STT hủy niêm yết: Không dễ

STT hủy niêm yết: Không dễ

(ĐTCK) Mới chỉ có 25% cổ đông nhỏ STT đồng ý hủy niêm yết, bằng một nửa tỷ lệ yêu cầu của pháp luật.

Vừa qua, CTCP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (STT) thuộc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn đã tổ chức ĐHCĐ, trong đó có 2 nội dung đáng chú ý là STT không đồng ý bán cổ phiếu dưới mệnh giá cho nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản và tự nguyện xin hủy niêm yết.

Theo tờ trình về việc hủy niêm yết, năm 2012, STT kinh doanh thua lỗ, thị giá cổ phiếu trên sàn rất thấp so với mệnh giá, việc phát hành tăng vốn điều lệ không thực hiện được. Ngoài ra, STT đã rơi vào diện cảnh báo từ 14/5/2013. HĐQT STT cho rằng, việc tiếp tục niêm yết không mang lại lợi ích cho đa số cổ đông, nên trình ĐHCĐ xem xét thông qua việc hủy niêm yết và ủy quyền cho HĐQT thực hiện. Tại cuộc họp ĐHCĐ, có 76,77%, tương ứng với khoảng 4,65 triệu cổ phiếu biểu quyết đồng ý với phương án hủy niêm yết tự nguyện.

Theo ông Đỗ Phan Châu, Chủ tịch HĐQT STT (người đại diện sở hữu của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn tại STT), việc hủy niêm yết tự nguyện là do thời gian qua Công ty gặp khó khăn, sau khi củng cố, đủ “sức khỏe” sẽ lại lên sàn và chủ trương hủy niêm yết đã được cổ đông Nhà nước là Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - sở hữu 29,1% cổ phần - đồng ý.

Sau khi Nghị quyết ĐHCĐ nói trên được ban hành, Sở GDCK TP. HCM (HOSE) đã có công văn gửi STT về việc hủy niêm yết. Theo đó, căn cứ vào quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 60 Nghị định 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán thì điều kiện để được hủy bỏ niêm yết tự nguyện là: Quyết định của ĐHCĐ có trên 50% số phiếu biểu quyết của các cổ đông không phải là cổ đông lớn chấp thuận hủy bỏ niêm yết.

Theo Công văn hướng dẫn số 490/UBCK-PTTT thì tỷ lệ 50% biểu quyết của cổ đông nhỏ được tính cho toàn bộ số cổ đông nhỏ (không dựa vào số cổ đông nhỏ tham dự họp hoặc số cổ đông nhỏ gửi phiếu biểu quyết dưới hình thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản).

Tuy nhiên, Nghị quyết ĐHCĐ thường niên năm 2012 của STT chưa thể hiện rõ được số phiếu biểu quyết cụ thể của các cổ đông lớn và cổ đông nhỏ lẻ đối với nội dung này. Do đó, HOSE yêu cầu STT có công văn trình bày rõ về nội dung nêu trên.

Được biết, STT có 387 cổ đông, đại diện cho 8 triệu cổ phần. Tại cuộc họp ĐHCĐ nói trên, có 78 cổ đông tham dự, đại diện cho 5,824 triệu cổ phần, chiếm tỷ trọng 72,8% tổng số cổ phần đang lưu hành. Trong phần biểu quyết, STT chỉ ghi nhận nội dung biểu quyết đồng ý hay không đồng ý mà không ghi nhận cổ đông nào đồng ý, cổ đông nào phủ quyết.

