Ông Đặng Ngọc Nghĩa, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.
Dứt khoát quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, nhưng ông Đặng Ngọc Nghĩa, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, cùng với biện pháp hành chính, chế tài xử phạt cần sử dụng cả biện pháp kinh tế để bảo vệ môi trường.
Môi trường đang bị ô nhiễm nặng nề, nếu không muốn nói là bị hủy hoại, nên đây luôn là vấn đề nóng tại nghị trường Quốc hội. Kỳ họp lần này chắc còn nóng hơn khi Quốc hội cho ý kiến vào Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), thưa ông?
Qua hơn 30 năm thực hiện chính sách Đổi mới, nền kinh tế đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn. Nhưng điều đáng buồn là, kinh tế càng phát triển, đời sống của người dân càng được nâng lên, thì môi trường sống càng bị hủy hoại.
Không thể phủ nhận trước thực tế môi trường nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp; chất lượng môi trường tại một số nơi, đặc biệt là tại các đô thị lớn đã vượt ngưỡng cho phép. Bên cạnh đó, đã xuất hiện nhiều sự cố về môi trường do các nhà máy, làng nghề “đầu độc”.
Là một trong 10 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, vì thế, ông có nghĩ rằng, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường?
Phải khẳng định rằng, Việt Nam rất quan tâm đến bảo vệ môi trường, ít nhất là trên hệ thống luật pháp. Cụ thể, từ năm 1993, chúng ta đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường; năm 2005 và năm 2014 sửa đổi toàn diện và bây giờ Quốc hội quyết định sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường một lần nữa, vì luật hiện hành chưa tiếp cận và cập nhật kịp với những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn, cách thức quản lý còn mang nặng tính mệnh lệnh hành chính...
Chúng ta kiên định quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, vì vậy, bảo vệ môi trường phải được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển kinh tế. Tất cả các dự án đầu tư đều phải được lựa chọn dựa trên các tiêu chí về môi trường.
Tôi rất đồng tình với nội dung xuyên suốt của Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường lần này là xác lập khung chính sách nhằm hướng đến việc hình thành đạo luật về bảo vệ môi trường có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội; quy định đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định, thực hiện, đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án.
Bảo vệ môi trường, nhưng phải đi đôi với cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Vì vậy, phải giảm thủ tục hành chính với các đối tượng thân thiện môi trường, tăng cường kiểm soát các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; phân công, phân cấp đi đôi với phân quyền; chuyển vai trò bảo vệ môi trường từ Nhà nước sang doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và người dân.
Thưa ông, nếu Việt Nam quá quan tâm tới bảo vệ môi trường thì sẽ ảnh hưởng ngay tới tăng trưởng kinh tế?
Nếu vì lợi ích kinh tế trước mắt, chúng ta xem nhẹ việc bảo vệ môi trường sống, thì cuộc sống vật chất có thể được cải thiện, thu nhập của người dân được nâng lên, nhưng phải sống trong môi trường ô nhiễm, sức khỏe giảm sút, bệnh tật tăng lên, dịch bệnh tràn lan và chúng ta lại phải lấy tiền làm được để chữa bệnh, chống dịch.
Việc này chẳng khác gì khi còn trẻ bán sức khỏe để lấy tiền và khi chưa già đã lấy tiền tích lũy lúc trẻ để mua sức khỏe. Nói như vậy để thấy rằng, chúng ta phải dứt khoát không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.
Nhưng không thể bảo vệ môi trường một cách cực đoan như một số đô thị lớn dự định cấm xe máy vì cho rằng, xe máy là nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm môi trường và gây ách tắc giao thông?
Bảo vệ môi trường không chỉ dùng mệnh lệnh hành chính, đặc biệt là mệnh lệnh hành chính cực đoan, mà phải sử dụng cả biện pháp kinh tế. Muốn hạn chế xe máy, ô tô vào nội đô, trước hết, phải hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, phát triển các phương tiện giao thông công cộng thuận tiện cho người dân di chuyển. Khi hệ thống giao thông đô thị và phương tiện giao thông công cộng phát triển đến mức nào đó thì tiến hành đánh thuế, thu phí thật nặng đối với phương tiện giao thông cá nhân vào khu vực nội đô, khu vực không khuyến khích phương tiện giao thông cá nhân.
Nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã và đang thực hiện cách thức kinh tế như vậy để giảm tải phương tiện giao thông cá nhân, bảo vệ môi trường đô thị.
Thưa ông, còn với doanh nghiệp, nếu thực hiện đầy đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường, thì sản phẩm không thể cạnh tranh được, do chi phí xử lý chất thải, rác thải, nước thải, khí thải rất lớn?
Ngoài chế tài xử phạt doanh nghiệp vi phạm, cần sử dụng biện pháp kinh tế để khuyến khích doanh nghiệp bảo vệ môi trường. Tôi cho rằng, hệ thống pháp luật hiện nay, như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Đầu tư, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt… đang hướng đến sử dụng biện pháp kinh tế, khuyến khích doanh nghiệp bảo vệ môi trường. Cụ thể, đó là chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp di chuyển ra khỏi đô thị; miễn giảm thuế cho doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường…
Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 cũng đã định hướng chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao.