Theo đó, đại diện cho nhóm cổ đông này đã nêu ra 4 vấn đề tồn tại ở STT dưới sự lãnh đạo, điều hành của Chủ tịch HĐQT Đỗ Phan Châu và Tổng giám đốc Dư Hữu Danh.
Từ thua lỗ liên tiếp
Thời gian qua, STT luôn trong tình trạng sản xuất kinh doanh yếu kém, thua lỗ nhiều. Theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông năm 2012, STT đặt kế hoạch kinh doanh 2013 với doanh thu 88,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 8 tỷ đồng và trả cổ tức 2%. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh năm 2013, STT chỉ đạt doanh thu thuần 77 tỷ đồng, lỗ 5,5 tỷ đồng.
Các số liệu tài chính thể hiện, STT càng kinh doanh, càng lỗ nặng, số lỗ quý sau cao hơn quý trước và có xu hướng tăng mạnh. Cụ thể, quý IV/2013 lỗ 2,7 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với quý III/2013 là 1 tỷ đồng.
Giải trình về kết quả thua lỗ trước UBCK và HOSE, STT chỉ nêu nguyên nhân chi phí năm nay cao hơn năm trước, nhưng không đưa ra phân tích chi tiết nào, cũng như không có một biện pháp khắc phục hay kế hoạch kinh doanh nào trong năm 2014.
Trong nửa đầu năm 2014, HĐQT cũng chưa họp để đánh giá việc thực hiện chi tiêu kế hoạch năm 2013, cũng như xây dựng kế hoạch cho năm 2014, qua đó, giúp STT có phương án hoạt động cụ thể nhằm tạo lợi nhuận trong năm 2014. Hệ quả của việc thiếu quan tâm từ ban lãnh đạo STT là Công ty tiếp tục lỗ trong quý I/2014 (1,8 tỷ đồng), gấp hơn 2 lần so với quý I/2013.
Với tình trạng này, việc thua lỗ tiếp trong năm 2014 là điều khó tránh khỏi.
Đến bán tài sản hàng loạt
Trong bối cảnh công ty làm thua lỗ, Chủ tịch HĐQT Đỗ Phan Châu có ý định bán hàng loạt tài sản. Điều này khiến các cổ đông lo sợ và phản ứng dữ dội.
Ông Đỗ Phan Châu, nguyên là cán bộ của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist) và được đơn vị này cử làm người đại diện phần vốn góp tại STT. Ông Châu nhận chức Chủ tịch HĐQT STT từ ngày 1/12/2012.
Tuy nhiên, ngày 2/5/2014 vừa qua, ông Châu đã có quyết định nghỉ hưu cùng với thông báo từ STT rằng, ông Châu không còn là người đại diện phần vốn của Saigon Tourist tại STT, phần vốn góp do ông Châu đại diện được chuyển giao sang cho ông Lê Danh Đạt. Ông Châu cũng không phải là cổ đông của STT.
Đây là tình huống hết sức bình thường ở các doanh nghiệp và mọi chuyện có lẽ không có gì gây chú ý nếu sau khi có quyết định nghỉ hưu, ông Đỗ Phan Châu làm đơn xin từ nhiệm như thông lệ ở nhiều công ty khác. Tuy nhiên, ông Đỗ Phan Châu, đến thời điểm hiện tại, không có đơn xin từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT STT.
Không những thế, đúng 2 tháng sau ngày nhận quyết định nghỉ hưu, ngày 2/7/2014, ông Đỗ Phan Châu đã triệu tập cuộc họp HĐQT, trong đó có việc xem xét các tờ trình với nội dung cơ bản là bán hàng loạt tài sản của Công ty!
Cụ thể, thanh lý 100 xe taxi được đầu tư từ năm 2009, thanh lý xe đào tạo không sử dụng đến và thanh lý khu đất có diện tích 616,3 m2 tại Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Gò Vấp (TP. HCM), vốn đang được thế chấp tại ngân hàng.
Điều này khiến các cổ đông lo sợ. Trong đơn thư gửi đến UBND TP. HCM, nhóm cổ đông đặt vấn đề, có phải sau gần 2 năm điều hành hoạt động kinh doanh ngày càng lỗ nặng, Ban lãnh đạo, Ban điều hành Công ty đã đi đến lập phương án bán dần tài sản để có nguồn tiền chi phí và sau khi sử dụng hết nguồn tiền thì sẽ đi đến giải thể hay phá sản Công ty?