Ngoài ra, Khoản 9 Điều 6 Luật Chứng khoán năm 2006 quy định, cổ đông lớn là cổ đông nắm giữ từ 5% trở lên số cổ phần có quyền biểu quyết. Hiện tại, STT chỉ có 2 cổ đông lớn là Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (nắm 29,1%) và Công ty TNHH Sắt thép Vinh Đa (nắm 15,2%). Tổng cộng hai cổ đông lớn nắm giữ 3.544.368 CP (tương đương 44,3% CP). Như vậy STT có 385 cổ đông nhỏ nắm giữ 4.455.632 cổ phần. STT cần có 50% cổ đông đại diện cho số cổ phần này biểu quyết thông qua quyết định hủy niêm yết thì mới được cơ quan quản lý chấp nhận. Biên bản Nghị quyết ĐHCĐ thể hiện có 4,65 triệu cổ phiếu phần quyết đồng ý với phương án hủy niêm yết, trừ đi số cổ phần của 2 cổ đông tổ chức lớn thì STT mới có khoảng 1,1 triệu cổ phần của cổ đông nhỏ, xấp xỉ 25% của cổ đông nhỏ, đồng ý, trong khi quy định bắt buộc STT phải đạt được tỷ lệ 50%.

Với kết quả này, khả năng rất lớn là STT phải tổ chức họp ĐHCĐ lại để xin ý kiến cổ đông về việc hủy niêm yết. Vấn đề là việc thuyết phục cổ đông nhỏ để hủy niêm yết có lẽ không dễ dàng bởi từ góc nhìn cổ đông nhỏ, việc hủy niêm yết là bất lợi với họ. Nếu hủy niêm yết, Công ty có thể sẽ không đảm bảo công bố thông tin, minh bạch… như khi đang niêm yết. Cổ đông cũng khó giao dịch hơn nếu muốn bán cổ phần.

Đáng chú ý, nội dung đưa ra tại cuộc họp ĐHCĐ của STT cũng có những mâu thuẫn. Tờ trình xin hủy niêm yết của HĐQT Công ty viết: “Dự kiến tình hình kinh doanh năm 2013, do đang trong giai đoạn cải tổ sắp xếp lại các ngành nghề kinh doanh, nên hiệu quả mang lại ngay là không khả quan. Do đó, Công ty không thể khắc phục tình trạng ‘bị kiểm soát’ của HOSE”. Theo tờ trình này thì năm 2013, Ban lãnh đạo Công ty dự kiến kết quả kinh doanh sẽ tiếp tục lỗ. Trong khi đó, nội dung kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2013 đưa ra xin ý kiến ĐHCĐ lại đặt mục tiêu doanh thu 88,1 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 8 tỷ đồng, chia cổ tức 2%. Như vậy là ngay tại cuộc họp ĐHCĐ, cổ đông chưa kịp vui mừng vì Ban lãnh đạo STT cam kết năm 2013 sẽ có lợi nhuận, có cổ tức (năm 2012, Công ty không chia cổ tức) thì ngay lập tức thất vọng bởi cũng chính Ban lãnh đạo Công ty dự kiến tiếp tục thua lỗ!

Bên cạnh các vấn đề về hủy niêm yết, nội dung bầu thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát của STT cũng có nhiều khúc mắc, chưa rõ ràng. Ngay sau ngày tổ chức  ĐHCĐ, một số cổ đông cho rằng, kết quả bầu bổ sung thành viên HĐQT chưa chuẩn xác và nhiều khả năng điều này xuất phát từ cách tính phiếu bầu hợp lệ, không hợp lệ khi tiến hành kiểm tra, xác định phiếu bầu. Do các phiếu bầu của cổ đông đều được ký xác nhận nên việc  kiểm tra, nắm lại thực tế số phiếu bầu mà Ban kiểm phiếu cho là không hợp lệ cũng khá đơn giản để có thể giải tỏa thắc mắc của cổ đông.

Được biết, kết quả kiểm phiếu trong Biên bản họp ĐHĐCĐ cho thấy, có 12 phiếu bầu không hợp lệ, đại diện cho 2,05 triệu cổ phần. Trong kỳ bầu cử này, STT có 4 ứng cử viên cho 2 vị trí thành viên HĐQT. Kết quả bỏ phiếu như sau:

STT hủy niêm yết: Không dễ ảnh 1

Như vậy, nếu 12 phiếu bầu nói trên là hợp lệ thì kết quả bầu cử sẽ thay đổi lớn.

Chưa rõ HĐQT STT sẽ giải quyết yêu cầu của cổ đông ra sao. ĐTCK sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc khi có diễn biến mới.