Ông Sanjay Kalra

Ông Sanjay Kalra

Sự ổn định kinh tế vĩ mô phải được duy trì

(ĐTCK) Đó là quan điểm của ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam trong cuộc trao đổi với ĐTCK về kinh tế Việt Nam năm 2014.  

Tiến độ cải cách nền kinh tế được nhiều ý kiến cho là chậm. Quan điểm của ông?

Tốc độ cải cách cơ cấu còn chậm, khu vực tài chính và khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn là nguồn gốc của sự dễ bị tổn thương.

Trong khu vực ngân hàng, những hạn chế về dữ liệu và thách thức trong khuôn khổ thanh tra và quy chế ngăn trở sự hiểu đúng về hiện trạng thực sự của nợ xấu và mức đủ vốn trong hệ thống tài chính. Trong bối cảnh này, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã đi vào hoạt động đầu tháng 10 và từ đó đã tiến hành hoán đổi nợ xấu của các ngân hàng với trái phiếu của VAMC.

NHNN đã tiến hành thêm các bước đi nhằm củng cố khu vực ngân hàng thông qua việc sáp nhập một số ngân hàng yếu. Tuy nhiên, vẫn còn những yếu kém cần phải được giải quyết.

Những yếu kém này liên quan đến chất lượng tài sản, nợ xấu, trích lập dự phòng và tái cấp vốn cho các ngân hàng. Cần phải xử lý những vấn đề này ở tất cả các ngân hàng, lớn và nhỏ, nhà nước hay cổ phần. Để khôi phục sức khỏe của hệ thống ngân hàng, IMF khuyến khích thực hiện những bước theo khuyến nghị của Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP).

Những khuyến nghị này bao gồm các biện pháp cấp vốn bổ sung các ngân hàng, tăng cường thanh tra và quản lý ngân hàng và thực hiện kế hoạch giải quyết nợ xấu. Tăng cường phân tích rủi ro tín dụng và tăng cường quản trị bằng cách tăng tính minh bạch nhiều hơn cũng nên là một ưu tiên.

VAMC không nên trở thành phương tiện hỗ trợ thanh khoản kéo dài cho các ngân hàng mất khả năng thanh toán vì việc đó sẽ làm yếu đi động cơ tái cơ cấu và trì hoãn việc cấp vốn bổ sung cần thiết trong khu vực ngân hàng.

Đối với các DNNN và các tập đoàn kinh tế (TĐKT), việc công khai tình hình tài chính thực của họ, bao gồm báo cáo thu nhập và bảng cân đối được kiểm toán cũng như các khoản vay từ hệ thống ngân hàng là một điểm khởi đầu quan trọng cho cải cách, bởi lẽ, các doanh nghiệp này sử dụng công quỹ cho các hoạt động của họ. Sau đó, thực hiện các bước để cải thiện hoạt động và cơ cấu quản trị. Kế hoạch tái cơ cấu đã được một số TĐKT/DNNN xây dựng, tuy nhiên, các kế hoạch này không được công bố.

Các kế hoạch này phải được xây dựng cho tất cả các TĐKT/DNNN. Các kế hoạch đó nên được xem xét kỹ một cách công khai về khả năng khả thi về mặt tài chính và về tính hiệu quả, và nên được thực hiện trong một khoảng thời gian giới hạn.

 

Theo ông, đâu là những rủi ro chính của kinh tế Việt Nam trong năm 2014?

Rủi ro đối với triển vọng kinh tế đến từ các yếu tố cả trong và ngoài nước. Triển vọng tăng trưởng toàn cầu vẫn còn ảm đạm như báo cáo của IMF về Triển vọng kinh tế thế giới công bố hồi tháng 10 đã nhận định. Điều này có thể ảnh hưởng tới Việt Nam khi sự bất ổn nhiều hơn hay những biến động mới đối với các điều kiện tài chính toàn cầu có thể dẫn tới việc dòng vốn chảy ra ngoài và làm suy yếu dự trữ. Việt Nam có ít dư địa chính sách để đối phó với những cú sốc bên ngoài này và cần nỗ lực tái thiết các nguồn dự phòng trong và ngoài nước.

 

Ông có khuyến nghị gì với Chính phủ Việt Nam để quản lý kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng trong năm 2014?

Sự ổn định kinh tế vĩ mô phải được duy trì. Duy trì lạm phát thấp là nền móng của nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô này. Điều quan trọng là NHNN theo dõi chặt chẽ các áp lực lạm phát vì lạm phát cơ bản cao cho thấy kỳ vọng lạm phát vẫn còn. Những lợi ích thu được từ việc giảm thêm lãi suất chính sách có lẽ sẽ có hạn khi những yếu kém của khu vực ngân hàng vẫn còn đó và có thể làm hỏng những thành quả đã khó mới giành được và làm giảm niềm tin vào quyết tâm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Mức dự trữ ngoại hối đã tăng, nhưng vẫn còn thấp hơn mức đủ để đối phó với những cú sốc lớn từ bên ngoài. Nỗ lực ổn định cần có sự hỗ trợ của chính sách tài khóa và việc tái lập củng cố tài khóa. Về thu ngân sách, cần thận trọng kiềm chế giảm thuế thêm nữa, nên yêu cầu các DNNN đang làm ăn có lãi trả cổ tức và tăng cường công tác quản lý thuế trong khi mở rộng cơ sở thu. Chi cho an sinh xã hội cần được duy trì trong khi chi đầu tư công nên được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên và nên giảm xuống mức bền vững. Ngân sách phải có dư địa để trả nợ dự phòng liên quan tới các cải cách cơ cấu.

Cải cách cơ cấu phải được tăng tốc mạnh mẽ. Trì hoãn cải cách có thể sẽ làm xói mòn niềm tin, khả năng làm tăng nợ dự phòng có thể sẽ nhiều hơn, kéo dài thời gian đình trệ năng suất trong vài năm gần đây, kìm giữ tăng trưởng ở mức không đủ tạo việc làm cho một lực lượng lao động đang tăng nhanh chóng và không đủ để nâng cao mức sống.

Thiết kế và thực hiện thành công một gói chính sách toàn diện nhằm bảo đảm sự ổn định kinh tế vĩ mô trong khi tiến hành cơ cấu lại các ngân hàng và các DNNN/TĐKT sẽ có tác động rất rõ rệt. Việt Nam là một đất nước được thừa hưởng rất nhiều lợi thế, gồm cả dân số trẻ và cần mẫn. Nếu sử dụng những nguồn lực này tốt sẽ giúp Việt Nam đạt được tăng trưởng cao và đạt được thêm nhiều thành tựu mà Việt Nam đã làm được trong việc giảm nghèo và đạt được các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trong mười năm qua.

>>IMF cập nhật tình hình kinh tế - tài chính Việt Nam

>>Bức tranh kinh tế vĩ mô 9 tháng đầu năm

>>Kinh tế vĩ mô: Nhiều lo toan trong các báo cáo