Xóa nhòa ranh giới
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, kiến trúc sư, chuyên gia phong thủy Hoàng Trà, Viện phó Viện Lý học phương Đông cho biết, sau hàng nghìn năm, với sự giao thoa về văn hóa, kiến thức và sự học hỏi lẫn nhau giữa các dân tộc, quốc gia, thì tinh hoa của tri thức và văn hóa không còn ranh giới giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ. Sự hội tụ tinh hoa sẽ được ứng dụng cho mọi dân tộc trên thế giới.
Theo quy luật, sự tinh hoa trí tuệ không nằm trong ranh giới một quốc gia nào nhất định, mà luôn có sự chuyển dịch theo quy luật của vũ trụ và không nằm ngoài quy luật vô thường của nhà Phật, hay quy luật thịnh - suy, bĩ - thái. Dù là bất kể một thể chế nào cũng sẽ phát triển đến thời cực thịnh rồi suy và chuyển dịch.
Tương tự, các bộ môn Lý học phương Đông cũng tuân theo quy luật của trời đất, trong đó phong thủy cũng không nằm ngoài quy luật trên. Vì vậy, có thời kỳ Trung Quốc đại lục hội tụ đỉnh cao của phong thủy, nhưng sau này, tinh hoa của Lý học phương Đông được mang đến những vùng đất mới, điển hình là các vùng lãnh thổ Đài Loan, Hồng Kông. Rất có thể, phong thủy sẽ tỏa rạng ở châu Âu hay châu Mỹ trong một vận hội mới.
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia hữu duyên hội tụ tinh hoa của các nền văn hóa. Chính vì vậy, các đạo và các tri thức của nền Lý học phương Đông đều tụ hội và phát triển ở Việt Nam.
Từ câu chuyện của Kinh Dịch…
Hiện nay, có nhiều nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông đưa ra các bằng chứng là Kinh Dịch có nguồn gốc từ Việt Nam, được thể hiện qua các chứng liệu như có đầy đủ 8 quẻ đơn và một số quẻ kép trên đồ đồng Đông Sơn, hay quẻ Dịch, Càn, Khôn, Cấn, Chấn, Khảm, Ly, Tốn, Đoài chỉ là từ ký âm tiếng Việt chứ không phải của Trung Quốc…. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm, Kinh Dịch có nguồn gốc từ Việt Nam hay Trung Quốc vẫn đang trong quá trình khảo cứu.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, Kinh Dịch là của người Việt.
Theo quan điểm của chuyên gia phong thủy Hoàng Trà, nếu làm rõ được nguồn gốc của Kinh Dịch thì rất có giá trị về mặt lịch sử và tự tôn dân tộc, khẳng định trí tuệ của dân tộc. Tuy nhiên, nếu cứ say với hào quang trong quá khứ, tự mãn về quá khứ, tụt hậu tương lai, thì không giải quyết được vấn đề gì. Quan trọng hơn là sự kế thừa và phát huy làm sao để hội tụ được tinh hoa, khẳng định và tỏa sáng trên toàn cầu mới là ý nghĩa lớn lao.
…Đến sự giống và khác nhau của phong thủy
Khi nghiên cứu, ứng dụng, vận hành trong thực tế, phong thủy không có sự khác nhau về nguyên lý, quan niệm, quan điểm, vì phong thủy là một bộ môn khoa học dựa trên nền tảng toán học, cơ số 2 (nhị phân), cơ số 5 (ngũ hành), cơ số 8 (bát quái, bát trạch), cơ số 9 (hệ cửu tinh), cơ số 10 (thập thiên can), cơ số 12 (thập nhị địa chi). Dù ở bất kể vùng địa lý nào khi ứng dụng phong thủy đều dựa trên cơ sở kiến thức trên, nhưng trong thực tế vẫn có những biến thể khác nhau.
Cụ thể, trong các sách phong thủy để lại hiện nay đều ứng dụng mệnh theo năm sinh, lấy theo bảng Lục thập hoa giáp, nhưng một số chuyên gia phong thủy Việt Nam đổi tên thành Lạc thư hoa giáp. Cách tính mệnh theo năm sinh gồm có mệnh Kim, Thổ, Mộc vẫn giống như bảng Lục thập hoa giáp, nhưng mệnh Thủy và mệnh Hỏa lại đổi cho nhau. Vì đổi vị trí, người mệnh Thủy thành mệnh Hỏa, mệnh Hỏa thành mệnh Thủy, nên mệnh theo năm sinh ở hai cách xem này là khác nhau. Đây cũng là vấn đề đang gây tranh luận trong thực tế…
Hay khi xem kết hôn tốt xấu theo cung mệnh, ở Việt Nam đang tồn tại và áp dụng 3 cung là cung Bát trạch, cung Bát tự và cung Sinh. Thầy phong thủy thì dùng cung Bát trạch, còn các thầy xem theo tuổi thì dùng cung Bát tự, cũng có người dùng cung Sinh.
Thời gian trước đây, có nhiều người học phong thủy và chỉ áp dụng Bát trạch, là trường phái phong thủy căn bản, sau đó lan rộng ra trong dân chúng. Sau này, dần xuất hiện các trường phái khác là Dương trạch tam yếu - Tam hợp - Huyền không - Loan đầu, thậm chí là Cảm xạ (khi phong trào học thiền nhân điện bùng phát).
Tuy nhiên, khi học và thông hiểu hết các trường phái phong thủy hiện nay sẽ thấy, tất cả các kiến thức của các phái đều được thầy phong thủy Tả Ao để lại trong sách và khi nghiên cứu tài liệu cổ được truyền lại ở Việt Nam, kiến trúc sư Hoàng Trà nhận thấy, các kiến thức đều có điểm chung.
Phong thủy địa lý là một, chứ không phân biệt tách ra là phong thủy và địa lý, hay chia nhỏ là các trường phái này, trường phái kia, bởi mỗi trường phái là mảnh ghép khác nhau trên bức tranh toàn diện Phong thủy địa lý. Giống như mỗi chuyên khoa chữa bệnh ở trong một bệnh viện như bắt mạch, diện chẩn, bấm huyệt, châm cứu... là một phần của Đông y.
(còn nữa)
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com