Sự bùng nổ của DeFi được so sánh với loại hình ngân hàng bóng tối

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều dấu hiệu tiêu cực của ngân hàng bóng tối (Shadow Banking) như đòn bẩy quá mức và nhiều yếu tố không rõ ràng dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã xâm nhập vào thế giới tài chính phi tập trung (DeFi).
Sự bùng nổ của DeFi được so sánh với loại hình ngân hàng bóng tối

Đó là cảnh báo của Hilary Allen, giáo sư tại Đại học Luật Washington trong một bài báo được xuất bản gần đây có tiêu đề “DeFi: Shadow Banking 2.0?”

Trừ khi các cơ quan quản lý tiến hành giám sát mạnh mẽ hơn lĩnh vực đang phát triển nóng này của thế giới tiền điện tử, rủi ro đối với hệ thống tài chính rộng lớn hơn sẽ tăng lên. Hệ thống ngân hàng bóng tối bao gồm người cho vay, người môi giới và các trung gian khác nằm ngoài phạm vi của các ngân hàng được quản lý truyền thống. Những người tham gia và thiệt hại tai tiếng nhất có lẽ là Lehman Brothers và Bear Stearns, cả hai đều thất bại trong bối cảnh thị trường nợ dưới chuẩn sụp đổ.

Hoạt động cho vay là một trong những ứng dụng hàng đầu trong DeFi với hơn 160 ứng dụng cho phép mọi người giao dịch, cho vay và đi vay mà không cần trung gian và thường ẩn danh. Theo công ty theo dõi dữ liệu ngành DappRadar, tổng giá trị của các tài sản bị “khóa” trong ứng dụng DeFi là khoảng 120 tỷ USD.

Dòng tiền lớn trên hệ thống DeFi đã thu hút sự chú ý của nhiều tổ chức tài chính truyền thống hơn. Công ty dịch vụ tài chính Societe Generale SA đang quan tâm tới các khoản vay DeFi. HSBC Holdings vừa mua lại một lô bất động sản ảo trên nền tảng Sandbox. Một loạt tổ chức tài chính như Silvergate Capital Corp. và một nhóm các ngân hàng nhỏ đang lên kế hoạch hoặc đã phát hành stablecoin của riêng họ và có thể được sử dụng rộng rãi để tạo điều kiện cho các giao dịch DeFi.

“Có những tổ chức tài chính đã thành lập đang trông chờ vào nguồn tiền được tạo ra trong không gian này. Mối quan tâm mà tôi thấy cả từ sự tăng trưởng của nền tảng này và quan điểm ổn định tài chính là liệu các tổ chức tài chính có nhìn thấy lợi nhuận trong không gian này hay không”, giáo sư Hilary Allen cho biết.

Matthew Ballensweig, Giám đốc điều hành tại Genesis cho biết, công ty cho vay tài sản kỹ thuật số lớn nhất thế giới Genesis Trading với hơn 150 tỷ USD vốn đầu tư đang lên kế hoạch gia nhập DeFi.

“Chúng tôi đang nghĩ chiến lược dài hạn của mình sẽ như thế nào với DeFi và sự tích hợp của chúng tôi ở đó”, ông Ballensweig cho biết, đồng thời nói thêm rằng, DeFi cuối cùng có thể trở thành một nguồn vốn rẻ hơn hoặc một nơi để đổ tiền thông qua các ứng dụng như Maple Finance, cung cấp các khoản vay không tập trung cho những người đi vay là doanh nghiệp và tổ chức.

Alameda Research, một trong những công ty giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới cũng đang sử dụng các khoản vay DeFi để tài trợ một phần trong số 5 tỷ USD cho hoạt động giao dịch hàng ngày của mình.

Tuy nhiên, giáo sư Hilary Allen cho biết, khi nhiều tổ chức tài chính tham gia vào lĩnh vực này, các vấn đề đã xảy ra với DeFi như các vụ hack dẫn đến thua lỗ lớn có thể có khả năng xáo trộn hệ thống tài chính truyền thống và thậm chí làm tăng rủi ro hoạt động của các ngân hàng.

John Griffin, giáo sư tài chính tại Đại học Texas tại Austin cho biết: “DeFi, giống như ngân hàng bóng tối trước khủng hoảng tài chính, có rủi ro và đặc biệt có thể gặp trục trặc theo những cách mà chúng ta không thể đoán trước được. Điều đó có thể dẫn đến sự mong manh về tài chính theo những cách mà chúng ta không ngờ tới”.

Các stablecoin thường được gắn với các tài sản như đồng đô la là một trong những mối đe dọa lớn nhất. Trong khi đó, liệu các sàn giao dịch tiền điện tử có chuyển đổi stablecoin thành tiền pháp định hay không vẫn chưa rõ ràng.

Những người ủng hộ DeFi cho rằng những rủi ro của lĩnh vực này là chấp nhận được, vì lĩnh vực này là một điểm nóng của sự đổi mới, làm cho dịch vụ rẻ hơn và nhanh hơn. Giáo sư Allen cho biết, những tuyên bố này đã bị thổi phồng quá mức vì có thể tốn kém khi chuyển một đồng tiền kỹ thuật số sang một quốc gia khác và chuyển nó thành tiền pháp định.

Trong khi đó, nhiều ứng dụng DeFi cuối cùng bị kiểm soát bởi một nhóm nhỏ các nhà phát triển hoặc các nhà đầu tư mạo hiểm có nguồn vốn lớn.

Tin bài liên quan