Khu phức hợp nhà ở được xây dựng bởi tập đoàn bất động sản Evergrande ở Thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: AFP
Làn sóng vỡ nợ mới có thể rơi vào năm 2025
Đó sẽ là làn sóng vỡ nợ thứ ba của các công ty Trung Quốc trong khoảng một thập kỷ, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings cho biết.
Làn sóng vỡ nợ trái phiếu mới của Trung Quốc sẽ xảy ra trong bối cảnh xuất hiện những lo ngại về tăng trưởng tổng thể của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ông Charles Chang, giám đốc quốc gia S&P Global Ratings tại Trung Quốc, cho rằng: "Điều thực sự cần theo dõi đối với các nhà hoạch định chính sách là liệu các chỉ thị hiện tại có đang tạo ra những động cơ méo mó trong nền kinh tế hay không".
Dữ liệu của S&P cho thấy tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp của Trung Quốc đã giảm xuống còn 0,2% vào năm 2023, mức thấp nhất trong ít nhất 8 năm và thấp hơn nhiều so với tỷ lệ toàn cầu là khoảng 2,6%.
"Ở một mức độ nhất định, đây không phải là một dấu hiệu tốt, bởi vì chúng tôi coi sự khác biệt này không phải là kết quả hoạt động của thị trường", ông Chang nói.
Đại diện S&P Global Ratings cho biết: "Chúng tôi đã ghi nhận các chỉ thị hoặc hướng dẫn từ chính quyền Trung Quốc trong năm qua nhằm ngăn chặn tình trạng vỡ nợ trên thị trường trái phiếu".
"Khi các chỉ thị nhằm tránh vỡ nợ trên thị trường trái phiếu [kết thúc], điều gì sẽ xảy ra với thị trường này?", ông Chang đặt câu hỏi, đồng thời lưu ý rằng đó là điều cần chú ý trong năm tới.
Chính quyền Trung Quốc trong những năm gần đây đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn ngừa rủi ro tài chính.
Tuy nhiên, những cách tiếp cận mạnh tay để giải quyết vấn đề, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, có thể để lại những hậu quả không lường trước được.
Thị trường bất động sản Trung Quốc rơi vào suy thoái sau đợt "nắn gân" của Bắc Kinh đối với các nhà phát triển bất động sản lạm dụng đòn bẩy tài chính trong 3 năm qua. Sự suy giảm bất động sản đã kéo nền kinh tế Trung Quốc đi xuống và lĩnh vực này đang cho thấy có ít dấu hiệu phục hồi.
Theo S&P Global Ratings, bất động sản dẫn đầu làn sóng vỡ nợ gần đây nhất, từ năm 2020 đến năm 2024. Trước đó, các phân tích của S&P đã chỉ ra rằng các nhà sản xuất công nghiệp và hàng hóa dẫn đầu làn sóng vỡ nợ trong giai đoạn 2015 - 2019.
Ông Chang lưu ý: "Vấn đề lớn hơn đối với chính quyền Trung Quốc là liệu thị trường bất động sản có thể ổn định và giá bất động sản có thể ổn định hay không". "Điều đó có khả năng giảm bớt một số tác động tiêu cực đến tài sản mà chúng ta đã thấy kể từ giữa năm ngoái", đại diện S&P Global Ratings nhận xét.
Phần lớn tài sản của các hộ gia đình ở Trung Quốc là bất động sản chứ không phải các tài sản tài chính khác như chứng khoán.
Mối lo tăng trưởng kinh tế
Theo ghi nhận của S&P Global Ratings, tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu năm 2023 đã giảm ở hầu hết các lĩnh vực của Trung Quốc, ngoại trừ dịch vụ công nghệ, tiêu dùng và bán lẻ.
"Điều đó báo hiệu những lỗ hổng tiềm ẩn đối với tốc độ tăng trưởng chậm lại mà chúng ta đang thấy hiện nay", ông Chang nhận xét.
Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 5,2% vào năm ngoái và Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% cho năm nay. Dự báo của các nhà phân tích nhìn chung là gần hoặc thấp hơn tốc độ đó, bởi họ cho rằng tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm tốc trong những năm tới, từ mức tăng trưởng hai con số của vài thập kỷ qua.
Mức nợ công, nợ tư nhân và nợ tiềm ẩn lớn ở Trung Quốc từ lâu đã làm dấy lên mối lo ngại về khả năng xảy ra rủi ro tài chính có tính hệ thống.
Tuy nhiên, vấn đề nợ của Trung Quốc không cấp bách bằng việc Bắc Kinh cần giải quyết các vấn đề bất động sản theo một "chiến lược toàn diện" bao quát hơn, theo ông Vitor Gaspar, giám đốc bộ phận tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Trong chiến lược toàn diện đó, ông Gaspar cho rằng Trung Quốc cũng cần chú trọng đến đổi mới và tăng trưởng năng suất, cũng như tăng cường mạng lưới an sinh xã hội để các hộ gia đình sẵn sàng chi tiêu hơn.
Tuy vậy, vẫn còn phải xem liệu các lĩnh vực khác có thể bù đắp lực cản của bất động sản đối với nền kinh tế Trung Quốc và thúc đẩy tăng trưởng tổng thể hay không.
Tuần này, ngân hàng UBS đã nâng cấp tăng trưởng đối với các cổ phiếu Trung Quốc trong rổ MSCI do dự báo lợi nhuận doanh nghiệp sẽ đạt mức tốt hơn và không bị ảnh hưởng bởi suy thoái bất động sản.
"Các cổ phiếu lớn nhất trong chỉ số (MSCI Trung Quốc) nhìn chung đều ổn về thu nhập/các yếu tố cơ bản. Vì vậy, hoạt động kém hiệu quả của thị trường hoàn toàn là do định giá sụt giảm", ông Sunil Tirumalai, chiến lược gia trưởng về vốn cổ phần tại UBS, đánh giá. "Điều khiến chúng tôi lạc quan hơn về lợi nhuận hiện nay là những dấu hiệu ban đầu về sự gia tăng tiêu dùng", ông Tirumalai nói thêm.
Ngân hàng UBS cũng nâng cấp triển vọng đối với chứng khoán Hong Kong.
Về lý do tại sao UBS thay đổi quan điểm về định giá cổ phiếu Trung Quốc, ông Tirumalai cho biết nó dựa trên "xu hướng ngày càng nhiều các công ty Trung Quốc đưa ra những bất ngờ tích cực về cổ tức/mua lại cổ phiếu quỹ".
"Khả năng đạt mức lợi tức cao hơn có thể trở nên hữu ích nếu thị trường toàn cầu xuất hiện nhiều lo ngại hơn về địa chính trị và trong các kịch bản cao hơn trong thời gian dài hơi hơn", ông Tirumalai lưu ý: "Chúng tôi sẽ theo dõi chặng tiếp theo của công tác cải cách thị trường", đại diện UBS nói thêm.