Dữ liệu mới cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ bất ngờ tăng trong tháng 5 khi người tiêu dùng chi tiêu cho nhiều loại hàng hóa bao gồm cả xe ô tô. Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, doanh số bán lẻ tăng 0,3% trong tháng 5 sau khi tăng 0,4% trong tháng 4. Trong khi các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters đã dự báo con số sẽ giảm 0,1%.
Tính trên cơ sở hàng năm, doanh số bán lẻ tháng 5 tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù lạm phát và chi phí đi vay cao hơn đang khiến người tiêu dùng trở nên kén chọn hơn và nhạy cảm hơn với giá cả, nhưng chi tiêu vẫn ổn định nhờ tiền lương tăng mạnh.
Một dữ liệu khác cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp không thay đổi ở mức 262.0000 đơn được điều chỉnh theo mùa trong tuần kết thúc vào ngày 10/6, nhưng cao hơn dự đoán của các nhà kinh tế là 249.000 đơn. Điều này phản ánh sự suy yếu của thị trường lao động, một diễn biến có lợi cho cuộc chiến chống lạm phát của Fed.
Lợi suất trái phiếu kho bạc giảm sau các dữ liệu trên, giúp bù đắp những lo lắng về việc tăng lãi suất trong tương lai và thúc đẩy Apple và Microsoft đạt mức cao kỷ lục. Apple tăng 1,1%, trong khi Microsoft tăng 3,2%.
Mức tăng hôm thứ Năm ở trên diện rộng và bao gồm các lĩnh vực được coi là nhạy cảm với sự thay đổi về sức khỏe của nền kinh tế. Tất cả 11 chỉ số phụ thuộc S&P 500 đều tăng, dẫn đầu là chăm sóc sức khỏe tăng 1,55%, tiếp theo là dịch vụ truyền thông tăng 1,54%.
David Russell, phó chủ tịch Market Intelligence tại TradeStation, cho biết: “Có rất nhiều tiền dành cho những người lo sợ suy thoái kinh tế và khi những lo lắng qua đi, mọi người đang quay trở lại với cổ phiếu”.
Tính đến thời điểm hiện tại của năm 2023, S&P 500 đã tăng khoảng 15% và Nasdaq đã tăng khoảng 32%, được thúc đẩy bởi các dấu hiệu về khả năng phục hồi của nền kinh tế, mùa báo cáo kết quả kinh doanh tốt hơn mong đợi và đặt cược rằng lãi suất đang ở gần mức đỉnh.
Kết thúc phiên 15/6, chỉ số Dow Jones tăng 428,73 điểm (+1,26%), lên 34.408,06 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 53,25 điểm (+1,22%), lên 4.425,84 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 156,34 điểm (+1,15%), lên 13.782,82 điểm.
Chứng khoán châu Âu giảm, sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất như dự kiến và báo hiệu chính sách thắt chặt hơn trong cuộc chiến chống lạm phát dai dẳng.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,12% xuống 464,38 điểm, sau khi giảm tới 0,8% trong phiên.
Hôm nay, ECB đã quyết định tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,25% lên 3,5%, mức cao nhất trong 22 năm. Đây là lần tăng thứ tám liên tiếp tăng lãi suất của. Lạm phát ở khu vực đồng euro ở mức 6,1%, cao hơn ba lần so với mục tiêu 2% của ECB.
Stuart Cole, trưởng bộ phận kinh tế vĩ mô tại Equiti Capital, cho biết: “Điều này hoàn toàn được báo trước, vì Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã nói vài tuần trước rằng lãi suất cần phải được tăng thêm để đưa CPI trở lại mục tiêu”.
Phiên này, cổ phiếu các ngân hàng nhạy cảm với lãi suất giảm 0,8%, trong khi chỉ số lĩnh vực công nghệ giảm 0,6%.
Trong số các cổ phiếu riêng lẻ, H&M tăng 3,7% sau khi tập đoàn quần áo Thụy Điển cho biết tháng 6 đã khởi đầu tốt đẹp.
Nhà bán lẻ thời trang trực tuyến của Anh ASOS tăng 14,8% sau khi cho biết chiến lược mới của họ đang bắt đầu phát huy tác dụng khi có lãi trở lại.
Cổ phiếu của SoftwareOne đã tăng 18,7%, sau khi Bain Capital Private Equity đưa ra lời đề nghị M&A cho công ty quản lý phần mềm Thụy Sĩ, định giá ở mức 2,9 tỷ franc Thụy Sĩ (3,21 tỷ USD).
Kết thúc phiên 15/6: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 25,52 điểm (+0,34%), lên 7.628,26 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 20,67 điểm (-0,13%), xuống 16.290,12 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 37,62 điểm (-0,51%), xuống 7.290,91 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm, khi các nhà đầu tư chốt lời sau khi chỉ số tăng mạnh trong chuỗi bốn phiên.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,05% xuống 33.485,49 điểm. Chỉ số Topix giảm 0,02% xuống 2.293,97 điểm.
