Theo Standard Chartered, các hành lang thương mại kết nối với châu Á, châu Phi và Trung Đông sẽ vượt tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu khoảng 4 điểm phần trăm, thúc đẩy tổng kim ngạch thương mại ở các khu vực này lên 14.400 tỷ USD, chiếm 44% thương mại toàn cầu vào năm 2030.
Việt Nam sẽ là một trong những nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng thương mại toàn cầu. Xuất khẩu của Việt Nam dự kiến đạt 618 tỷ USD vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7%, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 5%.
Trung Quốc, Hàn Quốc và Hoa Kỳ dự kiến sẽ là những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam trong những năm tới. Bên cạnh đó, thương mại với Ấn Độ, Singapore và Indonesia được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2021-2030.
Các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam |
Nhu cầu ngày một gia tăng của thế giới đối với các sản phẩm điện tử, hoạt động đầu tư và các sáng kiến về phát triển bền vững sẽ thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam.
Bà Michele Wee, Tổng giám đốc ngân hàng Standard Chartered Việt Nam chia sẻ: “Việt Nam có nhiều tiềm năng để trở thành một trung tâm thương mại toàn cầu. Là một ngân hàng quốc tế với 119 năm hoạt động tại Việt Nam, chúng tôi có những lợi thế vượt trội để hỗ trợ các giao dịch xuyên biên giới, giúp khách hàng định hướng chiến lược kinh doanh và đầu tư, đồng thời nắm bắt các cơ hội thương mại toàn cầu”.
Các hành lang thương mại tăng trưởng cao ở châu Á, châu Phi và Trung Đông. |
Nghiên cứu dựa trên một cuộc khảo sát với hơn 100 nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu tại 13 thị trường, báo cáo cho biết, 54% người được hỏi cho rằng xung đột và căng thẳng địa chính gia tăng là thách thức hàng đầu với doanh nghiệp họ, 52% cho rằng, giá cả năng lượng và hàng hóa cao và biến động là thách thức hàng đầu, 46% lựa chọn chất lượng cơ sở hạ tầng yếu kém; 45% cho rằng lạm phát cao là thách thức đáng lo ngại, trong khi 44% cho rằng, các lệnh trừng phạt, chính sách thuế quan và cấm xuất khẩu là thách thức hàng đầu với họ.
Cũng theo báo cáo, đến năm 2030, việc tăng cường áp dụng các giải pháp tài chính chuỗi cung ứng kỹ thuật số có thể giúp thúc đẩy xuất khẩu tăng 7,5% tại 13 thị trường được khảo sát, và đạt mức tăng 791 tỷ USD. Các giải pháp tài chính chuỗi cung ứng kỹ thuật số cũng có thể giúp thúc đẩy khả năng tiếp cận tài chính và sự tham gia đóng góp vào nền kinh tế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), giúp các công ty này theo dõi việc tuân thủ các tiêu chí ESG và giảm rủi ro gian lận cũng như chi phí giám sát.
Ông Michael Spiegel, Giám đốc toàn cầu khối ngân hàng giao dịch, Ngân hàng Standard Chartered chia sẻ: “Thương mại toàn cầu được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong thập kỷ tới. Chúng tôi mong muốn giúp các khách hàng của mình cải thiện khả năng tiếp cận tài chính và đạt được các yêu cầu tuân thủ về ESG trên toàn bộ chuỗi cung ứng của họ. Các giải pháp tài chính chuỗi cung ứng kỹ thuật số sẽ góp phần hiện thực hóa những mục tiêu này và thúc đẩy tăng trưởng thương mại bền vững ở các nền kinh tế đang phát triển”.