Ông Kakazu Shogo

Ông Kakazu Shogo

STT: Sẽ thoát lỗ và có lãi trong 2 năm?

(ĐTCK) Với việc lỗ liên tiếp trong 2 năm 2012, 2013 và 8 tháng đầu năm 2014, cùng với tình trạng nội bộ bất ổn, nhân sự lãnh đạo, quản lý liên tiếp biến động, CTCP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (STT) đang phải đối mặt với tình trạng bị hủy niêm yết bắt buộc nếu không có lãi trong năm nay. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với Tổng giám đốc mới của STT, ông Kakazu Shogo, về vấn đề này.

Ông có thể chia sẻ một vài nét về tình hình của STT hiện nay?

Không chỉ thua lỗ, STT còn gặp vấn đề trong nội bộ cổ đông, nhưng tôi mừng là sau nhiều biến động, ĐHCĐ của Công ty đã được tổ chức suôn sẻ và đa số cổ đông tìm thấy tiếng nói chung. Tôi muốn nói lời cảm ơn những cổ đông đã tán thành và ủng hộ việc người nước ngoài tham gia vào việc quản lý Công ty. Quyết định này chứng tỏ cổ đông của STT muốn hướng Công ty thành một doanh nghiệp có tính quốc tế.

Với tình trạng hiện nay, áp lực cho CEO là rất lớn. Cách đây 1 - 2 năm, những nhà đầu tư Nhật Bản đã đề nghị được trở thành cổ đông chiến lược của STT và sau đó ứng cử vào vị trí thành viên HĐQT. Khi đó, nếu STT quyết đoán hơn thì tình trạng của Công ty đã sớm được cải thiện.

Tuy nhiên, tôi khẳng định, STT không phải không thể thoát lỗ. Phương án tạo ra nguồn lợi nhuận cho Công ty đã có, nhưng nó rất cần sự chung sức, chung lòng của các cổ đông. Nếu các cổ đông, trong đó có nhiều cổ đông là cán bộ trong Công ty, tin tưởng và hỗ trợ cho phương án kinh doanh mới, STT chắc chắn thoát khỏi nguy cơ hủy niêm yết.

Năm 2014, STT sẽ có lợi nhuận từ nguồn “đặc biệt” 

Vậy còn vấn đề giải quyết công nợ thì sao, thưa ông?

STT có những khoản nợ khó đòi, tính đến ngày 31/8/2014, khoản nợ này lên tới 37 tỷ đồng. Việc trích lập dự phòng nợ khó đòi làm cho tình trạng thua lỗ của Công ty trầm trọng hơn. Trong tháng 9 vừa qua, Công ty đã ký giấy ủy quyền cho ông Đinh Quang Hiền, nguyên Tổng giám đốc, hỗ trợ Công ty làm việc với các khách hàng để tiến hành thu hồi công nợ. Đến nay, Công ty đã nhận được văn bản của một số đối tác về việc thanh toán các khoản phải thu theo hợp đồng.

Với những tín hiệu tích cực ban đầu, STT hy vọng sẽ sớm thu hồi các khoản tiền còn tồn đọng, nhanh chóng ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Để tránh bị hủy niêm yết, năm 2014, STT buộc phải có lãi. Ban lãnh đạo STT có giải pháp nào khắc phục khoản lỗ lũy kế từ đầu năm đến nay, nhất là khi thời gian còn lại của năm không còn nhiều?

Chúng tôi sẽ cùng các đơn vị kinh doanh, công ty con dốc hết sức để tạo ra lãi cho hoạt động kinh doanh trong quý IV. Việc tạo lãi từ hoạt động kinh doanh cho cả năm 2014 đối với STT là khó, nhưng chúng tôi sẽ tạo ra lợi nhuận cuối cùng từ nguồn  “đặc biệt”.

Hiện tài sản của STT gồm có khu đất trên đường Nguyễn Kiệm, quận Gò Vấp và tòa nhà văn phòng tại 25 Pasteur, Quận 1 (TP. HCM). Chúng tôi đã có kế hoạch sử dụng, dự kiến sẽ đem lại nguồn thu từ 13 - 15 tỷ đồng, bù đắp cho khoản lỗ trong năm tài chính 2014.

Bên cạnh đó, chúng tôi triển khai đồng bộ một số kế hoạch kinh doanh. Tôi tin rằng, STT sẽ thoát lỗ trong năm nay. Trong năm 2015, STT dự kiến sẽ có doanh thu hơn 200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 15 tỷ đồng.

Về dài hạn, theo ông, STT có những vấn đề gì cần cải thiện? Chiến lược của Công ty trong thời gian tới như thế nào?

Chúng tôi dự định sẽ đầu tư liên kết với một số đối tác có tiềm lực, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đem lại nguồn lợi nhuận ổn định và bền vững cho Công ty.

Hơn nữa, một số tiềm năng của STT vẫn chưa được khai thác triệt để, như lĩnh vực nguồn nhân lực. Năm 2020, Nhật Bản là nước chủ nhà tổ chức Thế vận hội, sẽ có nhu cầu rất lớn về lao động và tôi có điều kiện để thúc đẩy mảng kinh doanh này cho Công ty.

Về dài hạn, cùng với việc tái cấu trúc, STT hướng tới mô hình là một tổng công ty với các công ty con trực thuộc, đồng thời mở rộng sang một số lĩnh vực như kinh doanh bất động sản, khách sạn, công nghệ thông tin.

Tin bài liên quan