S&P: Sẽ có nhiều khoản nợ nước ngoài vỡ nợ hơn trong thập kỷ tới

S&P: Sẽ có nhiều khoản nợ nước ngoài vỡ nợ hơn trong thập kỷ tới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo S&P Global Ratings, tình trạng vỡ nợ chính phủ sẽ diễn ra thường xuyên hơn trong thập kỷ tới khi các quốc gia nghèo hơn phải chật vật với gánh nặng nợ lớn và chi phí đi vay cao.

Mặc dù lãi suất toàn cầu hiện đang trên đà giảm và các quốc gia như Zambia và Sri Lanka cũng thoát khỏi tình trạng vỡ nợ, nhiều quốc gia vẫn còn rất ít nguồn lực để trả nợ bằng ngoại tệ và ít có khả năng tiếp cận vốn.

“Do nợ cao hơn và chi phí vay nợ bằng ngoại tệ tăng lên, các quốc gia sẽ vỡ nợ bằng ngoại tệ thường xuyên hơn trong 10 năm tới so với trước đây”, báo cáo cho biết.

Cảnh báo này được đưa ra khi nhiều quốc gia đang cố gắng thoát khỏi cuộc chiến vỡ nợ để đảm bảo các thỏa thuận từ các nhóm chủ nợ ngày càng khác biệt và tiếp cận đủ cứu trợ để tránh một cuộc khủng hoảng nợ khác.

Các quốc gia Kenya và Pakistan đã tránh được tình trạng vỡ nợ nhờ các gói cứu trợ mới của IMF và các khoản vay khác trong năm nay. Nhưng trên thực tế, những quốc gia này vẫn bị loại khỏi thị trường trái phiếu để tái cấp vốn cho các khoản nợ của mình, do lãi suất cao hai chữ số mà nhiều chính phủ tương tự phải trả.

Tháng này, Ghana đã thoát khỏi tình trạng vỡ nợ khi hoàn tất tái cấu trúc trái phiếu bằng đô la Mỹ. Đầu năm nay, Zambia đã kết thúc câu chuyện tái cấu trúc kéo dài bốn năm, trong khi Sri Lanka dự kiến ​​sẽ sớm hoàn tất thỏa thuận chấm dứt tình trạng vỡ nợ trái phiếu năm 2022.

Frank Gill, chuyên gia về nợ công tại S&P Global Ratings cho biết, các quốc gia thị trường mới nổi sau khi tái cấu trúc nợ có xếp hạng thấp hơn so với trước đây. "Điều đó chỉ ra khả năng vỡ nợ lặp lại", ông cho biết.

Ngoài ra, mức độ vỡ nợ cũng phụ thuộc vào các lựa chọn tài khoá của các quốc gia và mức độ họ có thể thu hút vốn nước ngoài, chẳng hạn như đầu tư trực tiếp nước ngoài để giúp lấp đầy thâm hụt tài khoản vãng lai.

S&P cho biết các quốc gia đang được xem xét trung bình đã chi gần 20% tổng doanh thu của chính phủ cho các khoản thanh toán lãi suất trong năm dẫn đến vỡ nợ đối với các khoản nợ bằng ngoại tệ. Chi phí vay cao này là kết quả của các yếu tố như lạm phát gia tăng, phá giá tiền tệ, cú sốc về điều khoản thương mại và một phần lớn nợ của chính phủ là bằng ngoại tệ.

“Hầu hết các vụ vỡ nợ bằng ngoại tệ của quốc gia trong giai đoạn 2000-2023 là do các yếu tố về thể chế, tài chính và thành phần nợ yếu kém… Không có một biện pháp duy nhất nào có thể dự đoán một cách nhất quán và đáng tin cậy về các vụ vỡ nợ của quốc gia”, nhà phân tích Giulia Filocca của S&P Global cho biết.

Các quốc gia phải đối mặt với thời hạn đáo hạn nợ lớn so với dự trữ vào năm tới bao gồm Maldives và Argentina.

Chính phủ Argentina cho biết họ có thể tìm nguồn để đáp ứng khoảng 11 tỷ USD thanh toán trái phiếu nước ngoài vào năm tới, mặc dù khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu bị hạn chế, áp lực lên dự trữ và các khoản thanh toán sắp xảy ra đối với các khoản vay của IMF. Tháng trước, Tổng thống Javier Milei cũng đã phê duyệt một sắc lệnh cho phép hoán đổi nợ đáo hạn thành nợ mới theo lãi suất thị trường mà không cần sự chấp thuận trước của cơ quan lập pháp.

Trong thập kỷ tới, sự gia tăng của các hoạt động mua lại và các hoạt động tương tự như vậy có nghĩa là "bản chất của các vụ vỡ nợ có thể sẽ trở nên phi truyền thống hơn nhiều", nhà phân tích Giulia Filocca cho biết.

“Chúng ta ngày càng chứng kiến ​​nhiều hoạt động mua lại có vẻ không giống như hành động vỡ nợ”, nhưng S&P có thể phân loại là tái cấu trúc nợ (distressed exchange) nếu nó được thực hiện để tránh vỡ nợ hoàn toàn.

Theo S&P, các quốc gia có vị thế nợ ròng bên ngoài cao và đang tăng — trong đó tổng nợ của khu vực công và tư nhân nợ những người không cư trú vượt quá tài sản do cư dân đầu tư ở nước ngoài — có nhiều khả năng vỡ nợ hơn, trong khi các chủ nợ bên ngoài ròng hiếm khi phải đối mặt với rủi ro này.

Do mất cân bằng bên ngoài, nhiều quốc gia phải đối mặt với tình trạng vỡ nợ bằng ngoại tệ, chẳng hạn như Síp, Grenada và Hy Lạp, thường có nhu cầu tài trợ bên ngoài lớn hơn nhiều so với tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại hối của họ.

Tin bài liên quan