Ngân hàng và công ty FinTech vẫn chưa hiểu nhau
Tại hội thảo công bố “Khảo sát toàn cảnh về FinTech khu vực ASEAN 2018 - FinTech Việt Nam đang ở đâu?” tổ chức sáng nay 12/4, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc, Lãnh đạo Bộ phận Dịch vụ Tài chính và Tư vấn Công nghệ của EY Việt Nam, Phó chủ tịch Câu lạc bộ VietFinTech chia sẻ câu chuyện thú vị của Chương trình Fintech Challenge Vietnam - FCV do Ngân hàng Nhà nước tổ chức với sự trợ hỗ của Chương trình Sáng kiến Kinh doanh Mê Kông (Mekong Business Initiative MBI).
Theo đó, 7 ngân hàng thương mại Việt Nam tham gia cùng 141 công ty FinTech nước ngoài đến từ Mỹ, Canada, Ấn Độ, Kenya… và 30 công ty FinTech Việt Nam tham gia.
Sau khi lựa chọn 16 công ty FinTech vào vòng gặp gỡ các ngân hàng thương mại, có ngân hàng không được công ty FinTech nào lựa chọn, bởi họ nghĩ rằng, đến sang năm cũng không ra được cái gì, trong khi những công ty FinTech lại được 5 ngân hàng chọn vì cho rằng giải pháp quá hay.
Các diễn giả trao đổi tại hội thảo.
Ông Jan Bellens, Phó chủ tịch Toàn cầu Dịch vụ Ngân hàng và Thị trường Vốn EY cho biết, việc các công ty FinTech không mặn mà cũng là điều dễ hiểu. Chẳng hạn, lãnh đạo khối công nghệ thấy một chương trình rất hay và muốn triển khai, nhưng không thể thực hiện được, bởi phải qua nhiều khâu trong ngân hàng như kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro, pháp chế…
“Đối với các công ty FinTech, họ đang rất hào hứng và câu chuyện không thể đợi 6 tháng hay 1 tháng, mà phải làm ngay, bởi môi trường của các công ty FinTech là như vậy”, ông Jan Bellens nói.
Một câu chuyện nữa được bà Dương chia sẻ, là khi các ngân hàng đề nghị công ty FinTech trình bày ý tưởng xem công nghệ các công ty này có là gì, thì nhận được sự từ chối, bởi công ty FinTech thường chỉ có 1 “viên đạn”, khi đã “bắn” ra là hết nghĩa.
bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc, Lãnh đạo Bộ phận Dịch vụ Tài chính và Tư vấn Công nghệ của EY Việt Nam, Phó chủ tịch Câu lạc bộ VietFinTech trao đổi với báo chí bên lề hội thảo.
“Cần có sự hiểu biết lẫn nhau giữa công ty FinTech và ngân hàng”, bà Dương nói.
Cũng theo bà Dương, chỉ có 20% start up trong lĩnh vực FinTech start up sống được, bán được và có lợi nhuận, vì thế có người đã nói: “Sứ mệnh của FinTech start up sinh ra là để chết”.
"Các start up FinTech đang hàng ngày 'viết giấc mơ này đến giấc mơ' khác. Không một công ty FinTech nào có thể giải quyết được các vấn đề của ngân hàng, nên các ngân hàng cần xem mình cần gì, rồi đã có ai làm chưa và rồi có gì khác biệt”, bà Dương nói.
86% sáng lập viên của startup FinTech là đàn ông và có bằng cấp
Ông Varun Mittal, Lãnh đạo khối FinTech khu vực ASEAN chia sẻ thông tin khá thú vị về kết quả khảo sát 300 công ty FinTech.
Cụ thể, tại các công ty này, 86% thành viên sáng lập là đàn ông; 62% có bằng thạc sỹ, nên không có khó khăn đối với FinTech start up khi thu hút nhân tài. Trong các công ty này, không có những học sinh bỏ học và họ có khá đầy đủ bằng cấp và đặc biệt hiểu biết về tài chính.
Ông Varun Mittal, Lãnh đạo khối FinTech khu vực ASEAN của EY trình bày tại hổi thảo.
Theo ông Varun Mittal, nhìn chung, các doanh nghiệp FinTech đều khá lạc quan về tình hình tăng trưởng trong tương lai của ngành.
