Sử dụng vật liệu xây dựng phát thải thấp, góp phần thực hiện đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội

Sử dụng vật liệu xây dựng phát thải thấp, góp phần thực hiện đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng phát thải thấp đáp ứng nhu cầu xây dựng nói chung và xây dựng nhà ở xã hội nói riêng đang là vấn đề cấp thiết.

Trong khuôn khổ Triển lãm Vietbuild Hà Nội 2023 lần thứ nhất (diễn ra từ ngày 15-19/3), Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam hợp tác với Dự án PEEB (Chương trình hiệu quả năng lượng trong công trình), phối hợp với Công ty cổ phần Tổ chức Triển lãm Quốc tế xây dựng VIETBUILD tổ chức Hội thảo với chủ đề “Vật liệu xây dựng phát thải thấp và công trình nhà ở các bon thấp".

Chương trình Hiệu quả năng lượng Nhà ở (dự án PEEB) là dự án được phối hợp xây dựng và triển khai giữa Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) nhắm tới sử dụng hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà, giảm phát thải khí nhà kính và công trình nhà ở cacbon thấp.

Thông qua Chương trình PEEB, GIZ hỗ trợ Hội Vật liệu xây dựng phối hợp với Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo khuyến khích sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng phát thải thấp xây dựng công trình nhà ở các bon thấp hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Chính phủ.

Tại Hội thảo, bà Phạm Thị Thu Hà, Phó phòng Nhà ở xã hội, Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, tính đến nay, trên địa bàn cả nước có 301 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành, với quy mô xây dựng khoảng 155.790 căn, tổng diện tích khoảng hơn 7,7 triệu m2.

Hiện có 418 dự án đang triển khai thực hiện, bao gồm các dự án đang xây dựng và dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn, tổng diện tích khoảng 22,5 triệu m2.

Để thúc đẩy việc xây dựng nhà ở xã hội, hướng tới mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội mà Chính phủ đề ra, có nhiều chính sách đã được ban hành. Trong đó, mới nhất là Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; xây mới/sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội, tổng số vốn là 15.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Trong đó chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân.

Nội dung chính là thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành ít nhất khoảng 1 triệu căn nhà ở xã hội. Đặc biệt, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ. Lãi suất cho vay với người xây dựng và mua nhà sẽ thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.

“Nhìn chung, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị, công nhân tại các khu công nghiệp đã tạo được hành lang pháp lý tương đối đầy đủ và khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội”, bà Phạm Thị Thu Hà cho biết.

Trong khi đó, tại hội thảo, TS. Thái Duy Sâm, Phó chủ tịch - Tổng Thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đã trình bày những thuận lợi, thách thức về vật liệu xây dựng pháp thải thấp và hiệu quả năng lượng cho xây dựng nhà ở; đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng phát thải thấp và hiệu quả năng lượng cho xây dựng nhà ở, góp phần thực hiện "Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội".

Sử dụng vật liệu xây dựng phát thải thấp và hiệu quả năng lượng cho xây dựng nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng là một trong các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu phát triển nhà ở bền vững, giảm phát thải của Chính phủ. Do đó, việc phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng phát thải thấp đang là vấn đề cấp thiết.

"Các văn bản pháp luật hiện hành quy định vật liệu xây dựng xanh, thân thiện môi trường là đối tượng được chú ý tới cả quá trình sản xuất ra nó. Trong quá trình sản xuất phải giảm thiểu sử dụng năng lượng, giảm tài nguyên khoáng sản, giảm thiểu chất thải, giảm ô nhiễm và những tác động hủy hoại môi trường", ông Thái Duy Sâm cho biết.

Tin bài liên quan