"Sốt ruột" trước ứng phó với đại dịch Covid-19 của ngành giáo dục

0:00 / 0:00
0:00
Góc nhìn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thuý về ứng phó với địa dịch Covid-19 của ngành giáo dục.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thuý.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thuý.

Những ngày cuối năm 2021, một số cử tri hỏi tôi rằng, cảnh báo nguy cơ độc quyền sách giáo khoa quay trở lại của tôi tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XV có được ngành giáo dục quan tâm không.

Cảm kích trước sự quan tâm của cử tri với hoạt động của Quốc hội, song tôi hiểu cử tri cũng đang giám sát việc thực hiện trách nhiệm của người đại diện cho mình, ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Mặt khác, việc ứng phó của với đại dịch của ngành giáo dục trong thời gian qua cũng không khỏi khiến cử tri băn khoăn, lo lắng.

Chậm trễ và lúng túng

Để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh, ngành giáo dục nhiều nước đã phải chuyển hình thức dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến. Ở nước ta, mặc dù còn nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng và phương tiện, nhưng các cơ sở giáo dục ở những địa phương có nguy cơ và nguy cơ cao đã kịp thời áp dụng hình thức dạy học trực tuyến và đang vượt mọi khó khăn, tích cực thực hiện kế hoạch năm học trong hoàn cảnh đại dịch. Đó là điểm sáng của ngành giáo dục trong ứng phó với đại dịch.

Tuy nhiên, về phía các nhà quản lý giáo dục, tôi thấy có nhiều biểu hiện chậm trễ và lúng túng. Đại dịch SARS-CoV-2 bùng phát đã 2 năm nay, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo dường như chưa có những động thái thể hiện tầm nhìn dài hạn để ứng phó với dịch.

Nhiều kế hoạch, đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thể hiện sự quan tâm đến hoàn cảnh đại dịch. Ví dụ, đến ngày 4/8/2021, Khung kế hoạch thời gian năm học 2021-2022 ban hành theo Quyết định số 2551/QĐ-BGDĐT của Bộ vẫn hệt như mọi năm, không có một dòng nào đề cập đến các biện pháp ứng phó với dịch để bảo đảm triển khai kế hoạch được linh hoạt, hiệu quả và an toàn. Mãi gần đây, việc tinh giản nội dung dạy học mới được tiến hành.

Trong 2 năm qua, Bộ cũng chưa đánh giá khả năng thực hiện dạy học trực tuyến ở các địa phương, chưa có biện pháp vận động hỗ trợ phương tiện dạy và học trực tuyến cho những vùng và những đối tượng gặp khó khăn. Học sinh nghèo không có phương tiện để học trực tuyến. Đường truyền ở nhiều vùng yếu và không ổn định khiến thầy và trò gặp rất nhiều khó khăn. Giáo án dạy học trực tuyến chủ yếu do giáo viên tự biên tự diễn, chưa được hướng dẫn chu đáo để bảo đảm chất lượng đồng đều giữa các trường, các lớp. Ngân hàng học liệu điện tử chưa phát triển. Kỷ luật học tập ở nhiều lớp học trực tuyến còn lỏng lẻo cũng hạn chế kết quả học tập. Việc kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là việc tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học trong hoàn cảnh đại dịch chưa có phương án ứng phó với nhiều cấp độ dịch khác nhau.

Về văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới chỉ ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/03/2021 về dạy học trực tuyến ở cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Chưa có văn bản quy phạm pháp luật về dạy học trực tuyến ở cơ sở giáo dục đại học, dạy nghề. Bên cạnh đó, Bộ cũng chưa có các văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi số trong quản trị cơ sở giáo dục, quản lý nhà nước về giáo dục; về cơ sở dữ liệu, việc kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị, cơ quan trong ngành giáo dục và ngành giáo dục với các cơ sở dữ liệu quốc gia; về tiêu chí kỹ thuật của các nền tảng số dùng trong ngành giáo dục... Những văn bản này không chỉ đáp ứng yêu cầu của chiến lược chuyển đổi số nói chung, mà còn thể hiện sự thích nghi và hỗ trợ dạy học trực tuyến.

Đây là những hạn chế nếu không được rút kinh nghiệm ngay và khắc phục sớm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học.

Quan sát tình hình dịch bệnh trong thời gian qua, có thể thấy rằng, đại dịch Covid-19 có khả năng tồn tại với thời gian dài hơn những đại dịch chúng ta từng biết trong lịch sử. Các biến chủng mới của Covid-19 ngày càng phức tạp và nguy hiểm hơn. Đại dịch hoành hành giữa lúc toàn ngành giáo dục bắt đầu triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nếu chậm áp dụng những biện pháp hữu hiệu để ứng phó với dịch bệnh, e rằng kết quả đổi mới sẽ rất hạn chế.

