Với sự cố này, 14 công ty đã có báo cáo tài chính kiểm toán ký bởi Thăng Long - T.D.K phải tìm đối tác ký lại. Tuy nhiên, đến thời điểm này, hết tháng 7/2017, vẫn còn những doanh nghiệp chưa khắc phục được sự cố trên, đặc biệt, Công ty cổ phần Sữa Hà Nội phải tạm ngừng giao dịch.
Còn doanh nghiệp chưa có báo cáo kiểm toán mới
Tháng 5/2017, thị trường xôn xao khi 14 công ty, trong đó có 9 công ty cổ phần đại chúng và 5 công ty chứng khoán (đại chúng hoặc không) phải thực hiện lại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016, do báo cáo tài chính kiểm toán ký bởi Thăng Long - T.D.K không hợp lệ.
Lý do đưa ra là, từ tháng 10/2016, công ty kiểm toán này đã bị đình chỉnh tư cách công ty kiểm toán cho doanh nghiệp có lợi ích công chúng trong lĩnh vực chứng khoán.
Việc này dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp phải thực hiện ký hợp đồng kiểm toán lại báo cáo tài chính năm 2016 với các doanh nghiệp khác.
Thống kê 9 công ty đại chúng phải ký lại cho thấy, đến thời điểm này, 7 công ty đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016 mới, trong đó có 1 công ty có báo cáo tài chính kiểm toán mới ký bởi Công ty trách nhiệm hữu hạn Grant Thornton Việt Nam, 6 công ty được kiểm toán lại bởi Công ty trách nhiệm hữu hạn Kiểm toán Nhân Tâm Việt.
Về cơ bản, không có sự khác biệt giữa báo cáo tài chính kiểm toán bởi Thăng Long - T.D.K và Nhân Tâm Việt, ngoại trừ 2 trường hợp.
Cụ thể, tại báo cáo kiểm toán lại của Công ty cổ phần Khoáng sản và Vật liệu Xây dựng Hưng Long (KHL), bên cạnh những ngoại trừ mà công ty kiểm toán cũ đã nêu, tổ chức kiểm toán có nhắc đến việc, báo cáo được xây dựng trên cơ sở giả định KHL sẽ được hoạt động liên tục, trong khi kiểm toán cho rằng, Công ty có các dấu hiệu “không chắc chắn trọng yếu có thể gây ra sự nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục”.
Với trường hợp của Công ty cổ phần Đầu tư CMC (mã CMC), lợi nhuận trên báo cáo kiểm toán được ký lại bởi Nhân Tâm Việt giảm hơn 17 triệu đồng so với báo cáo tài chính được kiểm toán bởi Thăng Long - T.D.K, do tăng trích khấu hao tài sản cố định.
Điểm đáng lưu ý là, mặc dù 7/9 công ty đại chúng phải làm lại báo cáo tài chính kiểm toán đã có báo cáo tài chính kiểm toán được kiểm toán, nhưng không phải công ty nào cũng thực hiện công bố trên cổng thông tin của Sở Giao dịch chứng khoán.
Như trường hợp Công ty cổ phần Nafoods Group, ngày 24/7/2017, Công ty Grant Thornton Việt Nam đã ký báo cáo kiểm toán lại báo cáo tài chính năm 2016, trên website Công ty cũng đã đăng tải báo cáo mới, nhưng thông tin về báo cáo tài chính kiểm toán lại năm 2016 chưa được công bố.
Có 2 công ty đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có báo cáo kiểm toán lại cho báo cáo tài chính năm 2017 là Công ty cổ phần Công nghệ Mạng và Truyền thông (mã CMT) và Công ty cổ phần Hồng Hà Việt Nam (mã PHH).
