Sự hấp dẫn của châu Á trong đa dạng danh mục đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự biến động khó lường của thị trường đã trở lại do lạm phát dai dẳng tại Mỹ, lộ trình cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và rủi ro địa chính trị trở nên căng thẳng hơn.

Câu hỏi lớn đặt ra là liệu việc thị trường cổ phiếu chững lại chỉ là nhiễu động tạm thời hay đó là tín hiệu cho thấy cần một sự điều chỉnh lớn hơn? Ông James Cheo, Trưởng Bộ phận đầu tư khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, Khối Dịch vụ ngân hàng tư nhân toàn cầu và Quản lý tài sản của HSBC nhận định, dù vẫn có những dao động nhất định, đây vẫn là dấu hiệu của một câu chuyện chu kỳ kinh tế rộng lớn hơn, cho thấy những cải thiện trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ và chỉ số PMI sản xuất toàn cầu tốt lên. Những chuyển biến tích cực này thể hiện rõ trong sự gia tăng hiệu suất của tài sản có tính chu kỳ và kéo theo những điều kiện vĩ mô toàn cầu thuận lợi hơn.

Ông James Cheo, Trưởng Bộ phận đầu tư khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, Khối Dịch vụ ngân hàng tư nhân toàn cầu và Quản lý tài sản của HSBC

Ông James Cheo, Trưởng Bộ phận đầu tư khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, Khối Dịch vụ ngân hàng tư nhân toàn cầu và Quản lý tài sản của HSBC

Điều đó cũng cho thấy thị trường cổ phiếu Mỹ có thể sẽ chứng kiến tăng trưởng hơn nữa. Ngoài ra, đa dạng hóa danh mục đầu tư trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như lĩnh vực công nghiệp và hàng tiêu dùng đang có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cải thiện, có thể mở ra thêm nhiều cơ hội cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, châu Á vẫn là một động lực quan trọng cho tăng trưởng toàn cầu, mang lại nhiều cơ hội đầu tư và đa dạng hóa danh mục đầu tư cho nhà đầu tư toàn cầu. Điểm mấu chốt trong đầu tư chính là đa dạng hóa danh mục, vốn chỉ có thể đạt được nhờ tìm kiếm các nguồn lợi nhuận không tương quan. Thay đổi ở châu Á đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng và nhà đầu tư phải linh hoạt để thích nghi với các thị trường nhiều biến động.

“Mặc dù Trung Quốc cho thấy tiềm năng tăng trưởng tài sản dài hạn, rất khó để hình dung các cổ phiếu Trung Quốc có thể duy trì đà tăng do những thách thức ngắn hạn”, ông James Cheo nói.

Nhật Bản vươn mình

Ông James Cheo nhận định, Nhật Bản nổi lên như một cơ hội hấp dẫn để đa dạng hóa danh mục đầu tư, tự hào sở hữu một thị trường chứng khoán đa dạng và có tương quan thấp với các nhóm tài sản khác. Với thị trường trái phiếu lớn thứ ba và thị trường cổ phiếu lớn thứ tư thế giới, Nhật Bản có khả năng hấp thu một lượng vốn lớn.

Thực tế cho thấy, chính sách tiền tệ của Nhật Bản vốn đi theo một hướng riêng biệt không giống với các nền kinh tế phát triển khác trong nhiều thập kỷ, duy trì chính sách nới lỏng do giảm phát dai dẳng. Tuy nhiên, áp lực lạm phát toàn cầu gần đây, đặc biệt là giai đoạn mở cửa trở lại sau đại dịch, đã kéo theo sự dịch chuyển trong động lực lạm phát của Nhật Bản.

Lạm phát trở thành yếu tố thay đổi cục diện đối với Nhật Bản. Lạm phát tạo ra một chu kỳ thuận tăng trưởng - các đợt tăng lương thúc đẩy gia tăng chi tiêu tiêu dùng, điều này đồng nghĩa các công ty chất lượng có thể tăng giá và biên lợi nhuận. Lạm phát cũng có thể thúc đẩy hộ gia đình ở Nhật Bản phân bổ lại các khoản tiền gửi của họ vào thị trường cổ phiếu.

“Cơ cấu lĩnh vực của thị trường chứng khoán Nhật Bản tương đối đa dạng so với các thị trường phát triển khác. Chẳng hạn, thay vì tràn ngập cổ phiếu ngành công nghệ như ở thị trường Mỹ hoặc cổ phiếu ngành bán dẫn như ở Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản cho phép nhà đầu tư tiếp cận một loạt ngành, lại có tương quan thấp với các nhóm tài sản khác.

Đối với các nhà đầu tư trên toàn cầu, tất cả các yếu tố nêu trên đồng nghĩa với sự vững vàng trong danh mục đầu tư. Các cuộc cải tổ doanh nghiệp đang diễn ra cũng như những tiến bộ công nghệ của Nhật Bản càng củng cố sự hấp dẫn của quốc gia này”, ông James Cheo nói.

