lĩnh, năng lực và kỹ năng quản trị; có tinh thần tự lực, tự cường, chấp hành pháp luật, quan tâm đến người lao động, có trách nhiệm với xã hội, có văn hóa và đạo đức kinh doanh; có lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, gắn bó bền vững với lợi ích của đất nước.
Đã đến lúc cần thảo luận các chính sách và giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực kinh tế quan trọng của đất nước. Xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử, thiên vị giữa khu vực kinh tế nhà nước với kinh tế tư nhân và giữa kinh tế nước ngoài với kinh tế tư nhân trong nước là một đòi hòi bức thiết.
Chúng ta cần thẳng thắn nhìn vào thực trạng phân hóa trong chính khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là vấn đề tư bản thân hữu, để có những giải pháp làm sao để loại bỏ doanh nghiệp kinh doanh không chân chính, đi lên bằng lợi dụng các kẽ hở của luật pháp, dựa vào thân hữu; tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, thực hành các chuẩn mực văn hóa kinh doanh tiến bộ.
Như vậy, Việt Nam mới có được một khu vực kinh tế tư nhân lớn mạnh, đầy tự hào, xứng đáng với vai trò động lực và rường cột của kinh tế nước nhà.