Sứ mệnh của Sở GDCK TP. HCM (HOSE) kể từ khi thành lập năm 2000 đến nay là: xây dựng HOSE thành một tổ chức hoạt động theo chuẩn mực quốc tế, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường, góp phần phát triển TP. HCM trở thành trung tâm tài chính của quốc gia và khu vực; tổ chức và giám sát hoạt động giao dịch chứng khoán trên Sở nhằm đảm bảo thị trường hoạt động công khai, công bằng, minh bạch và hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; đưa TTCK trở thành một kênh huy động vốn chủ đạo và hiệu quả cho nền kinh tế, đóng góp vào sự phát triển bền vững của thị trường vốn Việt Nam và tăng trưởng thịnh vượng của nền kinh tế.
Thực hiện các sứ mệnh đã đề ra, HOSE không ngừng đổi mới và hoàn thiện, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, đề xuất các giải pháp kỹ thuật, hiện đại hóa cơ sở vật chất, đồng thời triển khai nghiên cứu nhiều đề án sản phẩm, dịch vụ mới.
Theo đó, số lượng công ty niêm yết trên Sở liên tục tăng, từ 2 công ty năm 2000 tăng lên 106 công ty vào năm 2006 và 196 công ty vào năm 2009, hiện nay là 301 công ty (27/11/2015).
Về hàng hóa, từ chỗ chỉ có cổ phiếu, trái phiếu chính phủ, trái phiếu công ty được đưa vào giao dịch thì năm 2003 có thêm trái phiếu đô thị, năm 2004 có thêm chứng chỉ quỹ đóng và năm 2004 có thêm chứng chỉ quỹ ETF.
Về giải pháp kỹ thuật, hệ thống giao dịch ban đầu được thực hiện 3 ngày/tuần, sau đó tăng lên 5 ngày/tuần từ năm 2002. Bên cạnh đó, hệ thống thực hiện khớp lệnh định kỳ 1 lần/ngày thời kỳ đầu, tăng lên 2 lần/ngày vào năm 2003, tăng lên 3 lần/ngày vào năm 2006 và từ năm 2007 có thêm phương thức khớp lệnh liên tục. Thời gian giao dịch được kéo dài sang buổi chiều kể từ năm 2012.
Đáng chú ý, khởi đầu với nhập lệnh thủ công tại sàn giao dịch, từ năm 2009, HOSE triển khai giao dịch trực tuyến và bỏ sàn giao dịch. Lệnh giao dịch từ loại lệnh cơ bản là lệnh giới hạn đã được bổ sung lệnh ATO, ATC vào năm 2003 và từ năm 2012 bổ sung lệnh thị trường. Biên độ dao động giá trong phiên được điều chỉnh tăng dần từ 2% (năm 2000) lên 5% (năm 2008) và 7% (năm 2013).
Về dịch vụ, bên cạnh việc tổ chức giao dịch chứng khoán niêm yết, từ năm 2005, HOSE bắt đầu triển khai đấu giá cổ phần các DNNN thực hiện cổ phần hóa.
Đáp ứng nhu cầu về các chỉ số chứng khoán phản ánh tốt hơn biến động của toàn thị trường, của từng phân khúc vốn hóa khác nhau và có thể đầu tư được của nhà đầu tư, từ đó phát triển các sản phẩm đầu tư dựa trên chỉ số, thì ngoài VN-Index, HOSE triển khai tính toán chỉ số theo phương pháp điều chỉnh cổ phiếu tự do chuyển nhượng VN30 (năm 2012), VNMidcap, VNSmallCap, VNAllshare và VN100 (năm 2014).
Nhằm giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về cơ cấu ngành nghề của các công ty niêm yết, năm 2009, HOSE thực hiện phân ngành các công ty niêm yết theo chuẩn VSIC2004 và hiện đang trong quá trình chuyển sang áp dụng chuẩn phân ngành quốc tế GICS.
Liên quan đến cung cấp các dịch vụ thông tin cho thị trường, HOSE cung cấp dữ liệu realtime qua đường truyền Internet (năm 2009), cung cấp dịch vụ hỗ trợ các CTCK thành viên thử nghiệm hệ thống giao dịch mới (2009), chuyển thông tin qua FTP site (năm 2010), sử dụng dịch vụ lưu trữ trực tuyến Dropbox để cung cấp thông tin cho khách hàng (năm 2012), sử dụng phương thức truyền dữ liệu tick-by-tick cho các tổ chức cung cấp tin quốc tế (vendor) và cung cấp dịch vụ tính iNAV, iIndex cho các công ty quản lý quỹ (năm 2014).
Về cơ sở vật chất, HOSE tiến hành cải tạo, nâng cấp tòa nhà văn phòng làm việc tại 45 - 47 Bến Chương Dương để làm sàn giao dịch chứng khoán và văn phòng làm việc từ năm 2005, diện tích sử dụng trên 6.000 m2; xây dựng tòa nhà văn phòng làm việc Exchange Tower năm 2014, diện tích xây dựng trên 26.000 m2, đạt tiêu chuẩn Data Center TIA-942 ở mức TIER 3; xây dựng Trung tâm dữ liệu dự phòng năm 2015, tổng diện tích sàn xây dựng hơn 16.000 m2, đạt tiêu chuẩn Data Center chuẩn TIA 942 mức TIER 3; ký kết hợp đồng với nhà thầu KRX để thực hiện Dự án “Thiết kế, giải pháp, cung cấp lắp đặt, chuyển giao hệ thống công nghệ thông tin” cho TTCK Việt Nam.