"Sức bán lớn hơn lực mua sau khi Nikkei 225 tăng mạnh trong bốn ngày qua. Các nhà đầu tư cũng đã không phản ứng với đồng yên yếu trong ngày hôm nay", Shuji Hosoi, chiến lược gia cấp cao tại Daiwa Securities, cho biết.
Đồng yên đã giảm xuống mức yếu nhất trong năm nay vào thứ Năm, khi đồng đô la Mỹ tăng giá do Fed báo hiệu tăng lãi suất vào cuối năm.
Các nhà sản xuất thuốc giảm, với mức giảm 5,91% của Eisai và trở thành cổ phiếu hoạt động kém nhất trên Nikkei 225. Nhìn chung, cổ phiếu thuốc giảm 1,8%, mất điểm nhiều nhất trong số 33 chỉ số phụ ngành của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo.
Trái lại, mức tăng của các cổ phiếu liên quan đến chip đã hỗ trợ Nikkei 225, với Advantest và Tokyo Electron lần lượt tăng 1,88% và 2,01%. Screen Holdings tăng 2,36%.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng chứng khoán Nhật Bản trong tuần thứ 11 liên tiếp trong tuần kết thúc vào ngày 10/6, khi họ mua 1,3 nghìn tỷ yên (9,22 tỷ USD) cổ phiếu, cao hơn gấp đôi so với 600 tỷ yên của tuần trước đó, theo dữ liệu từ Bộ Tài chính công bố hôm thứ Năm.
Chứng khoán Trung Quốc tăng, sau khi ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất các khoản vay trung hạn lần đầu tiên sau 10 tháng để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế đang lung lay.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,74% lên 3.252,98 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,59% lên 3.925,50 điểm.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết họ đã hạ lãi suất đối với khoản vay cơ sở cho vay trung hạn (MLF) trị giá 237 tỷ nhân dân tệ (33,1 tỷ USD) thời hạn một năm đối với một số tổ chức tài chính 10 điểm cơ bản xuống 2,65%, phù hợp với dự báo thị trường.
Các nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ diễn biến trên mặt trận địa chính trị. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến sẽ thăm Bắc Kinh vào tuần tới, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước leo thang.
"Trong thời gian tới, thị trường hy vọng sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ để kích cầu tiêu dùng. Một chất xúc tác tích cực khác cho chứng khoán Trung Quốc sẽ là tăng cường giao tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc", Jian Shi Cortesi, giám đốc đầu tư của các quỹ đầu tư cổ phiếu Trung Quốc tại GAM Investments cho biết.
Chứng khoán Hồng Kông tăng mạnh, sau khi dữ liệu mới tại Đại lục yếu kém làm tăng triển vọng nới lỏng hơn ở ngành bất động sản, cùng nhóm cổ phiếu công nghệ bật tăng.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 2,17% lên 19.828,92 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 2,98% lên 6.772,671 điểm.
Cổ phiếu các nhà phát triển đại lục tăng 3,5% khi dữ liệu cho thấy giá nhà mới của Trung Quốc tăng chậm hơn trong tháng 5, làm tăng kỳ vọng sẽ có thêm nhiều chính sách nới lỏng hơn cho ngành này.
Trong khi đó, cổ phiếu các gã khổng lồ công nghệ niêm yết tại Hồng Kông tăng 3,6%, với Meituan và Alibaba lần lượt tăng 7,8% và 4,5%.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, đảo ngược mức tăng ban đầu, do dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc và kết quả cuộc họp của Fed mà các nhà đầu tư thấy là diều hâu hơn dự báo.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 10,54 điểm, tương đương 0,40% xuống 2.608,54 điểm.
"Dự báo về hai lần tăng lãi suất nữa, mỗi lần tăng 0,25% của Fed trong năm nay là một cú sốc đối với thị trường", Seo Sang-young, nhà phân tích tại Mirae Asset Securities, cho biết.
Nền kinh tế Trung Quốc vấp ngã trong tháng 5 với sản lượng công nghiệp và tăng trưởng doanh số bán lẻ không đạt dự báo, thổi bùng kỳ vọng về chính sách kích thích.
Kết thúc phiên 15/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 16,93 điểm (-0,05%), xuống 33.485,49 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 23,99 điểm (+0,74%), lên 3.252,98 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 420,50 điểm (+2,17%), lên 19.828,92 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 10,54 điểm (-0,40%), xuống 2.608,54 điểm.
Giá dầu thô tăng do những số liệu liên quan đến hoạt động lọc dầu tăng vọt của Trung Quốc, sự giảm giá của đồng USD sau khi Fed tạm dừng tăng lãi suất, trong khi lãi suất vẫn tăng ở châu Âu.
Kết thúc phiên 15/6, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 2,35 USD/thùng (+3,4%), lên 70,62 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,47 USD/thùng (+3,4%), lên 75,67 USD/thùng.