Đơn thư còn nêu: "Về sự việc này, chúng tôi rất lo lắng vì ông Đỗ Phan Châu hiện nay đã nghỉ hưu, không còn là cán bộ Saigontourist quản lý, tức là không còn có bất kỳ quyền lợi và nghĩa vụ nào liên quan đến cổ phiếu của STT. Thế nhưng ông Châu lại chủ trì điều hành kế hoạch triển khai các quyết định thanh lý tài sản lớn của Công ty.
Chưa kể, hiện Saigontourist đã có Đề án tái cơ cấu, được UBND TP. HCM thông qua, với chủ trương thoái vốn 100% tại STT trong năm 2014.
Các cổ đông lo ngại một cán bộ nghỉ hưu cầm chịch ở STT có thể gây ra thiệt hại cho cổ đông khi mà cổ phần của từng cổ đông là một phần tài sàn quý giá, tích góp lâu dài mới có được".
Nhóm các cổ đông này đã có kiến nghị yêu cầu STT dừng ngay các phương án bán tài sản đồng thời yêu cầu Saigontourist cử người mới có trách nhiệm và trình độ chuyên môn thay thế cán bộ đã nghỉ hưu và các cán bộ yếu kém để cùng các cổ đông khác lập phương án tích cực đẩy mạnh kinh doanh tại STT.
Ai chịu trách nhiệm khi từ chối cổ đông chiến lược?
Câu chuyện cổ đông chiến lược cùng với trách nhiệm của Đỗ Phan Châu cũng được nhóm cổ đông nêu ra.
Với tình hình kinh doanh khó khăn, trước ĐHCĐ năm 2013, HĐQT đã thống nhất chọn Công ty Skirr Japan là đối tác chiến lược bán cổ phần tăng vốn điều lệ công ty.
Khi đó, Skirr Japan chào mua cổ phiếu STT với giá 4.500 đồng/CP, cao hơn giá trên sàn 50% và Công ty Skirr Japan đã đệ trình phương án đầu tư vào STT đến UBND TP. HCM với đề xuất từng bước phát triển STT, tăng vốn điều lệ, giảm lỗ kinh doanh, đưa giá trị cổ phiếu trở về mệnh giá…
Sau khi xem xét, Phó chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thị Hồng đã có ý kiến chỉ đạo: Giao Saigontourist có ý kiến xem xét hiệu quả phương án tham gia cổ đông chiến lược của Công ty Skirr Japan…
Nhưng tại ĐHCĐ năm 2012, cổ đông lớn Saigontourist đã phủ quyết không chấp thuận và ông Đỗ Phan Châu, chủ trì đại hội đã từ chối thông báo về ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo UBND Thành phố về vấn đề này dù được yêu cầu từ các cổ đông.
Vấn đề là, sau khi từ chối đối tác Skirr Japan, Ban lãnh đạo, Ban điều hành Công ty không có được phương án kinh doanh tốt hơn nhằm tạo ra lợi nhuận mà lại thua lỗ.
Kết quả kinh doanh trong năm 2013 và quý I/2014, Ban lãnh đạo STT cho thấy, họ không có năng lực đưa ra phương án kinh doanh tốt hơn phương án của Skirr Japan.
Do đó, nhóm cổ đông này khẳng định, phủ quyết phương án đầu tư của Skirr Japan rõ ràng là một quyết định sai lầm, làm mất cơ hội của STT.
“Chúng tôi muốn biết ai sẽ phải chịu trách nhiệm trong việc Saigontourist đưa ra quyết định này? Một quyết định ảnh hường trực tiếp đến sự tồn vong của STT”, các cổ đông đặt vấn đề trách nhiệm.
Trong ĐHCĐ năm 2012, ông Đỗ Phan Châu, Chủ tịch HĐQT STT đã xin ý kiến cổ đông về việc hủy niêm yết. Mặc dù đa số các cổ đông nhỏ không đồng ý, nhưng ông Đỗ Phan Châu, đại diện Saigontourist đã dùng quyền cổ đông lớn để thông qua Nghị quyết. Nhưng sau đó, HOSE đã yêu cầu giải trình về tỷ lệ cổ đông nhỏ thông qua kế hoạch hủy niêm yết, bởi theo quy định tại Nghị định 58/2012, phải có ít nhất 50% số cổ đông nhỏ tham dự cuộc họp đồng ý, việc hủy niêm yết mới được thông qua và ghi vào biên bản. Chỉ khi này, việc hủy niêm yết mới được loại bỏ khỏi Nghị quyết ĐHCĐ. |