Trang tin Mashable cho biết, VizEat tuyên bố họ vừa thực hiện thành công một đợt vận động rót vốn nữa, với tổng trị giá đầu tư lên đến 4,3 triệu USD.
“Mời bạn đến ăn tối cùng tôi”
Kể từ khi được Jean-Michel Petit và Camille Rumani thành lập vào tháng 7.2014 đến nay, VizEat đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Ở startup của Pháp thấp thoáng hình dáng của startup công nghệ chuyên về du lịch Airbnb đang thành công toàn cầu. Theo trang Tech Crunch, cả hai startup đều nhắm đến một đặc trưng cực kỳ hấp dẫn với khách du lịch: Sự trao đổi văn hóa.
Theo Mashable, điều mà VizEat nhắm đến là chủ đề “ăn tối giao tiếp xã hội”. VizEat xây dựng một nền tảng, hay đúng hơn là một nơi mua bán, kết nối những ai muốn trải nghiệm bữa ăn tôi đậm chất địa phương với các gia chủ nào sẵn lòng nấu một bữa tối nhiều hơn thường lệ cho những người khách đến từ nơi xa lạ.
Những gia chủ sẽ là đăng nhập vào VizEat để đăng ký tổ chức bữa tối và tự đưa ra mức giá cho bữa ăn. Những khách du lịch, hay thậm chí là người ở chính trong thành phố đó, nếu cảm thấy thích sẽ chấp nhận trả mức giá đó để tham gia vào bữa ăn. Những người đến dự bữa ăn sau đó sẽ trả thêm cho VizEat một khoản phí tương tự như phí mô giới.
Startup của Pháp hướng đến sản phẩm cuối cùng là sự trải nghiệm chứ không chỉ đơn thuần là ẩm thực.
Hiện startup này đã có hơn 20.000 “gia chủ” đăng ký hoạt động, đến từ hơn 110 quốc gia, theo Mashable. Năm 2015, startup này cũng đã chứng tỏ được vị thế của mình trên sân chơi ẩm thực du lịch khi mua lại Cookening, một startup có tính chất hoạt động tương tự với mình tại châu Âu.
Cuộc cách mạng ẩm thực
Nền kinh tế chia sẻ (sharing-economy) đang bùng nổ và thay đổi cách kinh doanh trong hàng loạt ngành nghề. Điển hình nhất là Uber trong kinh doanh giao thông vận tải, và Airbnb trong kinh doanh chỗ ở du lịch. Giờ đây, VizEat cùng một làn sóng các startup tương tự đang mở rộng sức công phá của kinh tế chia sẻ sang lĩnh vực ẩm thực.
Những startup như VizEat cho phép khách hàng cảm nhận được không chỉ hương vị ẩm thực, mà còn cả không gian văn hóa, sự trao đổi giao tiếp xã hội giữa chủ và khách. Sản phẩm này của công ty, chứ không phải là đồ ăn thức uống, tạo nên sự mới mẻ so với kinh doanh nhà hàng và ẩm thực du lịch hiện tại. Tờ The Guardian bình luận, làn sóng của các startup như VizEat đang tạo ra cả một cuộc cách mạng trong ẩm thực.
Hai nhà đồng sáng lập của VizEat là Camille Rumani (trái) và Jean-Michel Petit (phải). Ảnh: VIZEA
Những người vừa công tác vừa du lịch tại nước ngoài đang là nhóm khách hàng đặc biệt yêu thích VizEat. CEO kiêm đồng sáng lập VizEat, ông Jean-Michel Petit, chia sẻ: “Du lịch đến một thành phố hay một quốc gia khác có thể là một trải nghiệm rất cô độc. Những bữa tối giao tiếp xã hội giúp người khách lạ vượt qua được sự cô đơn đó”.
Ưu điểm lớn nhất của nền kinh tế chia sẻ là sự giám sát chéo lẫn nhau của người dùng. Những ứng dụng như VizEat cho phép khách du lịch tránh phải trả mức giá “cắt cổ” khi bước chân đến vùng đất lạ. Những đánh giá của những người dùng khác góp phần loại bỏ những mức giá trên trời.
Sự chia sẻ cũng tạo nên vô số các lựa chọn cho người dùng, từ một bữa tiệc của sinh viên đến một bữa ăn “thượng lưu” của một đầu bếp ngẫu hứng muốn nấu ăn tại nhà. Trong khi đó, người gia chủ cũng hưởng lợi không chỉ về kinh tế. Ngay cả những người không phải bản địa, sinh sống tại một thành phố hay đất nước, cũng có thể đăng ký mời khách là người bản địa đến ăn. Những gia chủ này có thể mở rộng được mối quan hệ của mình, và biết nhiều hơn về nền vùng đất lạ lẫm mà họ vừa dọn đến.
Yêu thích du lịch, từng sẵn sàng rời bỏ Paris hoa lệ để đến Bắc Kinh làm việc, Camille Rumani, cùng người cộng sự Jean-Michel Petit, giờ đây thật sự đang sống và làm việc trong “giấc mơ” của mình.