“Sốt ruột” lấy ý kiến nhân dân sửa Luật Đất đai

0:00 / 0:00
0:00
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải hoàn thành, trong khi kết quả của tháng đầu tiên dường như chưa có gì đáng kể.
Luật Đất đai tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, chủ thể trong xã hội, nên Dự thảo Luật đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp của nhân dân. Ảnh: Đ.T

Luật Đất đai tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, chủ thể trong xã hội, nên Dự thảo Luật đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp của nhân dân. Ảnh: Đ.T

Quá ít thông tin

Cuối tuần qua, ngay trong ngày đi làm chính thức đầu tiên sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan về triển khai lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (Dự thảo).

Theo Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo, thời gian lấy ý kiến bắt đầu từ ngày 3/1/2023 và kết thúc vào ngày 15/3/2023.

Tức là, 1 tháng đã trôi qua. Chưa kể có tới 2 kỳ họp bất thường (lần thứ hai và lần thứ ba) của Quốc hội, thì thời gian nghỉ Tết Nguyên đán cũng khá dài, thế nên, sự khởi động lấy ý kiến nhân dân dường như chưa có gì đáng kể. Một số vị đại biểu ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam khi được hỏi đều có chung câu trả lời là, ra Tết, đoàn đại biểu Quốc hội mới tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo.

Thông tin từ cuộc họp do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì nói trên cho thấy, đến thời điểm tổ chức cuộc họp, mới có 2 bộ và 10 tỉnh ban hành bản kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo.

Đại diện Tổ Biên tập Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng cho biết, Ban Soạn thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp qua trang web, tập trung vào một số nội dung bồi thường, tái định cư, quy định chung, thu hồi đất, đăng ký đất đai, tài chính đất đai…

Thế nhưng, những ý kiến này cũng không được đăng tải công khai trên trang thông tin lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai (sửa đổi) của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cũng cần phải nói thêm rằng, tài liệu phục vụ việc lấy ý kiến nhân dân được công bố tại trang này chỉ gồm có Dự thảo và 2 nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân.

Trong khi đó, cơ quan chủ trì thẩm tra Dự án Luật - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - ở báo cáo phát hành ngày 12/12/2022 đã đề nghị cân nhắc cung cấp các báo cáo có liên quan như: Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, Báo cáo Đánh giá tác động chính sách của Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)… để nhân dân có thêm cơ sở nghiên cứu, cho ý kiến về Dự thảo Luật.

Quan điểm này cũng được nhiều vị đại biểu Quốc hội đồng tình. Bởi sửa Luật Đất đai là việc vô cùng khó khăn, phức tạp, ngay cả khi có bộ hồ sơ đầy đủ (bao gồm báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai hiện hành và báo cáo đánh giá tác động của chính sách mới), thì việc góp ý vẫn là rất khó với cả chuyên gia và các vị đại biểu Quốc hội, chưa nói đến việc để đông đảo nhân dân có thể tham gia ý kiến.

Ngay từ khi Dự thảo lần đầu được công bố xin ý kiến nhân dân (quy trình bắt buộc với tất cả các dự án luật) vào giữa tháng 8/2022, có vị đại biểu đã bày tỏ: “Đăng tải lên mạng xin ý kiến nhân dân mà chỉ có Dự thảo Tờ trình và Dự thảo Luật, không có báo cáo tổng kết thi hành Luật hiện hành, không có đánh giá tác động chính sách... Như thế, thì dân nào hiểu được mà tham gia ý kiến”.

Thế nên, sốt ruột là tâm trạng không chỉ của 1 vị đại biểu Quốc hội khi mà “vào trang thông tin lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai (sửa đổi) của Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa thấy có thông tin gì”.

Người dân quan tâm vấn đề gì?

Trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội, thông tin về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) phong phú hơn một chút. Bên cạnh Dự thảo Luật, còn có thêm tài liệu tham khảo gồm một số bài viết của các chuyên gia đề cập những vấn đề rất lớn của lần sửa đổi này, như quyền tài sản của các chủ sử dụng đất, một số vấn đề về tài chính, quản trị, quản lý đất đai - kinh nghiệm quốc tế và giá trị tham khảo cho Việt Nam...

Mục ý kiến người dân cũng đã đăng tải một số góp ý từ sau khi Dự thảo được công bố vào cuối tháng 7/2022, liên quan đến nhiều vấn đề, từ sử dụng đất nông nghiệp, bồi thường khi thu hồi đất, đến vấn đề tài chính đất đai, chính sách thuế, giải quyết khiếu nại, khiếu kiện về đất đai...

Về xác định giá đất, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề rất khó, cần phải được tiếp tục hoàn thiện để đảm bảo tính khả thi.

