Khung cảnh hỗn loạn tại Ssangyong Motor khiến cảnh sát phải dùng vũ lực.

Khung cảnh hỗn loạn tại Ssangyong Motor khiến cảnh sát phải dùng vũ lực.

Ssangyong Motor (Hàn Quốc) gặp đại hạn

(ĐTCK-online) Thứ Năm ngày 6/8/2009, nhiều kênh truyền hình của Hàn Quốc đã đồng loạt đưa hình ảnh lực lượng cảnh sát đặc nhiệm của nước này với đầy đủ dùi cui, súng bắn hơi cay... từ trên các máy bay trực thăng nhảy xuống nóc nhà máy sản xuất ô tô của Ssangyong Motor ở Pyeongtaek ở cách Thủ đô Seoul 70 km về phía nam.

Hình ảnh này giống hệt như trong các phim hình sự mà cảnh sát đặc nhiệm tấn công tội phạm, đã gây sốc cho dư luận Hàn Quốc và quốc tế. Bằng hành động mang nặng tính vũ lực và quyết liệt, cảnh sát Hàn Quốc đã chấm dứt chuỗi 77 ngày liên tục, nhà máy hoàn toàn bị đình trệ sản xuất và bị phong toả theo kiểu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Ông Lee Yoo-Il, đại diện của Ssangyong Motor phát biểu: “Chúng tôi rất mừng là tình hình đã kết thúc một cách hoà bình và không có một ai bị thiệt mạng”. 

Theo tính toán sơ bộ, Ssangyong Motor bị thiệt hại gần 316 tỷ won (258,3 triệu USD) do đình trệ sản xuất trong 77 ngày qua. Ngoài ra, còn có 23 người bị thương phải vào bệnh viện điều trị, nhưng không có ai bị thương nặng. Thiệt hại vật chất khác không lớn ngoài 3 chiếc ô tô được dùng làm chướng ngại vật bị cháy hoàn toàn. Tuy nhiên, cái mất lớn nhất từ vụ này là hình ảnh về môi trường đầu tư và kinh doanh của Hàn Quốc đã xấu đi rất nhiều trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Đây là một tín hiệu rất xấu có ảnh hưởng tai hại đến thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của nước này. Song có một câu hỏi đặt ra là vì sao lại dẫn đến nông nỗi này?

Xin được tóm tắt lại vụ việc như sau:

Ssangyong Motor là hãng sản xuất ô tô nhỏ nhất của Hàn Quốc, chuyên sản xuất loại xe ô tô thể thao đa dụng (SUV), trong đó có một số nhãn hiệu như Musso, Korando, Rexton... đã và đang có mặt tại Việt Nam. Năm 2004, Tập đoàn sản xuất ô tô Shanghai Automotive Industry Corp (SAIC) của Trung Quốc đã đầu tư mua 51% cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược và lớn nhất của Hãng. Ban lãnh đạo Ssangyong Motor hy vọng, SAIC giúp cho Hãng thâm nhập vào thị trường Trung Quốc. Song hy vọng này không trở thành hiện thực. Do bị thua lỗ kéo dài, nên trong tháng 1 năm nay, Ssangyong Motor đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản theo Luật Phá sản của Hàn Quốc, sau khi SAIC chính thức buông xuôi. Vào đầu tháng 5 năm nay, trong nỗ lực tái cơ cấu Công ty, Ban giám đốc Ssangyong Motor đã đưa ra kế hoạch cắt giảm 2.646 việc làm (tương đương 36% tổng số lao động) của nhà máy tại Pyeongtaek. Trong số này chỉ có 1.670 công nhân tự nguyện chấp thuận nhận tiền đền bù để nghỉ việc. Số còn lại không chịu, quyết tâm đấu tranh đến cùng để bảo vệ quyền lợi của mình. Ban giám đốc Ssangyong Motor không chịu nhượng bộ, nên số công nhân còn lại chọn giải pháp cực đoan là chiếm 3 phân xưởng lớn của nhà máy và ở lỳ tại đây từ ngày 22/5 cho đến nay. Họ đưa ra yêu sách là đòi được đi làm trở lại và dọa sẽ đấu tranh đến cùng cho đến khi đạt được mục đích.

Sau khi các nỗ lực thương thuyết thất bại, Ssangyong Motor đã phải nhờ đến cảnh sát can thiệp một cách hợp pháp bằng vũ lực. Các công nhân đã dùng gậy gộc và chai xăng đánh lại cảnh sát. Ngày 5/8, hơn 500 công nhân rút về phân xưởng sơn, nơi chứa nhiều chất dễ gây cháy để... tử thủ, buộc cảnh sát phải sử dụng cả trực thăng để tiếp cận. Cuối cùng, sự việc đã kết thúc một cách ít tổn thất nhất như đã nói ở trên.    

Cảnh sát đang tạm giữ 21 người đầu trò (là những thủ lĩnh công đoàn) và thẩm vấn gần 100 công nhân khác nhằm hoàn tất thủ tục pháp lý để có thể đưa một số người ra toà.

Trong tuần qua, các chủ nợ gồm hàng trăm công ty lớn, nhỏ cung cấp phụ tùng, chi tiết ô tô (nhà thầu phụ) cho Ssangyong Motor đã đồng loạt gửi đơn lên toà án yêu cầu nhanh chóng tiến hành thủ tục phá sản Hãng để có thể phát mãi tài sản, thu lại khoản tiền 300 tỷ won (247 triệu USD) mà Ssangyong Motor đang nợ. Ngoài ra, Ssangyong Motor cũng đang nợ Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) 240 tỷ won. Tức là Ssangyong Motor đang bị nợ như chúa Chổm, trong khi sản xuất lại bị đình đốn. Có thể nói, Ssangyong Motor đang gặp đại hạn và có nguy cơ bị xoá sổ. Toà án Hàn Quốc đã đưa ra tối hậu thư là đến ngày 15/9/2009, Ssangyong phải đệ trình được kế hoạch tái cơ cấu có tính khả thi, bằng không chỉ còn một cửa duy nhất là phá sản.

Ban lãnh đạo Ssangyong Motor vẫn khẳng định quyết tâm “còn nước, còn tát”. Ông Lee Won-Muk,  người phát ngôn của Ssangyong Motor cho biết, sau 10 ngày dành cho việc dọn vệ sinh, giải quyết mọi hậu quả trong khuôn viên nhà máy, nhà máy sẽ sản xuất trở lại duy trì công suất 5.500 xe xuất xưởng mỗi tháng. Ssangyong tiếng Hàn Quốc có nghĩa 2 con rồng sinh đôi. Có lẽ cái tên này dường như cũng phần nào đang tiếp sức để Hãng gồng mình lên chống chọi với cơn bĩ cực.