40% số người tham gia khảo sát cho rằng, gián đoạn hoạt động của doanh nghiệp là hậu quả lớn nhất mà các cuộc tấn công mạng gây ra, tiếp theo là rò rỉ thông tin mật (39%), ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm (32%) và ảnh hưởng tới đời sống con người (22%).
Tuy nhiên, đứng trước những mối quan ngại về các cuộc tấn công mạng, nhiều doanh nghiệp trên thế giới vẫn chưa đủ kiến thức và năng lực quản lý các rủi ro mới về an ninh mạng trong xã hội công nghệ số phức tạp hiện nay. 44% không có chiến lược tổng thể về an toàn thông tin, 48% không có chương trình đào tạo nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho nhân viên và 54% không có cơ chế đối phó với tấn công mạng.
Các cuộc tấn công từng diễn ra ngoài không gian mạng cho thấy, chuỗi rủi ro thường bắt đầu bằng việc mất quyền kiểm soát, trong đó rất nhiều hệ thống bị ảnh hưởng ngay lập tức, hoặc trong cùng ngày. Điều này đồng nghĩa, doanh nghiệp có rất ít thời gian để ngăn chặn rủi ro trước khi ảnh hưởng của nó lan ra toàn hệ thống.
Sự phụ thuộc lẫn nhau của các mạng lưới trọng yếu và không trọng yếu thường không được coi trọng cho tới khi xảy ra rủi ro. Rất nhiều doanh nghiệp trên toàn thế giới, đặc biệt ở Nhật Bản, Mỹ, Đức, Anh và Hàn Quốc, lo ngại về nguy cơ tấn công mạng đến từ các quốc gia khác.
Các công cụ để tấn công mạng đang gia tăng nhanh trên toàn cầu. Thủ đoạn được sử dụng bởi tin tặc tại các quốc gia nhỏ cũng đang trở nên tinh vi như các quốc gia lớn hơn.
Khi tấn công mạng xảy ra, các doanh nghiệp nạn nhân cho biết, họ không có khả năng xác định danh tính thủ phạm.
Sự phát triển của các ứng dụng Internet vạn vật kết nối (IoT) ngày càng góp phần tạo ra những lỗ hổng an ninh mạng. Hiểm họa gia tăng đe dọa tới mạng lưới dữ liệu có thể phá hoại hệ thống bảo mật và gây hại tới cơ sở hạ tầng trọng yếu.