Stress - “Sát thủ vô hình” trên thị trường nhân sự

0:00 / 0:00
0:00
Chỉ số niềm tin của người lao động vào tầm nhìn và chiến lược của công ty vẫn tăng lên đáng kể, nhưng “chỉ số stress” của họ cũng đang rất cao, cảnh báo nhiều hệ lụy khó lường.
Để giữ chân người tài, bên cạnh điều kiện đãi ngộ, doanh nghiệp phải tạo dựng được niềm tin, tầm nhìn và văn hóa doanh nghiệp.

Để giữ chân người tài, bên cạnh điều kiện đãi ngộ, doanh nghiệp phải tạo dựng được niềm tin, tầm nhìn và văn hóa doanh nghiệp.

Những “nốt nhạc vui”

Khi phân tích những xu hướng thay đổi từ năm 2021 đến năm nay, khảo sát “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2022” do Anphabe thực hiện ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực.

So với năm 2021, mặc dù tình hình kinh doanh năm nay còn nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp đã cải thiện thu nhập của nhân viên tốt hơn khá nhiều. Cụ thể, tính đến tháng 9/2022, có 56% người lao động được tăng lương, 38% giữ nguyên, chỉ có 6% bị giảm lương hoặc thu nhập không ổn định. Tuy các con số này chưa phải là cao so với những năm bình thường, nhưng đã thể hiện nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp Việt.

Các giám đốc nhân sự cũng dự báo, mức tăng lương trung bình cho năm 2023 là 12%.

Cùng với thu nhập từ lương, năm 2022, các doanh nghiệp đã cố gắng để 9/10 lao động được nhận thưởng về thành tích của năm 2021.

Một “nốt nhạc” tích cực khác là trào lưu nghỉ việc “hậu Covid-19” đã “bớt ồ ạt” và có dấu hiệu chững lại. Dự báo, trong 6 tháng đến 1 năm tới, tỷ lệ nghỉ việc còn khoảng 17%. Con số này chưa thể xem là lý tưởng, nhưng đã giảm khá nhiều so với tỷ lệ 23% trong giai đoạn ngay sau dịch.

Bên cạnh đó, sau đà giảm trong 2 năm đại dịch, tỷ lệ nhân viên nhóm nòng cốt (những người vừa nỗ lực cao, vừa trung thành) đang có sự phục hồi. Tỷ lệ nhóm từ bỏ (những người nỗ lực thấp và muốn nghỉ việc) và nhóm thất thoát đáng tiếc (những người dù nỗ lực cao, nhưng vẫn nghỉ việc, khiến công ty tiếc nuối) đã có xu hướng giảm nhiều. Ngoài ra, nhờ nỗ lực thay đổi, gia tăng gắn kết nội bộ của các doanh nghiệp, tỷ lệ “zombie” (nhóm nhân viên nỗ lực thấp mà vẫn không rời đi) giảm đáng kể.

Thêm nữa, dù tình hình kinh tế tiếp tục có những khó khăn mới, nhưng nhiều doanh nghiệp đã làm tốt hơn vai trò xây dựng chiến lược và định hướng tương lai. Bằng chứng là, chỉ số niềm tin của nhân viên vào tầm nhìn và chiến lược của công ty đã tăng lên ngưỡng 75% vào thời điểm tháng 9/2022 so với mức thấp kỷ lục 44% vào quý III/2021 khi tình hình dịch bệnh và kinh doanh rất căng thẳng. Ngoài ra, 46% doanh nghiệp Việt vẫn đang có kế hoạch gia tăng nguồn nhân lực vì muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh và đầu tư trước cho tương lai.

Cảnh báo gia tăng tình trạng stress ở người đi làm

Nhìn chung, cuối năm 2022 - đầu năm 2023 sẽ có nhiều thay đổi tích cực. Tuy nhiên, doanh nghiệp chưa thể mừng quá sớm vì các kết quả khảo sát chuyên sâu của Anphabe ghi nhận cảnh báo về tình trạng stress ở người đi làm khá trầm trọng và ngày càng gia tăng.

Cụ thể, có tới 42% người đi làm đang trong trạng thái mệt mỏi, chán nản với tần suất stress từ thường xuyên đến rất thường xuyên. Trong đó, nhóm quản lý cấp trung, nhóm nhân viên có thâm niên 2 - 5 năm đang thấy áp lực nhất. Ngành sản xuất, vật liệu xây dựng và ngân hàng là 2 ngành có lượng nhân viên stress đông nhất. Kế tiếp là các ngành sản xuất hóa chất; dược, chăm sóc sức khỏe; xây dựng và kiến trúc.