Đối với Công nghệ Mạng và Truyền thông, công ty này trong vòng 2 tháng qua đã lần lượt ký hợp đồng kiểm toán lại báo cáo tài chính năm 2017 với 2 công ty. Ngày 1/6/2017, doanh nghiệp ký với Grant Thornton, nhưng sau đó, đến ngày 5/7/2017 ký lại với Công ty trách nhiệm hữu hạn Kiểm toán và Kế toán Hà Nội, với lý do Grant Thornton không kịp về tiến độ ra báo cáo.
Với trường hợp Hồng Hà Việt Nam, đến tận ngày 16/6/2017, Công ty mới ký hợp đồng kiểm toán lại báo cáo tài chính năm 2016 với Công ty trách nhiệm hữu hạn Kiểm toán và Định giá Việt Nam (VAE).
HNM bị hủy niêm yết vì sự cố Thăng Long - T.D.K
Bên cạnh những doanh nghiệp đã ký hợp đồng kiểm toán năm 2016 bởi Thăng Long - T.D.K, đã phát hành báo cáo kiểm toán, và phải kiểm toán lại báo cáo tài chính bởi doanh nghiệp kiểm toán khác, thì Công ty cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk, mã HNM) là một trường hợp khác.
Cổ phiếu HNM của Hanoimilk bị tạm ngừng giao dịch kể từ ngày 25/7/2017 do chưa có báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016
Đến tận thời điểm này, Hanoimilk vẫn chưa có báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2016, dù là báo cáo ký bởi Thăng Long - T.D.K hay một công ty kiểm toán khác. Vì sự cố này, cổ phiếu HNM của Hanoimilk đã bị tạm ngừng giao dịch kể từ ngày 25/7/2017.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, Ban lãnh đạo Hanoimilk cho biết, đầu năm 2017, Thăng Long - T.D.K vẫn cử cán bộ vào làm kiểm toán năm 2016 cho Hanoimilk, nhưng đến khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5, bên kiểm toán mới thông báo không được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép ký phát hành báo cáo kiểm toán cho tổ chức niêm yết.
“Chúng tôi đã lên hệ với các công ty kiểm toán khác trong danh sách được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 thông qua nhưng không kịp thời gian. Việc chậm Kiểm toán Báo cáo Tài chính 2016 hoàn toàn do nguyên nhân khách quan, tuy nhiên, thay mặt Hội đồng quản trị và Ban giám đốc chúng tôi sẵn sàng nhận trách nhiệm liên đới của mình”, ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hanoimilk nói.
Nguy cơ sự cố sẽ tiếp tục phát sinh
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một đại diện Vụ Giám sát Công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, hàng năm, Ủy ban Chứng khoán sẽ kết hợp với các bên có liên quan thực hiện kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán các công ty kiểm toán được chấp thuận ký báo cáo tài chính kiểm toán cho doanh nghiệp có lợi ích công chúng trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Thời hạn có kết quả là trong tháng 10 hàng năm, để kịp cho thời điểm nộp hồ sơ chấp thuận kiểm toán năm sau (năm nay là ngày 20/10/2017).
Với những trường hợp doanh nghiệp kiểm toán không đạt chất lượng (như Thăng Long - T.D.K), công ty kiểm toán sẽ bị đình chỉ, không được phép ký báo cáo kiểm toán cho công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ… Với trường hợp doanh nghiệp kiểm toán bị lỗi, công ty kiểm toán được tiếp tục thực hiện những hợp đồng đã ký, nhưng không được ký mới.
Với quy định này, định kỳ mỗi năm một lần vào tháng 10, các doanh nghiệp sẽ phải chủ động rà soát để đảm bảo công ty kiểm toán mình đã ký hợp đồng không bị rơi vào trường hợp bị đình chỉ tư cách kiểm soát. Nếu không, những sự cố kiểu Hanoimilk, với cổ phiếu HNM bị dừng giao dịch; hoặc CMT, PHH mãi chưa có báo cáo tài chính kiểm toán mới sẽ hoàn toàn có nguy cơ bị lặp lại.