Sự kết thúc của kiểm soát đường cong lợi suất của Nhật Bản có ý nghĩa gì đối với thị trường

Sự kết thúc của kiểm soát đường cong lợi suất của Nhật Bản có ý nghĩa gì đối với thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kể từ khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) bắt đầu thử nghiệm những công cụ trên thị trường trái phiếu khổng lồ vào năm 2016, một trong những câu hỏi lớn nhất là điều này sẽ kết thúc như thế nào.

Các ngân hàng trung ương trên thế giới đã sử dụng các chương trình mua trái phiếu được gọi là nới lỏng định lượng để hỗ trợ các nền kinh tế trong hơn một thập kỷ. Nhưng 7 năm trước, BoJ đã đi xa hơn thông qua việc đặt ra mức trần đối với lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm.

Tuần này, BoJ đã thực hiện bước tiến lớn nhất hướng tới việc bãi bỏ chính sách này, khi lần đầu tiên tuyên bố rằng mức trần 1% đối với lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giờ đây sẽ được hiểu là tỷ lệ tham chiếu.

Phản ứng im lặng của nhà đầu tư đối với quyết định mới nhất của BOJ đã giúp ngân hàng trung ương nhẹ nhõm hơn, khi đang trong quá trình phải dần dần nới lỏng sự kiểm soát đối với trái phiếu để tránh gây ra những ảnh hưởng đáng kể trên thị trường quốc tế.

Nhưng vẫn còn một chặng đường dài trước khi BoJ thoát khỏi một chính sách khác hiện được xem là bất thường, đó là lãi suất âm đã khiến BoJ trở thành ngân hàng trung ương lớn cuối cùng vẫn bám vào một trong những nguyên lý của chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo của mình.

Việc kiểm soát đường cong lợi suất có bị hủy bỏ không?

Các nhà đầu tư cho rằng, quyết định mới nhất về việc loại bỏ giới hạn trên đối với lợi suất JGB kỳ hạn 10 năm đồng nghĩa với việc kiểm soát đường cong lợi suất bị khai tử.

Chiến lược gia Kazuya Sato của Daiwa cho biết: “Sự kết thúc chính thức của kiểm soát đường cong lợi suất sẽ giống một nghi lễ hơn… Tôi nghĩ BoJ đã cố gắng bắt đầu con đường dần dần hướng tới bình thường hóa mà không tạo ra quá nhiều tác động lên thị trường”.

“Tuy nhiên, sự thay đổi mới nhất trong chính sách kiểm soát đường cong lợi suất không có nghĩa là BoJ sẽ chấm dứt các biện pháp nới lỏng định lượng, vì cơ quan này sẽ tiếp tục tiến hành mua trái phiếu với số lượng cố định, dù không ở mức cố định 1%”, Chris Jeffrey, người đứng đầu bộ phận lãi suất tại Legal & General Investment Management cho biết.

Khi nào Nhật Bản sẽ chấm dứt chính sách lãi suất âm?

Hiện tại, BoJ đã bãi bỏ chính sách đặt trần lãi suất trái phiếu, các nhà đầu tư đang tập trung vào thời điểm ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất chính sách, hiện ở mức âm 0,1%.

UBS kỳ vọng BoJ sẽ dỡ bỏ lãi suất âm vào tháng 4, trong khi Goldman Sachs dự báo sự thay đổi sẽ diễn ra vào tháng 10.

Theo mô phỏng của Daiwa, lợi suất trái phiếu JGB kỳ hạn 10 năm dự kiến sẽ đạt khoảng 1,15% khi BoJ dỡ bỏ kiểm soát đường cong lợi suất và chấm dứt lãi suất âm - cho thấy lợi suất có thể không tăng quá mạnh ngay cả khi mức trần được loại bỏ hoàn toàn.

Steve Donzé, Phó giám đốc đầu tư và sản phẩm tại Pictet Asset Management cho biết: “Trong ba tháng qua, thị trường hiện đã định giá không chỉ việc thoát khỏi lãi suất âm mà còn về việc tăng lãi suất hoàn toàn vào năm tới”.

Tuy nhiên, dù ngân hàng sẽ dỡ bỏ mức trần chính thức nhưng vẫn dự kiến sẽ tiến hành hoạt động mua trái phiếu nếu cảm thấy mất kiểm soát.

Liệu nhà đầu tư Nhật Bản có chuyển hướng nắm giữ trái phiếu?

Các nhà đầu tư Nhật Bản hiện là chủ sở hữu nước ngoài lớn nhất của trái phiếu Kho bạc Mỹ và cũng nắm giữ tỷ lệ trái phiếu của Úc và Pháp ở mức cao. Các nhà đầu tư kỳ vọng rằng, khi chính sách ở Nhật Bản bắt đầu bình thường hóa, các tổ chức ở Nhật Bản sẽ ngày càng có động lực đầu tư trong nước và xu hướng này sẽ tăng tốc khi lãi suất bắt đầu tăng.

Các nhà đầu tư lớn của Nhật Bản - chẳng hạn như các công ty bảo hiểm - đã giảm tốc độ sở hữu trái phiếu ở nước ngoài do chi phí phòng ngừa rủi ro trở nên cực kỳ đắt đỏ, việc xóa bỏ khoảng cách lợi suất ngày càng tăng giữa Nhật Bản và các nền kinh tế khác sẽ làm cho thị trường trái phiếu lợi suất thấp của Nhật Bản trở nên tương đối hấp dẫn.

Tỷ lệ trái phiếu chính phủ nước ngoài mà Nhật Bản nắm giữ

Tỷ lệ trái phiếu chính phủ nước ngoài mà Nhật Bản nắm giữ

Ella Hoxha, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định tại Newton Investment Management cho biết: “Ngân hàng trung ương Nhật Bản đang tạo ra một môi trường thực sự thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước chuyển vốn về nước và triển khai vốn tại quê nhà. Nếu bạn là nhà đầu tư Nhật Bản, bạn không thể đầu tư vào trái phiếu Kho bạc Mỹ trừ khi bạn chấp nhận rủi ro tiền tệ - xét về mặt thu nhập cố định, thị trường hấp dẫn duy nhất là thị trường nội địa”.

Tác động cũng có thể được cảm nhận rõ ràng trên thị trường trái phiếu bằng đồng euro và đồng đô la mặc dù các nhà đầu tư Nhật Bản hiện chưa có những thay đổi đáng kể.

“Nếu lợi suất dài hạn ở Nhật Bản tăng lên trong khi chi phí phòng ngừa rủi ro vẫn ở mức cao, tác động tiêu cực đến nhu cầu trái phiếu bằng đồng euro và đồng đô la có thể là đáng kể, vì chúng ta có thể chứng kiến làn sóng đầu tư quay trở lại Nhật Bản mạnh mẽ”, Vincent Mortier, giám đốc đầu tư của Amundi cho biết.

Các nhà kinh tế cho biết, mục tiêu cuối cùng của BoJ là chuyển một số JGB trên bảng cân đối kế toán sang khu vực tư nhân, đặc biệt là các ngân hàng khu vực. Câu hỏi lớn trong những tuần và tháng tới là liệu mức lãi suất trái phiếu JGB kỳ hạn 10 năm hiện tại có đủ cao để hấp dẫn các ngân hàng địa phương của Nhật Bản bắt đầu mua vào hay không.

Tác động lên đồng yên sẽ như thế nào?

Cho đến nay, phản ứng vẫn ở mức vừa phải. Trong các giai đoạn trước khi BoJ dần dần rời khỏi chính sách kiểm soát đường cong lợi suất, thị trường tiền tệ đã tạo ra một nơi tương đối dễ dàng để các quỹ đặt cược lớn vào tác động của các chính sách của BoJ.

Với mức độ rủi ro tương đối thấp, họ có thể đặt cược rằng chênh lệch lãi suất giữa Cục Dự trữ Liên bang (Fed) thắt chặt và BoJ nới lỏng vĩnh viễn sẽ tạo ra áp lực giảm giá liên tục lên đồng yên.

Trong khi đó, kỳ vọng của thị trường phần lớn đang thiên về việc Fed có vẻ sắp kết thúc chu kỳ thắt chặt và khả năng Nhật Bản can thiệp tiền tệ đang được cân nhắc.

Một số nhà phân tích tiền tệ tin rằng, nếu đồng yên giảm giá không quá nhanh và quá mất trật tự, chính phủ có thể để đồng yên giảm tới mức 153 yên.

Theo các chiến lược gia của Morgan Stanley, đà tăng của đồng đô la sẽ bị hạn chế bởi rủi ro can thiệp, dự báo đồng yên sẽ duy trì ở mức khoảng 150 yên so với đồng đô la trừ khi có thay đổi lớn về dữ liệu kinh tế Mỹ.

Tin bài liên quan