Sử dụng C/O ưu đãi theo các FTA tiếp tục tăng mạnh trong năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
Số lượng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi được cấp trong giai đoạn từ 2020 đến nay tăng trung bình khoảng 20%/năm, năm 2024 dự kiến tăng 18% so với năm 2023.
Sử dụng C/O ưu đãi xuất khẩu theo các FTA tiếp tục tăng mạnh trong năm 2024..

Sử dụng C/O ưu đãi xuất khẩu theo các FTA tiếp tục tăng mạnh trong năm 2024..

Sử dụng C/O ưu đãi tiếp tục gia tăng 2 con số trong năm 2024. Thông tin được đưa ra tại Hội nghị chuyên đề về xuất xứ hàng hóa năm 2024 do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) vừa tổ chức.

C/O là “giấy thông hành” giúp hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan trên thị trường ngoài, đồng thời là công cụ phòng chống gian lận xuất xứ, ngăn ngừa bên thứ ba lợi dụng danh nghĩa hàng Việt Nam để hưởng lợi bất chính.

Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, số lượng C/O ưu đãi được cấp trong giai đoạn từ 2020 đến nay tăng trung bình khoảng 20% mỗi năm, năm 2024 dự kiến tăng 18% so với năm 2023.

"Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, với việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, hoạt động cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) đóng vai trò ngày càng quan trọng.

Theo ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, các cơ quan, tổ chức cấp C/O đã làm tốt công tác triển khai lĩnh vực xuất xứ hàng hóa như: Triển khai mở rộng quy trình cấp C/O dưới dạng điện tử và truyền dữ liệu C/O điện tử sang các nước ASEAN và Hàn Quốc theo cam kết, thỏa thuận quốc tế; hợp tác xác minh xuất xứ với nước nhập khẩu; áp dụng thu phí C/O; rà soát công tác cấp C/O tại các cơ quan, tổ chức cấp C/O...

Cục Xuất nhập khẩu cho hay, trong công tác quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu, xuất xứ hàng hóa mang tính đặc thù, không chỉ gắn với việc hưởng thuế ưu đãi từ cam kết hội nhập kinh tế quốc tế mà các nước dành cho Việt Nam mà còn cả chiều ngược lại Việt Nam dành ưu đãi cho các nước.

Thời gian tới, việc triển khai các FTA sẽ bước vào giai đoạn thực thi những cam kết mạnh mẽ hơn cần kết nối, phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ các bộ, ban, ngành, cơ quan quản lý nhà nước để tận dụng cơ hội từ các FTA mang lại.

Đồng thời, việc phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành, cơ quan liên quan là hết sức quan trọng trong công tác kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa nhằm phát hiện và xử lý các tình huống gian lận xuất xứ hàng hóa trong thực tế. Từ đó có thể đưa ra các biện pháp quản lý rủi ro về xuất xứ để ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ ngày một đa dạng, tinh vi trong tương lai.

Tình hình sử dụng C/O ưu đãi xuất khẩu theo các FTA của nhiều ngành hàng gia tăng mạnh mẽ sau từng năm.

Năm 2023, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền đã cấp 1.508.142 bộ C/O ưu đãi với trị giá 86,1 tỷ USD, tăng 9,2% về trị giá và 1,9% về số lượng C/O so với năm 2022.

Tỷ lệ cấp C/O ưu đãi 37,35% cùng với tốc độ tăng trưởng 9,2% cho thấy doanh nghiệp đang tận dụng tốt hơn các FTA dù trong bối cảnh kinh tế - chính trị có nhiều diễn biến phức tạp.

Về kim ngạch sử dụng C/O ưu đãi, trong năm qua, C/O ưu đãi (mẫu E và RCEP) cấp cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đứng đầu đầu với trị giá hơn 19,4 tỷ USD. Tiếp đó là 13,5 tỷ USD C/O mẫu D cấp cho hàng hóa xuất khẩu sang các nước ASEAN.

Đứng thứ ba và thứ tư lần lượt là Hàn Quốc (C/O mẫu AK, VK và RCEP) với 12,2 tỷ USD và Liên minh châu Âu (C/O mẫu EUR.1) với 12,4 tỷ USD.

Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 403 tỷ USD, tăng gần 14% so với năm ngoái, trong đó, tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi tiếp tục gia tăng 2 con số, cho thấy các ngành hàng biết đến và tận dụng FTA ngày càng hiệu quả hơn.

Tin bài liên quan