Đáng lưu ý, ở giai đoạn này, dù làm trong lĩnh vực và cấp độ nào, thì 2 mối bận tâm hàng đầu khiến người đi làm dễ phân tâm đều xoay quanh áp lực tài chính và công việc nhiều, thời hạn gấp gáp. Bên cạnh đó, nhóm nhân viên dễ hoang mang khi thiếu định hướng nghề nghiệp rõ ràng; nhóm nhân sự cấp trung thường có thêm áp lực vì quy trình làm việc phức tạp, thiếu rõ ràng; nhóm quản lý cấp cao cũng mệt mỏi vì phải thích ứng với quá nhiều thay đổi trong tổ chức.

Đây là “sát thủ vô hình” giết chết động lực cũng như sự gắn kết của người đi làm với doanh nghiệp. Vì mức độ stress càng cao, nỗ lực tự nguyện cống hiến cho công việc và cam kết gắn bó của nhân sự với công ty càng suy giảm.

Khảo sát của Anphabe ghi nhận, trong nhóm nhân viên có dự định nghỉ việc trong vòng 6 tháng tới, tỷ lệ stress từ thường xuyên đến rất thường xuyên cao gấp 250% so với nhóm thỉnh thoảng mới bị stress.

Sau Covid-19, người đi làm trẻ tuổi có xu hướng thay đổi góc nhìn về tầm quan trọng của công việc so với nhiều ưu tiên khác trong cuộc sống.

Ông Vũ Đức Trí Thể, Giám đốc giải pháp tại Học viện Quản lý PACE cho rằng, nhân sự hay nhân tài đang thay đổi rất nhiều so với thời gian trước, xu hướng nhảy việc nhiều hơn, lựa chọn nhiều hơn và việc giữ chân nhân tài trong bối cảnh hiện nay ngày càng khó khăn hơn. Theo đó, để giữ chân người tài gắn kết với doanh nghiệp, bên cạnh điều kiện đãi ngộ, còn phải tạo dựng được niềm tin, tầm nhìn và quan trọng nhất là văn hóa doanh nghiệp, để nhân sự thấy được chính mình trong đó và cống hiến lâu dài.

Thực tế, khi công việc không còn là tất cả, họ sẽ tìm cách phản kháng bằng cách nói không hoặc từ bỏ trong im lặng. Đó là lý do vì sao xu hướng nghỉ việc trong yên lặng ngày càng phổ biến.

Nên dù muốn hay không, các nhà lãnh đạo và quản lý nhân sự cần phải lưu tâm đến xu hướng này. Thêm nữa, thực trạng stress tăng cao, ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng nguồn nhân lực buộc doanh nghiệp phải nghiêm túc xem xét lại chính sách chăm lo an sinh cho nhân viên.

Mặc dù đây đang là chiến lược quan trọng trong nhiều bàn nghị sự trên thế giới, nhưng thực tế tại Việt Nam vẫn chưa thực sự theo kịp. Khảo sát của Anphabe với gần 100 doanh nghiệp lớn đại diện 20 ngành nghề chính cho thấy, mới chỉ có 15% doanh nghiệp chọn an sinh cho nhân viên vào nhóm ưu tiên chiến lược hàng đầu trong năm 2023, đứng thứ 9 sau nhiều ưu tiên chiến lược khác.

Xu hướng chung từ các doanh nghiêp cấp tiến cho thấy, an sinh ngày nay không đơn giản là cung cấp một số phúc lợi nhỏ, mà phải cho nhân sự thấy con đường trở thành nhân tài trụ cột ra sao.

Vì mỗi người đi làm mang theo tất cả mối quan tâm của họ trong cuộc sống đến công sở, nên doanh nghiệp cần có cách tiếp cận an sinh toàn diện, chăm lo cho nhân viên như một “con người trọn vẹn” chứ không chỉ là “con người đi làm”, thông qua 5 vấn đề chính bao gồm: sức khỏe thể chất, sức khỏe cảm xúc, sức khỏe tinh thần, sức khỏe tài chính và sức khỏe sự nghiệp.

“Tôi tin rằng, công ty nào thể hiện rõ sự quan tâm chân thành tới người lao động, họ sẽ là thỏi nam châm hút về những tinh hoa của nguồn nhân lực và tới lượt mình, nhân viên cũng sẽ chăm lo tốt cho sự phát triển của doanh nghiệp đó”, bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành và truyền cảm hứng hạnh phúc (Anphabe) chia sẻ.

Từ thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, ông Trần Trung Hiếu, nhà sáng lập, kiêm CEO Công ty cổ phần TopCV Việt Nam chia sẻ, người lao động đang tự chủ hơn trong việc lựa chọn nơi làm việc cho mình. Giờ đây, lương, thưởng, phúc lợi không còn là mối quan tâm hàng đầu của họ, mà là những tiêu chuẩn về văn hóa doanh nghiệp phù hợp. Theo đó, doanh nghiệp mà họ lựa chọn phải là nơi có thể đem lại cho họ một lộ trình sự nghiệp rõ ràng, được đào tạo kỹ năng chuyên môn, được trao quyền và cơ hội thử thách bản thân.

Tin bài liên quan