Cuộc đua sở hữu của Gelex và ITL
STG vừa thông báo lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc cho phép Công ty cổ phần Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần (ITL) được tăng tỷ lệ sở hữu tại STG lên tối đa 100% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết mà không phải chào mua công khai.
Việc tăng tỷ lệ sở hữu sẽ được thực hiện thông qua ITL trực tiếp mua cổ phần của STG và/hoặc gián tiếp tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty đang là cổ đông của STG. Thời gian lấy ý kiến dự kiến sẽ kết thúc vào 30/3/2020.
Về mặt sở hữu, ITL trở thành cổ đông lớn của STG từ tháng 9 - 10/2015 với tỷ lệ 14,4%. Giao dịch diễn ra chưa đầy 3 tháng sau khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái toàn bộ 47,73% vốn tại STG (1/7/2015).
Những tưởng sau đợt mua vào đầu tiên, ITL sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ sở hữu tại STG khi cả 2 đều có chung hoạt động kinh doanh logictics và đã ký kết hợp tác chiến lược trong việc phát triển dịch vụ logistics vào tháng 12/2015, nhưng suốt một năm sau, tỷ lệ sở hữu của ITL vẫn giữ nguyên, dù cơ cấu cổ đông của STG liên tục biến động trong bối cảnh Công ty tăng vốn từ 137,8 tỷ đồng lên 854,4 tỷ đồng.
Chỉ đến giữa tháng 10/2016, ITL mới nâng sở hữu tại STG lên 20,31%.
Trong tháng 12/2016, cơ cấu cổ đông của STG xuất hiện một tên tuổi mới là Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) khi doanh nghiệp này mua 24,93% cổ phần STG từ ngày 15 - 21/12/2016, trong bối cảnh các cổ đông lớn khác của STG thoái vốn như Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ, Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ Ngân hàng TMCP Công Thương…
Ngày 30/12/2016, Gelex tiếp tục chào mua công khai và đến đầu tháng 3/2017 thì hoàn tất mua vào gần 22,3 triệu cổ phiếu STG, nâng tỷ lệ sở hữu lên 51,03%.
Trước đó, việc Gelex xuất hiện chính thức tại STG được đánh giá chỉ là vấn đề thời gian, khi ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Gelex tham gia vào Hội đồng quản trị STG từ ngày 15/4/2016 và trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị STG ngày 21/4/2016.
Tháng 5/2017, ITL nâng sở hữu tại STG lên 28,5%, sau khi được Đại hội đồng cổ đông STG cho phép nâng sở hữu lên trên 30% mà không phải chào mua công khai.
Đến tháng 12/2017, trong khi Gelex nâng sở hữu tại STG lên 54,78% thì gần như cùng lúc, ITL nâng tỷ lệ sở hữu lên 33,28%.
Cuối năm 2018, Gelex chuyển nhượng toàn bộ 54,78% cổ phần STG sang Công ty TNHH MTV Gelex Logistics - công ty con do Gelex sở hữu 100% (số cổ phần trên dùng làm tài sản góp vốn).
Đối với ITL, công ty này nâng tỷ lệ sở hữu tại STG lên 41,69% trong tháng 12/2018 và 41,78% trong tháng 1/2019.
STG: Kết quả kinh doanh 2017 - 2018 suy giảm
Thành lập năm 1975 và cổ phần hóa từ năm 2007, STG hiện là doanh nghiệp có chuỗi dịch vụ logistics khá hoàn thiện với hoạt động kinh doanh kho đa chức năng, giao nhận vận tải nội địa, quốc tế và khai thác cảng.
Đối với mảng kho bãi, STG sở hữu 15 kho, tổng diện tích hơn 230.000 m2 tại TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ và Hà Nội.
Trong đó, TP.HCM là địa bàn chủ yếu với 8 kho có tổng diện tích 88.700 m2.
Đối với mảng cảng, STG sở hữu cảng Sotrans ICD (TP.HCM) có diện tích 100.000 m2, được giới thiệu có khả năng xếp bãi 450.000 teus/năm; Depot Mỹ Phước (Bình Dương) có diện tích 4.200 m2 với khả năng xếp dỡ 3.000 teus/tháng.
Bên cạnh đó, STG thông qua Tổng công ty cổ phần Đường sông Miền Nam (Sowatco) sở hữu cảng Long Bình (TP.HCM) bên bờ sông Đồng Nai có diện tích 200.000 m2, với 3 cầu cảng có thể tiếp nhận tàu 5.000 MT.
Đối với dịch vụ vận tải, STG đang sở hữu nhiều doanh nghiệp làm dịch vụ hỗ trợ liên quan đến vận tải, trong đó có Công ty cổ phần Vận tải đa phương thức Vietranstimex (tỷ lệ sở hữu 82%), Công ty cổ phần Cảng Miền Nam (tỷ lệ sở hữu 51%), doanh nghiệp trực tiếp vận tải là Công ty TNHH MTV Đầu tư hạ tầng Sotrans (tỷ lệ sở hữu 100%) và thông qua công ty con này, STG sở hữu 84,39% vốn tại Sowatco.