Có tới 89% tin rằng khách hàng đã sẵn sàng chấp nhận các dịch vụ của họ, 61% dự kiến sẽ đạt được mức tăng trưởng doanh thu như mục tiêu trong vòng 12 tháng tới và có tới 87% đang có kế hoạch mở rộng thị trường trong vòng 12 tháng tới.
Ngoài các nước Đông Nam Á, những điểm đến ưa thích của các doanh nghiệp FinTech để đẩy mạnh phát triển và mở rộng thị trường lã Mỹ, Anh và Trung Quốc.
Đối mặt với nhiều thách thức
Theo EY, mặc dù có khát vọng tăng trưởng mạnh mẽ, các FinTech vẫn sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn về tài chính.
Với hầu hết các doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu phát triển, họ sẽ cần nhiều vốn hơn cho các giai đoạn tăng trưởng sau này và 60% doanh nghiệp được khảo sát mong đợi sẽ có 1 triệu USD cho vòng gọi vốn tiếp theo.
Tuy nhiên, 68% trong số doanh nghiệp được khảo sát có ít hơn một năm để lập kế hoạch và gây quỹ cho tăng trưởng. Trên thực tế, 45% trong số đó tự gây quỹ. Trong khi hầu hết (76%) trong số đó đồng ý rằng có đủ các kênh huy động vốn, 52% vẫn gặp khó khăn trong vấn đề tự huy động vốn.
Ông Brian Thung, Lãnh đạo phụ trách thị trường ASEAN của EY chia sẻ, cũng giống như hầu hết các công ty startup, các công ty FinTech có thể thấy mình bị giới hạn bởi các lựa chọn về huy động vốn.
Theo số liệu của tổ chức Tracxn, năm 2017, riêng vốn đầu tư vào lıĩnh vực FinTech toàn khu vực đã tăng vọt lên 45% so với năm ngoái, đạt mức 366 triệu USD.
Các nhà đầu tư mạo hiểm và các ngân hàng thường là sự lựa chọn đầu tiên cho việc kiếm quỹ, mặc dù hầu hết các nhà đầu tư mạo hiểm và các ngân hàng sẽ không chịu rủi ro tín dụng của các công ty có hồ sơ ít hơn ba năm.
Tuy nhiên, có rất nhiều chương trình Incubator (vườn ươm khởi nghiệp) và Accelerator (xúc tiến khởi nghiệp) và ngay cả các kênh của chính phủ cho các công ty của FinTech có thể tận dụng để xin tài trợ.
“Quan trọng hơn, họ nên tìm cách tiếp cận để mở rộng mạng lưới kinh doanh, tìm kiếm cơ hội từ các nhà đầu tư khác, ví dụ như từ nhà đầu tư mạo hiểm - những người có thể giúp họ nâng tầm doanh nghiệp và cũng là một trong những nguồn tài trợ”, ông Brian Thung nói.
Theo báo cáo, các ngân hàng trên toàn cầu có mong muốn mạnh mẽ để số hóa một cách hoàn thiện hơn. Mặc dù hiện tại chỉ có 19% ngân hàng cho rằng tổ chức của họ là đơn vị dẫn đầu và hoàn thiện về công nghệ, nhưng có đến 62% tự tin rằng họ sẽ đạt được điều này vào năm 2020.
Cũng theo ông Jan, 59% số ngân hàng được khảo sát dự đoán ngân sách đầu tư vào công nghệ sẽ tăng hơn 10% vào năm 2018.
Đối với các ngân hàng bắt đầu đầu tư hoặc tăng đầu tư vào công nghệ mới, 44% có kế hoạch mua công nghệ từ bên thứ ba, trong khi chỉ có 17% dự định mua lại một công ty khác để sử dụng công nghệ này.
70% các ngân hàng cho rằng lý do chính để đầu tư vào công nghệ vào năm 2020 là nhằm tăng cường vị trí cạnh tranh.
Tăng cường an ninh mạng và dữ liệu là ưu tiên số một cho các ngân hàng, với 73% ngân hàng dự định đầu tư vào công nghệ để giảm thiểu các hiểm họa về an ninh mạng, hỗ trợ tăng cường an ninh mạng và dữ liệu như là một ưu tiên kinh doanh.