Trong bối cảnh này, ngành giáo dục cần sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho việc dạy, học, kiểm tra, đánh giá, thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học theo hình thức trực tuyến. Ngành cũng cần đánh giá việc dạy học trực tuyến ở các cơ sở giáo dục; sớm ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến.

Việc cần làm nữa của ngành là đánh giá khả năng đáp ứng điều kiện dạy học trực tuyến ở các địa phương, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ đạo và có biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ thông tin tăng cường tỷ lệ phủ sóng và chất lượng đường truyền, nghiên cứu sản xuất phương tiện truy cập mạng giá rẻ để hỗ trợ thầy và trò trong cả nước dạy và học trực tuyến.

Ngành giáo cục cũng cần khuyến khích các nhà xuất bản, các cơ sở giáo dục có tiềm lực, các doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài phát triển học liệu điện tử, xây dựng ngân hàng học liệu điện tử phục vụ người dạy và người học. Hướng dẫn các địa phương và cơ sở giáo dục thực hiện dạy học trực tiếp an toàn trong thời điểm dịch bệnh tạm lui.

Cần hành động quyết liệt

Trở lại quan tâm của cử tri về vấn đề sách giáo khoa, vấn đề đã nóng trên nghị trường từ mấy năm qua, không chỉ phát biểu tại hội trường, mà tôi còn gửi văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, văn bản trả lời lại tiếp tục cho thấy Bộ chưa thực sự cầu thị trong tiếp thu phê bình.

Cụ thể, tôi nêu chất vấn là vào đầu năm học, báo chí lên tiếng phê phán khá gay gắt một số bài học thiếu tính khoa học, tính giáo dục trong các bộ sách giáo khoa khoa học tự nhiên, Ngữ văn và Tiếng Việt của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam. Báo chí cũng phát hiện một tác giả trong hai năm viết đến gần 50 đầu sách giáo khoa, sách bài tập các loại ở ba cấp học. Dư luận đặt ra nhiều bất cập trong lựa chọn sách giáo khoa bắt nguồn từ Thông tư 25 của Bộ. Vì sao Bộ không tiến hành thanh tra các công việc nêu trên và chỉ đạo các đơn vị xuất bản, các địa phương tiếp thu và sửa chữa.

Bộ trưởng trả lời, sau khi nhận được phản ánh của báo chí (như đại biểu nêu) Bộ đã chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, chủ biên, tác giả, đại diện hội đồng thẩm định, một số nhà khoa học để xác minh, phân tích, đánh giá về tính đúng, sai, theo góc độ khoa học. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tiếp thu, chỉnh sửa kịp thời những nội dung phản ánh đúng, bảo lưu những nội dung phản ánh không đúng. Vì vậy, các lỗi trong sách giáo khoa đã cơ bản được khắc phục.

Tại văn bản trả lời, Bộ trưởng cũng gửi đường link truy cập sách điện tử cho thấy kết quả tiếp thu.

Có thể sách điện tử đã được sửa chữa. Nhưng sách giấy thì học sinh đã mua và không hề có đính chính. Bộ và Nhà xuất bản Giáo dục cũng im lặng, không hề có ý kiến trả lời công luận. Theo tôi, đó không phải là thái độ đúng trong tiếp thu phê bình.

Ngoài nội dung nói trên, tôi còn chất vấn một số vấn đề khác liên quan đến Thông tư số 25 (lựa chọn sách giáo khoa), Thông tư số 33 (thẩm định sách giáo khoa), nhưng phần trả lời của Bộ trưởng chưa thực sự thoả đáng.

Đại dịch Covid-19 đang đặt ra những thách thức rất lớn. Đối với ngành giáo dục, để vượt qua thách thức, thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29 của Trung ương, cần có quyết tâm cao, biện pháp đúng và hành động quyết liệt. Biện pháp thì có thể các chuyên gia sẽ tư vấn và lãnh đạo Chính phủ sẽ chỉ đạo, nhưng quyết tâm và hành động thì phụ thuộc vào ngành, hay nói đúng hơn là phụ thuộc vào lãnh đạo ngành. Thời gian tới mong rằng, lãnh đạo Bộ sẽ đổi mới phong cách làm việc, quyết liệt, khẩn trương để những băn khoăn, lo lắng của đại biểu và cử tri sớm được giải toả.

Tin bài liên quan