Hàn Quốc nương vào nhu cầu gia tăng do AI

Với sự vươn rộng đáng kể của ngành bán dẫn và mối liên hệ mật thiết tới tăng trưởng của châu Á, Hàn Quốc cũng là một phương kế để đa dạng hóa danh mục đầu tư. Trong bối cảnh ngành bán dẫn tiếp tục hưng thịnh, Hàn Quốc - một nhà sản xuất chip nhớ lớn - đang sẵn sàng hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng đối với công nghệ và đầu tư trong mảng AI.

Hàn Quốc hiện đang trong giai đoạn cải tổ doanh nghiệp toàn diện nhất trong nhiều thập kỷ nhằm cải thiện lợi nhuận cổ đông trên thị trường cổ phiếu. Những nỗ lực trước đây nhằm cải thiện quản trị doanh nghiệp đã có tiến triển trong giảm sở hữu chéo cổ phần, tăng cổ tức và cải thiện mức độ minh bạch, nhưng vẫn còn dư địa để cải thiện trong quản lý vốn.

“Sau khi thị trường Nhật Bản đạt hiệu suất mạnh mẽ, người ta có quyền hy vọng các cuộc cải tổ doanh nghiệp của Hàn Quốc sẽ mang lại kết quả đáng khích lệ tương tự”, ông James Cheo nói.

ASEAN và Ấn Độ - lãnh địa AI mới

Câu chuyện về châu Á trong một số thập kỷ gần đây chủ yếu xoay quanh Trung Quốc. Tuy nhiên, ASEAN và Ấn Độ đang nổi lên như những mặt trận tăng trưởng mới nhờ cơ cấu dân số trẻ và tầng lớp người tiêu dùng trung lưu đang mở rộng.

Ông James Cheo nhận định, Ấn Độ có những nét tương đồng với Trung Quốc với một nền kinh tế tương đối đóng, quỹ đạo tăng trưởng nhanh chóng và sự hấp dẫn ngày càng gia tăng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tỷ lệ nước ngoài nắm giữ tài sản của Ấn Độ vẫn còn khiêm tốn so với các thị trường khác giúp bảo vệ nước này trước các dòng vốn biến động. Với khối lượng xuất khẩu dịch vụ đáng kể, đặc biệt là công nghệ thông tin, Ấn Độ ít bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế toàn cầu chậm lại, lại càng giảm mực độ tương quan với các điều kiện kinh tế thế giới.

Ấn Độ là một trong những thị trường nổi bật trong những năm gần đây với 8 năm liền ghi nhận lợi nhuận dương. Ấn Độ cũng là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới và là một trong ít nơi trên thế giới ghi nhận tăng trưởng dân số mạnh mẽ giúp nước này trở thành một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới trong thập kỷ tới.

Khi nhà đầu tư mua cổ phiếu ở Ấn Độ, thực tế là họ mua cơ hội tiếp cận nền kinh tế nội địa rộng lớn và đang ngày càng tăng trưởng của Ấn Độ - gần 80% doanh thu doanh nghiệp đến từ nội địa.

Còn ASEAN đem lại một trong những câu chuyện tăng trưởng thú vị nhất ở châu Á nhờ tầng lớp trung lưu đang gia tăng và cơ hội hưởng lợi từ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Với dân số hơn 680 triệu người, tầng lớp trung lưu của ASEAN đã sẵn sàng để trở thành một trong những đầu tàu kinh tế lớn nhất thế giới trong thập kỷ tới.

Tại Indonesia, nền kinh tế lớn nhất ASEAN, đóng một vai trò hết sức quan trọng trong triển vọng tổng thể của khu vực. Triển vọng của quốc gia này được hỗ trợ bởi lĩnh vực tiêu dùng mạnh mẽ và kiên cường. Indonesia cũng tự hào là nước có trữ lượng nickel lớn nhất thế giới, vốn là một thành phần trọng yếu trong pin của xe điện. Đồng thời, Indonesia cũng được kỳ vọng vươn lên trong chuỗi giá trị của ngành sản xuất pin xe điện.

Đối với Việt Nam, một nền kinh tế đang nở rộ nhờ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và năng lực sản xuất, đang sẵn sàng để trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực trong những năm tới. Đặc điểm nhân khẩu học thuận lợi, đầu tư cho hạ tầng mạnh mẽ, độ mở thương mại lớn và khả năng thu hút FDI sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng cho Việt Nam.

"Trong bối cảnh cải tổ thị trường chứng khoán tiếp tục tiến triển, Việt Nam sẽ gia tăng tầm quan trọng trong mắt các nhà đầu tư trên thế giới", ông James Cheo nhận định và cho rằng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đi vào thực thi cũng sẽ giúp gia tăng hội nhập thương mại và thúc đẩy đầu tư trong khu vực.

"Giữa những biến động khó lường của thị trường đang nổi cộm, bối cảnh đa dạng của châu Á mang lại rất nhiều cơ hội cho nhà đầu tư. Bằng cách đa dạng danh mục đầu tư ở nhiều thị trường và lĩnh vực khác nhau, các nhà đầu tư có thể tận dụng tiềm năng tăng trưởng của châu Á cũng như gặt hái danh mục đầu tư vững vàng cho tương lai", ông James Cheo nhấn mạnh.

Tin bài liên quan