
Theo Báo cáo, triển vọng kinh tế của Việt Nam tiếp tục được củng cố nhờ vào sự hội nhập sâu rộng với các mạng lưới thương mại toàn cầu thông qua nhiều hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, cùng với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) duy trì ổn định. Những yếu tố này tiếp tục nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi sản xuất và xuất khẩu toàn cầu. Các chỉ số kinh tế chủ chốt trong tháng 3 cho thấy sự ổn định.
Theo số liệu công bố của Cục Thống kê (Bộ Tài chính) ngày 6/4/2025, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam trong quý 1/2025 ước tính tăng trưởng mạnh mẽ 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức tăng trưởng cao nhất so với quý I của các năm trong giai đoạn 2020-2025
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2025 ước đạt 570,9 nghìn tỷ đồng ước tăng 10,8%. Tính chung quý I/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.708,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với quý năm I/2024.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 75,39 tỷ USD, tăng 18,2% so với tháng trước và tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý 1/2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 202,52 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 17,0%.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 3 xuất siêu 1,63 tỷ USD. Tính chung quý I/2025, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 3,16 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 7,7 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 7,76 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 10,92 tỷ USD.
Tính chung quý I/2025, lạm phát tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 3,01%. “Xu hướng lạm phát kéo dài có thể gây ra thách thức đến chính sách tiền tệ”, Báo cáo của Ngân hàng Standard Chartered nhận định.
Ông Tim Leelahaphan, Chuyên gia kinh tế Cấp cao Việt Nam và Thái Lan, Ngân hàng Standard Chartered cho biết: “Trong khi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn vững chắc, rủi ro thương mại và biến động tiền tệ có thể tác động đến các quyết định chính sách. Việt Nam có thể cân nhắc áp dụng chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm đảm bảo ổn định tài chính và ứng phó linh hoạt trước những biến động kinh tế có thể xảy ra”.
Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp và Đầu tư, Standard Chartered Việt Nam, bà Nguyễn Thúy Hạnh đã nhấn mạnh khả năng phục hồi của Việt Nam, một trong những nền kinh tế năng động nhất ASEAN: “Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong các thập kỷ gần đây, ngay cả khi phải đối mặt với những thách thức định kỳ, cũng như đang chuyển mình trở thành một nền kinh tế thu nhập trung bình cao phát triển mạnh mẽ. Là ngân hàng quốc tế với hơn 120 năm hoạt động tại Việt Nam, Standard Chartered cam kết thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới, và phát triển bền vững tại đây. Thông qua hợp tác với khách hàng và đối tác của Ngân hàng, chúng tôi cam kết thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện đối với tài chính bền vững, hỗ trợ mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050 và thúc đẩy tăng trưởng và thịnh vượng cho quốc gia”.