Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard & Poor's (S&P) ngày 2/4 vẫn khẳng định mức xếp hạng AA+ đối với nợ dài hạn của Mỹ bất chấp việc quốc hội nước này mới đây thông qua gói cứu trợ kinh tế kỷ lục trị giá 2.200 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp lớn nhỏ duy trì hoạt động trong bối cảnh toàn bộ nền kinh tế Mỹ đang ngừng trệ vì tác động của các biện pháp giãn cách xã hội và hạn chế giao thông để ngăn ngừa dịch bệnh COVID-19.
S&P cho biết không có ý định thay đổi mức đánh giá trong thời gian này do triển vọng ổn định.
Trong tuyên bố ra cùng ngày, S&P nêu rõ: "Việc xếp hạng nợ của Mỹ phản ánh nền kinh tế đa dạng và có thể phục hồi, sự linh hoạt của chính sách tiền tệ sâu rộng cũng như vị thế độc nhất của quốc gia phát hành đồng ngoại tệ dự trữ hàng đầu thế giới."
Tuần trước, Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cũng giữ nguyên mức xếp hạng AAA đối với nợ công của Mỹ, dù nước này đối mặt với nguy cơ gia tăng tình trạng thất nghiệp và suy thoái kinh tế do tác động của dịch COVID-19.
Theo Fitch, xếp hạng nợ của Mỹ được đảm bảo nhờ những thế mạnh về cơ cấu như quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người cao và môi trường kinh doanh năng động.
Người dân đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại New York, Mỹ, ngày 23/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Mỹ bắt đầu giải ngân hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ từ ngày 3/4
Cũng liên quan đến các chính sách cứu trợ, ngày 2/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã cam kết với các doanh nghiệp vừa và nhỏ rằng hỗ trợ tài chính từ gói kích thích trị giá hơn 2.200 tỷ USD sẽ bắt đầu được giải ngân vào ngày 3/4 (theo giờ Mỹ).
Tuy nhiên, ông Mnuchin cho biết không phải doanh nghiệp nào cũng có thể nhận được các khoản cho vay hỗ trợ này.
Các doanh nghiệp có từ 500 nhân viên trở xuống có thể được tiếp cận với gói kích thích lớn 350 tỷ USD đã được Quốc hội thông qua.
Ông Mnuchin cũng cam kết các khoản hỗ trợ cho các hộ gia đình sẽ bắt đầu được chuyển khoản trong 2 tuần, so với 3 tuần như dự kiến trước đó.
Một gia đình có 4 thành viên sẽ nhận được 3.000 USD trong gói kích thích của chính phủ.
Trước khi dịch COVID-19 lan đến nước Mỹ, khiến hoạt động ở hầu hết các ngành phải đóng băng, nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ, với tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 3,5% trong tháng 2/2020, mức thấp nhất trong 50 năm.
Nhưng chỉ sau đó 2 tuần, gần 10 triệu người đã nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo số liệu được công bố ngày 2/4.