Giới đầu tư kỳ vọng về môi trường thông tin ngày càng minh bạch trên sàn chứng khoán. Ảnh: ĐT

Giới đầu tư kỳ vọng về môi trường thông tin ngày càng minh bạch trên sàn chứng khoán. Ảnh: ĐT

“Sự cố” JVC và kỳ vọng 2016

Thời khắc bước sang năm mới là lúc chúng ta tĩnh tâm nhìn lại những gì còn tồn tại của năm qua. Trên sàn chứng khoán 2015, một cú sốc đáng nhớ chính là sự kiện cựu Chủ tịch Công ty cổ phần Thiết bị y tế Việt Nhật (mã JVC, sàn HOSE) bị bắt hồi tháng 6/2015.

Cú nổ lớn

Những tưởng, việc một vị lãnh đạo doanh nghiệp bị bắt chỉ là chuyện riêng của doanh nghiệp, nhưng với sàn chứng khoán thì không đơn giản như vậy. Tài sản của nhà đầu tư “bốc hơi” trong phút chốc, niềm tin bị sụp đổ… Và hơn thế nữa, đó là một cú nổ lớn khiến mọi người cùng giật mình nhìn lại về chất lượng quản trị vẫn còn khá nghiệp dư trong đại bộ phận các công ty đại chúng.

JVC trong cơn khủng hoảng hồi giữa năm 2015 như con tàu nghiêng ngả giữa bão táp đại dương. Trong 18 phiên, giá cổ phiếu đã giảm 65,6% và đến hết năm 2015, giảm tới 73% giá trị. Đương nhiên, cả thị trường chứng khoán cũng bị chòng chành theo, chỉ số VN-Index trong 2 tháng, 7 và 8/2015, đã “bốc hơi” mất gần 100 điểm, từ mốc hơn 630 điểm hồi đầu tháng 7 xuống chỉ còn quanh 530 điểm cuối tháng 8/2015.

Thực tế, sự cố mang tên JVC có thể ít trầm trọng, nếu hoạt động quản trị và công bố thông tin của JVC được công ty này thực hiện chuyên nghiệp hơn. Bởi lẽ, mặc dù ông Lê Văn Hướng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị JVC bị bắt từ 17/6, nhưng mãi đến ngày 26/6, JVC mới chính thức công bố thông tin này ra công chúng. Điều đáng chú ý là cổ phiếu JVC đã đổ dốc từ ngày 9/6. Điều này cho thấy tác động của tin đồn thật ghê gớm.

Ngay cả những ngày gần đây, khi năm 2015 sắp đi qua, thì câu chuyện lùm xùm quanh cổ phiếu JVC vẫn chưa khép lại. Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa ra thông báo về việc đưa cổ phiếu JVC vào diện cảnh báo từ ngày 28/12/2015.

Nguyên nhân bị cảnh báo là do công ty này thường xuyên vi phạm quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Trước đó, HOSE đã có công văn nhắc nhở lần 2 đối với JVC về việc chậm công bố báo cáo tài chính hợp nhất và riêng công ty mẹ soát xét bán niên 2015.

Thực tế, câu chuyện về chất lượng quản trị của các doanh nghiệp niêm yết luôn là đề tài “nóng” trong các nỗ lực phát triển thị trường chứng khoán. Những người tâm huyết với thị trường hy vọng sự cố mang tên JVC sẽ là lời nhắc nhở để các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của việc cải tổ các hoạt động quản trị.

Bà Vũ Thị Kim Liên, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng tư vấn về quản trị công ty của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam hầu hết chưa tự nguyện thực thi các thông lệ về quản trị công ty, mà chỉ đang cố gắng tuân thủ các quy định của luật pháp. “Các doanh nghiệp cần tập trung vào việc nâng cao nhận thức về trách nhiệm và đạo đức của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp, đặc biệt là các thành viên Hội đồng Quản trị. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần xây dựng và thực thi bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp. Chỉ khi đó, các tiêu chí về quản trị công ty mới được thực thi tốt, công bố thông tin đầy đủ và minh bạch”, bà Liên nói. 

Kỳ vọng một môi trường thông tin minh bạch

Tuy các cơ quan tổ chức thị trường chứng khoán đã có nỗ lực không nhỏ trong việc nâng cao quản trị doanh nghiệp, nhưng câu chuyện quản trị có lẽ vẫn là đề tài nóng trong năm 2016. Theo công bố của Diễn đàn Các thị trường vốn ASEAN (ACMF), Việt Nam hiện đang đứng thứ hạng thấp nhất trong số 6 quốc gia ASEAN có các doanh nghiệp tham gia đánh giá thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN (gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam).

Với việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, vấn đề quản trị công ty đang được quan tâm mạnh mẽ. Theo đó, ACMF đã phát hành báo cáo hàng năm Thẻ điểm Quản trị công ty của các nước khu vực ASEAN. Với thẻ điểm này, các công ty niêm yết tại thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như các thị trường của các nước trong ASEAN được chấm điểm để đánh giá mức độ quản trị.

Cách đây không lâu, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cũng có một số ý kiến “soi” lỗ hổng Điều lệ mẫu công ty đại chúng khi cho rằng, điều lệ mẫu hiện hành và Dự thảo Điều lệ mẫu đang tạo thế rất thuận lợi cho Hội đồng Quản trị hiện hành và tạo thế bất lợi cho cổ đông không nằm trong Hội đồng Quản trị. Ngoài ra, VAFI cũng tỏ ra bất bình về một số quyền đang bị vô hiệu hóa…

Có thể, những ý kiến của VAFI chỉ là một góc nhìn, nhưng điều đó cũng ít nhiều thể hiện sự mong mỏi và kỳ vọng của giới đầu tư về một môi trường thông tin minh bạch trên sàn chứng khoán, để thị trường chứng khoán thực sự là một trụ cột về vốn phục vụ nền kinh tế.

Tin bài liên quan