Tuy nhiên, nếu dòng tiền từ khối ngoại được duy trì và các yếu tố hỗ trợ đến từ chính sách tài khóa mở rộng của Chính phủ (thông qua việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công) hay Nghị định 65 sửa đổi dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 2 để được thông qua vẫn sẽ tác động tích cực lên thị trường chứng khoán theo chiều ngược lại.
Dù vậy, thị trường chứng khoán vẫn tồn tại các yếu tố rủi ro tiềm ẩn đến từ trong nước như: áp lực thanh khoản hệ thống bắt nguồn từ lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn; các khó khăn trên thị trường bất động sản vẫn sẽ kéo dài do lãi suất có thể sẽ đạt đỉnh nhưng sẽ khó hạ nhiệt ngay. Trong khi đó, rủi ro căng thẳng địa chính trị ở một số khu vực trên thế giới vẫn chưa thể loại trừ.
Các chuyên gia SSI cho rằng, Việt Nam có thể đạt được tăng trưởng GDP ở mức 6,2% cho năm 2023, đây là con số nổi bật trong bối cảnh xu hướng kinh tế thế giới giảm tốc đáng kể. Tại ngày 03/02/2023, P/E dự phóng cho năm 2023 của thị trường là 8,1 lần - thấp hơn 42,5% so với mức P/E trung bình là 14,16 lần trong giai đoạn 2009 - 2022.
Lịch sử thị trường chứng khoán cho thấy, các giai đoạn biến động mạnh nhất của thị trường theo chiều hướng xấu khả năng tạo cơ hội tốt nhất, nên SSI Research tiếp tục duy trì chiến lược tổng thể là vào các nhịp điều chỉnh mạnh do biến số rủi ro mang lại sẽ đẩy mạnh “MUA” vào cho chiến lược đầu tư trung hạn.
"Với tầm nhìn ngắn hạn, nhà đầu tư có thể linh hoạt với chiến lược giao dịch năng động mua thấp bán cao”, báo cáo nhấn mạnh.
Về mặt kỹ thuật, thị trường chứng khoán Việt Nam quay lại với diễn biến thận trọng trong các phiên đầu tháng 2 sau tháng 1 tăng mạnh mẽ. Hiện tại, chỉ số đang cho thấy trạng thái tích lũy trên đường MA 20 ngày đi cùng với sự thu hẹp của thanh khoản.
Chỉ số VN-Index đang vận động trong sóng hồi phục 4 (theo mẫu hình Elliot) trước khi quay lại với sóng giảm 5. Sóng hồi kể trên được duy trì kể từ giai đoạn giữa tháng 11/2022 cho đến thời điểm hiện tại nhờ động lực quan trọng từ dòng tiền khối ngoại.
Theo đó, vận động của thị trường trong tháng 2 sẽ phụ thuộc vào khả năng kiểm định MA 20 ngày của chỉ số VN-Index. Nếu xây nền và giữ vững MA 20 ngày, khả năng mở rộng đà hồi phục theo xu thế đi lên từ cuối năm 2022 vẫn sẽ được duy trì với vùng mục tiêu 1.100 - 1.125 điểm. Ngược lại, rủi ro điều chỉnh giảm khả năng sẽ quay trở lại với vùng hỗ trợ gần là 1.050 điểm và xa hơn là nền giá 1.000 điểm.
5 cổ phiếu khuyến nghị đầu tư tháng 2
GMD - CTCP Gemadept
GMD tuyên bố thoái toàn bộ 85% cổ phần tại cảng Nam Hải Đình Vũ giúp mang lại khoản lợi nhuận đột biến cho năm 2023, dự kiến sẽ ghi nhận trong quý I. Nguồn tiền thu được sẽ giúp hỗ trợ dòng tiền để thực hiện đầu tư các dự án mới, giảm gánh nặng nợ vay trong bối cảnh lãi suất tăng mạnh. Cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 sẽ được hưởng lợi nhờ khối lượng hàng hóa dịch chuyển từ cảng Nam Hải Đình Vũ, giúp nhanh chóng lấp đầy công suất. Dự kiến cảng đi vào hoạt động trong quý I/2023.
Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế có thể giúp cải thiện nhu cầu vận tải hàng hóa, tác động tích cực tới các cảng biển Việt Nam, phần nào bù đắp nhu cầu sụt giảm từ các nước Mỹ Âu. Ở kịch bản cơ sở, SSI ước tính giá trị giao dịch cảng Nam Hải Đình Vũ có thể đạt 2.000 tỷ đồng, tương đương mức lợi nhuận trước thuế cho GMD là 2.400 tỷ đồng trong năm 2023 (tăng 85% so với cùng kỳ).
STB - Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín
STB ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV/2022, đạt 1.700 tỷ đồng (tăng 104%). Nguyên nhân dẫn đến sự tăng vọt này là do STB không còn phải ghi nhận lãi dự thu cho các tài sản tồn đọng trong quá khứ. Điều này cho thấy kế hoạch tái cấu trúc STB đang đi đến giai đoạn hoàn thành và NIM sẽ tiếp tục được duy trì trong các quý tới.
Chất lượng tài sản vẫn được giữ ở mức tốt, với tỷ lệ nợ xấu được duy trì ở mức thấp 0,97% tại cuối quý IV/2022. Thêm vào đó, STB vẫn đang tích cực trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC với chi phí tăng mạnh trong quý IV đạt 3.300 tỷ đồng (tăng 230%).
Tính cả năm, ngân hàng đạt tổng lợi nhuận sau thuế đạt 6.300 tỷ (tăng 43%) vượt 22% kế hoạch năm. Với số dư nợ bất động sản ở mức thấp cũng như không có dự nợ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp - kết quả kinh doanh năm 2023 của STB được kỳ vọng vẫn giữ được kết quả khả quan khi ngân hàng đang theo đúng tiến độ để hoàn thiện đề án tái cơ cấu trong thời gian tới.
QNS - CTCP Đường Quảng Ngãi
QNS ghi nhận kết quả tương đối khả quan trong quý IV/2022 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 25% và 11% so với cùng kỳ. Cho cả năm 2022, QNS đạt doanh thu 8.300 tỷ đồng (tăng 13%) và 1.200 tỷ đồng (tăng 2%).
Năm 2023, SSI Research kỳ vọng tác dụng của chính sách áp dụng thuế phòng vệ cho ngành đường của Việt Nam sẽ phát huy tác dụng cụ thể hơn, khi lượng tồn kho đường nhập khẩu giá thấp giải phóng hết. Giá đường thế giới đang đã đạt mức đỉnh 6 năm do lo ngại thiếu hụt nguồn cung từ Ấn Độ, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 trên thế giới cũng là một yếu tố hỗ trợ trong ngắn hạn. Nhóm phân tích ước tính, lợi nhuận sau thuế của QNS tăng trưởng 9% so với cùng kỳ.
FPT - CTCP FPT
Mảng công nghệ thông tin toàn cầu kỳ vọng vẫn là động lực tăng trưởng của FPT trong năm 2023 với mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế là 22%. Thị trường Nhật ước tính tiếp tục cải thiện cùng với sự hồi phục của đồng Yên Nhật. Khu vực Mỹ và APAC có thể vẫn duy trì tăng trưởng hai con số. Tỷ trọng doanh thu từ thị trường EU khá thấp và chỉ ở mức 3% trên tổng doanh thu của FPT; vì vậy trong trường hợp căng thẳng Nga - Ukraine kéo dài thì mức độ ảnh hưởng đến FPT không đáng kể.
Hiện tại, FPT đang giao dịch ở mức P/E năm 2023 ước tính là 13,5x với mức tăng trưởng lợi nhuận kỳ vọng là 18% So với cùng kỳ, tỷ lệ PEG là 0,75x. SSI ưa thích FPT vì không chỉ có động lực tăng trưởng từ mảng công nghệ, mà còn có dòng tiền thu ổn định từ mảng viễn thông.
QTP - CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh
Hiện tại, QTP có mức tỷ suất cổ tức năm 2022 và năm 2023 kỳ vọng lần lượt ở mức 10% và 11%.
Năm 2023 SSI Research kỳ vọng lợi nhuận sau thuế tăng trưởng khoảng 12,5% so với cùng kỳ, do trong năm 2022 đã ghi nhận 1 khoản chi phí hạch toán liên quan đến quá trình xây dựng trước đây. Hiện tại, giá than thế giới đang giảm mạnh cũng là một yếu tố hỗ trợ giúp giá than trộn trong nước được điều chỉnh giảm. Với giả định tình hình thủy văn sẽ kém hơn trong năm 2023, sản lượng phát điện của nhóm điện than ước tính sẽ được huy động nhiều hơn.