Việt Nam nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư nước ngoài nhờ sự duy trì ổn định phát triển kinh tế trong những năm gần đây và đặc biệt là tiềm năng tăng trưởng cao của khối doanh nghiệp tư nhân trong đó có các công ty đại chúng. Tuy nhiên, Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay là một trong số ít các thị trường vẫn được phân loại là thị trường cận biên theo chuẩn của MSCI cùng với Bangladesh và Sri Lanka. Thực tế này dẫn đến việc hạn chế đầu tư vào Việt Nam của nhiều định chế tài chính và quản lý đầu tư lớn có chiến lược phân bổ danh mục đầu tư trên phạm vi toàn cầu hoặc tập trung vào các nhóm các thị trường mới nổi hoặc mang tính khu vực.
Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã có thể sở hữu 100% cổ phiếu có quyền biểu quyết đối với các công ty đại chúng của Việt Nam khi các công ty này điều chỉnh tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo các quy định hiện hành. Ngoài việc nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã và đang thực hiện các hoạt động nhằm đẩy nhanh tiến trình nâng hạng này trong bối cảnh hội nhập quốc tế thị trường vốn và đẩy mạnh thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Chính phủ và các bộ, ngành đã và đang xử lý tiến trình này như thế nào? Các rào cản chính trong việc nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là gì và dự kiến khi nào thị trường chứng khoán Việt Nam có thể hoàn tất tiến trình này?
Để trả lời những câu hỏi này và trong khuôn khổ hợp tác giữa Sở Giao dịch Chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE) và StoxPlus, hai bên đã tiến hành rà soát chi tiết về giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài của các công ty nằm trong nhóm VN100 niêm yết trên HOSE. Hai bên cũng đã tiến hành khảo sát lấy ý kiến và phản hồi của đại diện từ hơn 100 định chế tài chính và đầu tư, bao gồm cả các tập đoàn quản lý quỹ lớn chưa từng tham gia vào TTCK Việt Nam.
Ngoài chia sẻ của đại diện MSCI, đại diện của cơ quản quản lý và các diễn giả khác, HOSE và StoxPlus sẽ trình bày kết quả của rà soát về giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài và các phát hiện từ cuộc khảo sát nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tại Hội nghị này.
Hội thảo này được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, IFC, Tập đoàn Nikkei, QUICK và công ty tư vấn luật Indochine Counsel hỗ trợ kỹ thuật và Công ty Chứng khoán VNDirect là đơn vị tham gia tài trợ.
Đây là Hội nghị thứ hai được HOSE và StoxPlus đồng tổ chức với sự hỗ trợ của Nikkei và QUICK từ Nhật Bản. Hội nghị dự kiến sẽ có 250 đại diện từ các tổ chức tài chính và đầu tư tại Việt Nam, Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông, Thượng Hải, Thái Land, Malaysia, Mỹ và EU tham dự và tham gia trao đổi.
Hội nghị sẽ diễn ra ngày 4/11/2016, tại tòa nhà Exchange Tower, Sở Giao dịch Chứng khoán Hồ Chí Minh, 16 đường Võ Văn Kiệt, quận 1, TP. HCM.