Sowatco đang giao dịch trên UPCoM với mã chứng khoán SWC, được giới thiệu là đơn vị dẫn đầu về vận chuyển container, hàng rời trong các tuyến đường thủy tại TP.HCM, Đồng bằng sông Cửu Long, với đội sà lan tự hành 20 chiếc từ 90 - 250 teus vận chuyển container và đội tàu chuyên dùng lai dắt, hỗ trợ tàu biển công suất từ 560 - 4.000 CV.
Sở hữu năng lực hoạt động lớn trong bối cảnh ngành logistics trong nước phát triển mạnh cùng với sự gia tăng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, STG có doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận suy giảm trong 2 năm gần đây.
Cụ thể, báo cáo tài chính năm 2019 tự lập của STG cho biết, Công ty đạt 1.835,5 tỷ đồng doanh thu, tăng 4,1%; doanh thu hoạt động tài chính cùng phần lãi trong các công ty liên doanh, liên kết giảm lần lượt 62% và 56,2%; chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí tài chính đều tăng. Kết quả, lợi nhuận trước thuế là 151,1 tỷ đồng, giảm 16,1%; lợi nhuận sau thuế 122,6 tỷ đồng, giảm 22,2% so với năm 2018.
So với quy mô tổng tài sản hơn 2.274 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu 1.700 tỷ đồng, hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của STG lần lượt là 5,3% và 7,4%, thấp hơn so với một số doanh nghiệp cùng ngành vận tải và logistics khác như Gemadept, Viettel Post, Transimex.
Đây là năm suy giảm lợi nhuận thứ hai liên tiếp của STG. Trong năm 2018, doanh thu thuần của STG đạt 1.772 tỷ đồng, tăng 21,8% so với năm 2017, nhưng doanh thu tài chính giảm sâu do không còn ghi nhận khoản lãi đột biến từ chuyển nhượng khoản đầu tư tại công ty con, khiến lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 157,8 tỷ đồng, giảm 69,7% so với năm 2017.
ITL chào mua công khai STG: Phụ thuộc vào Gelex
Là doanh nghiệp trong nhóm đầu ngành vận tải và logistics, nhưng cổ phiếu STG những năm qua hầu như chỉ thu hút sự quan tâm của thị trường và nhà đầu tư quanh những giao dịch của cổ đông nội bộ, cổ đông lớn.
Nhìn lại quá khứ, việc liên tục tăng sở hữu của 2 nhóm cổ đông lớn là yếu tố chính giúp thị giá cổ phiếu STG tăng cao trong năm 2016 và vượt qua mức 35.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 5/2017. Đây cũng là mức đỉnh giá của STG từ khi niêm yết năm 2010 đến nay.
Khi cuộc đua tăng sở hữu của các cổ đông lớn kết thúc cũng là lúc cổ phiếu STG giao dịch ảm đạm trở lại, thậm chí mất thanh khoản.
Khi cuộc đua tăng sở hữu của các cổ đông lớn kết thúc cũng là lúc cổ phiếu STG trên thị trường giao dịch ảm đạm trở lại và giá giảm còn 13.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 6/2019, sau đó đi ngang.
Từ cuối năm 2019 đến nay, thị giá cổ phiếu STG có xu hướng tăng, đạt 17.000 đồng/cổ phiếu, với tính thanh khoản rất thấp, thậm chí không có giao dịch.
Thanh khoản cổ phiếu thấp chủ yếu là do 2 tổ chức lớn là Gelex và ITL nắm giữ tổng cộng 96,56% vốn điều lệ STG, chưa kể Ban lãnh đạo và cổ đông nội bộ khác.
Trong điều kiện hiện nay, đề nghị chào mua công khai và tăng sở hữu của ITL tại STG gần như phụ thuộc vào quyết định của Gelex, nhưng có thể sẽ không gặp khó khăn vì 2 cổ đông lớn này không xảy ra mâu thuẫn trong định hướng hoạt động, điều hành và tranh giành tầm ảnh hưởng tại STG.
Thông thường, động thái thâu tóm doanh nghiệp sẽ dẫn đến những đợt sóng tăng giá cổ phiếu, mang lại cơ hội tìm kiếm lợi nhuận cho các nhà đầu tư.
Nhưng với trường hợp tại STG, khi mà vị thế các cổ đông tại đã khá rõ ràng và thanh khoản cổ phiếu rất thấp hiện nay, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận từ câu chuyện M&A đối với các nhà đầu tư là không nhiều.
Nếu ITL sở hữu trọn vẹn 100% vốn tại STG, doanh nghiệp này sẽ phải hủy niêm yết trên HOSE, vì không còn là công ty đại chúng.