Trước những nghi vấn về quyết định mua 100 triệu CP quỹ, dư luận đang chờ đợi thông tin chính thức từ lãnh đạo STB

Trước những nghi vấn về quyết định mua 100 triệu CP quỹ, dư luận đang chờ đợi thông tin chính thức từ lãnh đạo STB

STB: nghi vấn về quyết định mua CP quỹ

(ĐTCK-online) Việc mua lại cổ phiếu quỹ ngay sau khi vừa hoàn tất đợt phát hành thêm cổ phiếu mới liệu có phải là "bước đi đã có sự tính toán từ trước"? "Buôn ngược" có lẽ là điều nhìn thấy rõ nhất trong lần mua cổ phiếu quỹ này.

Tại phiên họp thường kỳ quý III/2011 ngày 25/10/2011, HĐQT của Ngân hàng TMCP Sacombank (STB) đã thông qua kế hoạch mua cổ phiếu quỹ khoảng 10% vốn điều lệ. Căn cứ vào kế hoạch này, ngày 9/11/2011, STB đã ra thông báo về việc mua lại 100 triệu cổ phiếu STB để làm cổ phiếu quỹ, thời gian giao dịch từ 16/11/2011 đến 16/12/2011, phương thức giao dịch là khớp lệnh hoặc thỏa thuận, với mục đích góp phần bình ổn TTCK và bảo vệ lợi ích cổ đông STB.

STB có mua đủ lượng cổ phiếu như đã đăng ký hay không và ở mức giá nào vẫn là câu hỏi ngỏ, nhưng để góp phần bình ổn TTCK và bảo vệ lợi ích của cổ đông thì phương án này có đôi điều cần phải bàn luận thêm.

Việc mua lại cổ phiếu quỹ ngay sau khi vừa hoàn tất đợt phát hành thêm cổ phiếu mới liệu có phải là "bước đi đã có sự tính toán từ trước"? Sau khi đã được NHNN chấp thuận cho phép tăng vốn điều lệ từ 9.179,2 tỷ đồng lên 10.739,7 tỷ đồng, STB đã thông báo ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức năm 2010 và phát hành thêm cổ phiếu. Theo đó, ngày giao dịch không hưởng quyền là 10/8/2011, lượng cổ phiếu dự kiến phát hành thêm là 137,69 triệu đơn vị với giá phát hành là 10.000 đồng/CP. Trước ngày chốt danh sách cổ đông, cổ đông chiến lược (Dragon Financial Holdings Limited) đã hoàn tất việc thoái vốn (toàn bộ 61,1 triệu cổ phiếu, tương đương 6,66% vốn điều lệ), thông qua phương thức thỏa thuận tại ngày 4/8/2011. Ngày 26/10/2011, STB đã nhận Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mới (đăng ký thay đổi lần thứ 33) với vốn điều lệ là 10.739,7 tỷ đồng và tổng số cổ phần là 917,9 triệu đơn vị. Tuy nhiên, trước đó 01 ngày (ngày 25/10/2011), HĐQT của STB đã thông qua kế hoạch mua cổ phiếu quỹ khoảng 10% vốn điều lệ.

"Buôn ngược" có lẽ là điều nhìn thấy rõ nhất trong lần mua cổ phiếu quỹ này. Để tăng vốn điều lệ từ 9.179,2 tỷ đồng lên 10.739,7 tỷ đồng, STB đã phát hành thêm hơn 100 triệu cổ phiếu với giá phát hành 10.000 đ/CP. Để mua lại 100 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, STB sẽ mua lại ở mức giá nào còn chưa biết chính xác. Nhưng theo như tuyên bố của Chủ tịch HĐQT STB, "nếu giá dưới 2 chấm thì sẽ mua đến khi STB về đúng giá trị thực". Nếu điều này xảy ra thì đây đúng là câu chuyện "buôn ngược" - thu về thì ít nhưng chi ra thì nhiều.

Các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của STB, trước hết là tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng khi STB mua lại cổ phiếu quỹ. Nếu năm 2010, NHNN rất chú ý đến việc đốc thúc các NHTM tăng vốn điều lệ theo đúng lộ trình của Nghị định 141/2006/NĐ-CP ngày 22/11/2006, thì trong năm 2011, NHNN lại hướng sự chú ý đến hạn mức tăng trưởng tín dụng và chất lượng tài sản của các NHTM. Còn trong năm 2012, vấn đề tái cấu trúc hệ thống NHTM sẽ là trọng tâm trong mối quan tâm của NHNN. Để có cơ sở cho việc tái cấu trúc, vấn đề đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các NHTM sẽ đặc biệt được NHNN quan tâm và giám sát chặt chẽ. Theo BCTC riêng lẻ quý III/2011 của STB, tỷ lệ vốn tự có (phần vốn góp, mua cổ phần)/tổng tài sản đang có xu hướng giảm và chỉ đạt mức 7,7% tại thời điểm 30/9/2011. Giá trị các khoản chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư (chủ yếu là trái phiếu doanh nghiệp và cổ phiếu) ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản (tại 30/9/2011, tỷ lệ này là 17%). Nếu tính tổng tài sản theo hệ số rủi ro như quy định, thì tại thời điểm 30/9/2011, tỷ lệ an toàn vốn của STB là 12,1% (mức quy định là 9%). Việc mua lại cổ phiếu quỹ sẽ làm giảm vốn tự có và hệ quả là tỷ lệ này sẽ bị kéo xuống 11,35%.

Việc giảm tổng tài sản tương ứng để duy trì tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo yêu cầu sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của STB. Theo BCTC riêng lẻ quý III/2011 của STB, thu nhập lãi ròng đóng góp khoảng hơn 80% tổng thu nhập của STB và lãi từ các khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán nợ khác chiếm khoảng hơn 14% tổng thu lãi của STB trong 9 tháng đầu năm 2011. Theo Thông tư 13/2010/TT-NHNN, các khoản đầu tư này được phân loại là các tài sản có hệ số rủi ro cao. Việc giảm lượng tài sản "Có" rủi ro cho tương ứng với việc giảm vốn tự có chắc chắn sẽ dẫn đến sự suy giảm các khoản thu nhập lãi và điều đó sẽ làm suy giảm lợi nhuận của STB. 

Cần lưu ý, STB vốn là một cổ phiếu "hot", thường được các CTCK cho khách hàng sử dụng tỷ lệ đòn bẩy tài chính rất cao. Việc bị kẹp hàng ở mức giá cao hơn mức giá hiện nay cũng là điều dễ hiểu và đó đang là nỗi "khổ tâm" của cả khách hàng lẫn CTCK. Hãy nhìn vào CTCK SBS. Theo BCTC riêng lẻ quý III/2011 của SBS, tính đến 30/9/2011, khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn khác (bao gồm các khoản hợp tác đầu tư, ủy thác đầu tư…) là khoảng 4.717 tỷ đồng (chiếm khoảng 86% tổng tài sản của SBS), liệu trong đó có bao nhiêu cổ phiếu STB? Để tài trợ cho danh mục đầu tư này, SBS có khoản nợ phải trả (vay ngắn hạn ngân hàng, phải trả ngắn hạn và vay dài hạn ngân hàng) là 3.556 tỷ đồng. Việc mua lại cổ phiếu quỹ của STB vì thế có thể là giải pháp bất đắc dĩ để giúp một số đối tượng thoát hàng và có tiền để xử lý nhu cầu tài chính đang cấp thiết.