Dự thảo Luật nêu một trong các nguyên tắc xác định giá đất là phù hợp với giá thị trường trong điều kiện bình thường. Theo một số góp ý mới được đăng tải trong tháng 1/2023 trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội, thì khoản này cần bổ sung quy định: “Khi có mâu thuẫn trong xác định giá đất thị trường, thì trọng tài kinh tế là cơ quan tài phán có thẩm quyền quyết định”.

Về giá đất cụ thể, ý kiến này cho rằng, cần bổ sung: “Hệ số điều chỉnh phải công khai phương pháp tính toán, phải giải trình và được tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng đồng thuận”.

Liên quan đến quyền và nghĩa vụ của tổ chức định giá đất, cần bổ sung quy định: “Tổ chức định giá đất phải bồi thường thiệt hại cho tổ chức, cá nhân do việc định giá đất không đúng”.

Góp ý về thuế, cử tri Quốc Bảo bày tỏ mong muốn, Ban Soạn thảo sẽ tập trung vào thuế chuyển nhượng bất động sản và thuế sử dụng bất động sản. Vì phải có 2 loại thuế này, thì mới hoàn thiện được cách định giá; có cách định giá đúng, thì mới chống được tiêu cực trong cấp quyền sử dụng đất để đầu tư.

Theo vị cử tri này, với thuế chuyển nhượng bất động sản (thuế đầu cơ), nên áp thuế suất rất cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng nhà đất ngay sau khi tạo lập, có thể là 60%, giảm dần trong 5 năm, mỗi tháng giảm 1%, cho đến khi về 0. Thuế sử dụng bất động sản (thuế tài sản) nên thiết kế theo bậc lũy tiến phụ thuộc diện tích và loại đất...

Trong góp ý được đăng tải ngày 27/1/2023, cử tri Nguyễn Viết Đại nêu quan điểm, quy định về quyền sử dụng đất nên bổ sung: người sử dụng đất “có quyền xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất và bảo vệ tài sản trên đất”, do hiện nay, sau khi dồn điền đổi thửa và chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất, người dân chuyển đổi các mô hình VAC, trồng cây dược liệu, cây ngắn ngày, cây ăn quả lâu năm quý hiếm và thực hiện sản xuất nông nghiệp chất lượng cao.

Tuy nhiên, chính sách, cơ chế rõ ràng cho việc xây dựng các công trình hỗ trợ sản xuất, các công trình phụ trợ đảm bảo canh tác là chưa có và chưa cụ thể, dẫn đến tình trạng phổ biến của cả nước hiện nay là không dám đầu tư nông nghiệp, do không được xây dựng các công trình phụ trợ sản xuất, đảm bảo an toàn trong sản xuất.

Cử tri này cho rằng, tình trạng “luật chưa hướng dẫn cụ thể - chính quyền địa phương thì trả lời chờ hướng dẫn” dẫn đến tình trạng bỏ hoang đất sau dồn điền, đổi thửa, hay các loại đất nông nghiệp khác, gây lãng phí đất; về lâu dài, đất bỏ hoang sẽ bị thoái hóa, khó cải tạo, gây lãng phí...

Vì thế, vị này mong muốn, Ban Soạn thảo Luật nghiên cứu thấu đáo thực tế để tiếp thu và chỉnh sửa Luật để hỗ trợ người dân bỏ sức, bỏ của ra để làm nông nghiệp.

Tách giá trị đất đai khỏi giá trị doanh nghiệp

Liên quan đến việc sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa (CPH) , ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) nhìn nhận, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không quy định riêng về việc sử dụng đất của các doanh nghiệp CPH từ các doanh nghiệp nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp công lập, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp này thực hiện chung theo quy định áp dụng đối với các tổ chức kinh tế.

Tuy nhiên, đặc điểm hình thành quyền sử dụng đất của doanh nghiệp CPH có sự khác biệt tương đối lớn so với các trường hợp khác. Nếu như các tổ chức kinh tế muốn có đất, theo Dự thảo sẽ phải tham gia đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng từ các tổ chức, cá nhân khác theo giá thị trường, thì các doanh nghiệp CPH được sử dụng đất đương nhiên, không phải thông qua các hình thức nêu trên.

Do đó, theo vị này, cần bổ sung quy định về việc sử dụng đất của các doanh nghiệp CPH theo hướng tách giá trị đất đai khỏi giá trị doanh nghiệp, doanh nghiệp CPH phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai như bất cứ doanh nghiệp nào khác.

Doanh nghiệp CPH chỉ được tiếp tục sử dụng đất phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng phương án sử dụng đất được duyệt; trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất khác với phương án sử dụng đất được duyệt, thì Nhà nước sẽ thu hồi lại để đấu giá hoặc đấu thầu. Doanh nghiệp CPH được bồi thường giá trị tài sản và chi phí đầu tư vào đất còn lại (nếu có); đồng thời được tham gia đấu giá, đấu thầu theo quy định nếu có nhu cầu.

Tin bài liên quan